Vì sao hàng loạt cây xà cừ ở Hà Nội bị đẽo vỏ?
Nhiều chuyên gia đồ gỗ mỹ nghệ cho rằng, nhiều khả năng, người dân chặt lấy vỏ cây xà cừ về xay nhỏ, dùng làm hương đốt hoặc cũng không loại trừ khả năng con người có ý đồ phá hại cây xanh.
Thời gian gần đây, người dân thấy nhiều cây xà cừ trên nhiều tuyến phố của TP.Hà Nội bị chém lấy vỏ nham nhở. Thống kê của Công ty Cây xanh Hà Nội đến hết ngày 15.4, có 35 cây xà cừ bị cạo, đẽo vỏ.
Tuyến đường Lê Duẩn 9 cây xà cừ bị xâm hại; tại dải phân cách đường Láng, đoạn đối diện số nhà 1150 đến số nhà 1154, có 5 cây; tại dải phân cách phố Kim Mã có 18 cây; đường Phạm Văn Đồng có 3 cây. Nhiều người đặt câu hỏi, không biết số vỏ xà cừ bị lấy đi dùng vào việc gì?
Hàng loạt cây xà cừ trên các tuyến phố bị chém lấy vỏ nham nhở: Ảnh Hồng Phú
Vỏ xà cừ không thể làm đồ mỹ nghệ
Ông Nguyễn Viết Quyền ở địa chỉ (320 Lê Duẩn) cho hay, ông làm đồ gỗ, mỹ nghệ từ những năm 90 nhưng chưa thấy ai dùng mấu của cây để làm đồ gỗ mỹ nghệ cả.
“Khi làm mộc, cũng không có ai dùng vỏ hay nhựa xà cừ đê đánh bóng đồ mỹ nghệ, tôi hay dùng cánh kiến pha với cồn hay dùng dầu thông vì nó có độ bám, độ dính”, ông Quyền nói.
Anh Nguyễn Văn Thịnh, chủ xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở huyện Thường Tín, TP.Hà Nội cho hay, anh có xem một số hình ảnh ở trên mạng về cây xà cừ bị chém lấy vỏ nham nhở.
“Một số ý kiến nói rằng họ lấy mấu cây (phần lồi ra) về làm đồ mỹ nghệ là không đúng. Mấu của cây xà cừ không có giá trị nên các thợ mộc không dùng để làm đồ trang trí mỹ nghệ. Nếu có lấy mấu làm đồ mỹ nghệ thì phải là mấu của cây gỗ quý như hương, ghụ, nghiến”, anh Thịnh nói.
Anh Thịnh cho biết thêm, có nhiều khả năng, người dân chặt lấy vỏ cây xà cừ về xay nhỏ (giống mùn cưa) dùng làm hương đốt. Bởi vì gỗ xà cừ có dầu, dễ bị đốt cháy.
“Cũng không loại trừ khả năng, có người muốn hủy hoại cây. Trước đây, tôi từng chứng kiến, một số cây đang xanh tươi bị làm cho chết khô. Khi cây còn xanh, một số người đã đẽo lấy vỏ cây, sau đó đục vào bên trong chỗ cây bị đẽo một lỗ khoảng 70cm. Sau đó, người ta đổ dầu vào bên trong cái lỗ đó và bít lại. Một thời gian sau, cây đó sẽ tự chết khô, giống kiểu chết khô tự nhiên”, anh Thịnh nêu.
Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Viện trưởng Viện Khoa Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, tùy vào mức độ tổn thương mà cây có thể sống hay bị chết. Chẳng hạn, cây có nhiều vết chém sẽ bị chảy nhựa, nếu gặp côn trùng phá hoại khả năng chết là rất cao và ngược lại. Nếu cây bị xước vỏ nhẹ thì cũng vài tháng mới có thể phục hồi được. Tuy nhiên, quan trọng là phải chăm sóc và bảo vệ, không để sâu bệnh phá hoại.
Ông Nghĩa cho biết, thông thường tuổi đời của cây xà cừ có thể kéo dài hàng trăm năm, dùng để che bóng mát. Xà cừ cũng ít sâu bệnh, tuy nhiên nếu cây đã bị “tổn thương” rất dễ bị sâu bọ tấn công.
Vỏ xà cừ không có tác dụng chữa bệnh
Trong dư luận cũng đang lan truyền thông tin người ta đẽo gọt vỏ cây xà cừ để làm thuốc chữa bệnh ngoài da. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Quốc Bình, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, cây xà cừ không nằm trong danh mục cây thuốc của Việt Nam. Do đó, loại cây này không có tác dụng chữa bệnh.
Cây xà cừ không nằm trong danh mục cấy thuốc Việt Nam
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cũng khẳng định, cây xà cừ không có tác dụng chữa bệnh. Trong sách Đông y ông từng đọc và nghiên cứu cũng không hề nhắc đến loại cây này.
“Nói cây xà cừ có tác dụng chữa bệnh chỉ là lời đồn thổi. Đây là loại cây có nhiều độc. Chính vì thế, ở các vùng quê, không ai làm giếng ở gần cây xà cừ”, ông Hướng nói.
Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cảnh báo, dùng cây xà cừ làm thuốc sẽ mang họa vào thân. Cây này không những không chữa được bệnh mà dùng có thể gây dị ứng, nhiễm độc.
“Người dân đừng nghe lời đồn thỏi, đừng mắc lừa thiên hạ để tiền mật tật mang”, ông Hướng nói thêm.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh Viện Bạch Mai cũng bất ngờ với thông tin dùng vỏ cây xà cừ đem đun lên, chắt lấy nước tắm để chữa ghẻ, dị ứng.
Ông cảnh báo, nếu trẻ có bệnh mọi người nên khám và dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Bệnh nhân không tự điều trị bệnh, chỉ nên dùng thuốc theo đơn. Tuyệt đối không dùng thuốc theo sự mách bảo hay đồn thổi. Người bệnh cũng nên nhớ rằng cây xà cừ có chất độc và phản tác dụng nếu cố tình dùng để chữa bệnh.