Vì sao hàng loạt cầu ở Quảng Nam chưa có đường dẫn?

Chủ đầu tư 7 cây cầu chưa có đường dẫn cho rằng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thiếu đất đắp và thiếu vốn nên chưa thể hoàn thành công trình.

Nhiệm kỳ 2015-2020, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, song còn 7 cầu không có đường dẫn, gồm: Tam Giang, Thanh Nam, Tây An 1, Tây An 2, Trà Đình, cầu trên tuyến ĐH14 và cầu trên đường ĐH7.

Vị trí 7 cầu chưa có đường dẫn ở Quảng Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Vị trí 7 cầu chưa có đường dẫn ở Quảng Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Chậm trễ giải phóng mặt bằng

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều công trình dang dở là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đơn cử đường dẫn cầu Tam Giang dài gần một km có 11 hộ ở xã Tam Giang, 3 hộ ở khối 2 thị trấn Núi Thành bị ảnh hưởng. Suốt 5 năm qua, người dân không chịu di dời, cho rằng phương án đền bù thấp và khu tái định cư cách xa trung tâm. Có hộ đang ở mặt tiền đường nhưng khi tái định cư không được bố trí ở tuyến đường sầm uất để buôn bán nên phản đối.

Sau nhiều lần làm việc, 9 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công đã đổ đất gia tải, chờ lún để thi công đường dẫn hai bên cầu. "Hiện còn 3 hộ dân chưa đồng ý bố trí chỗ tái định cư nên tiếp tục kiến nghị", ông Nguyễn Quang Thạnh, Ban Quản lý dự án quỹ đất huyện Núi Thành, chủ đầu tư dự án cho biết.

Cầu bắc qua sông Vĩnh Điện, nối phường Điện An với Điện Minh, thị xã Điện Bàn làm xong hơn 3 năm nhưng không có đường dẫn. Ảnh: Đắc Thành

Cầu bắc qua sông Vĩnh Điện, nối phường Điện An với Điện Minh, thị xã Điện Bàn làm xong hơn 3 năm nhưng không có đường dẫn. Ảnh: Đắc Thành

Cũng vì vướng mặt bằng nên đường dẫn lên cầu Thanh Nam bắc qua nhánh sông Thu Bồn, nối phường Cẩm Châu với Cẩm Nam, TP Hội An còn dang dở. Đường dẫn hai bên cầu dài 200 m, trong đó đoạn phường Cẩm Châu có 6 hộ dân bị ảnh hưởng. Cuối năm 2023, 5 hộ dân thống nhất bàn giao mặt bằng để thi công, một hộ chưa đồng tình vì cho rằng mức giá bồi thường quá thấp.

Đường dẫn cầu ở phường Cẩm Nam cũng tắc vì một hộ dân tranh chấp đất đai, phải chờ tòa thụ lý. Không có mặt bằng, đơn vị thi công xin tạm dừng. Đến nay chính quyền mới giải tỏa xong mặt bằng, nhà thầu đã thi công trở lại. "Dự kiến đầu tháng 9, cầu sẽ thông xe kỹ thuật và cuối năm khánh thành (chậm một năm so với kế hoạch)", ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An, nói.

Tương tự, cầu trên đường ĐH7 bắc qua sông Vĩnh Điện, chính quyền thị xã Điện Bàn mất nhiều thời gian mới giải phóng mặt bằng gần 2 km từ quốc lộ 1A dẫn đến cầu. Đến nay đã quá mốc hoàn thành một năm, đoạn đường lên cầu mới được thảm nhựa.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch thị xã Điện Bàn, cho hay công trình hiện còn khoảng 660 m từ cầu đi qua khu dân cư 2A do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phong Hải Thịnh làm chủ đầu tư. "Hiện dự án này bị thanh tra nên thị xã phải chờ. Sau thanh tra, cơ quan chức năng cho phép nhà đầu tư tiếp tục thực hiện thì để họ làm, nếu bị thu hồi thị xã sẽ đầu tư tiếp", ông Hà nói.

Thiếu vốn đầu tư, đất đắp

Đại diện Ban Quản lý dự án quỹ đất huyện Quế Sơn cho biết dự án cầu Trà Đình nối xã Quế Phú, huyện Quế Sơn với xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên chưa có đường dẫn vì thiếu vốn. Công trình được phê duyệt hơn 52 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng, số còn lại của huyện.

Do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn thu ngân sách thiếu, huyện Quế Sơn chỉ bố trí hơn 5,9 tỷ đồng cùng 30 tỷ đồng ngân sách tỉnh để làm cầu và đường công vụ. Đường dẫn lên cầu không có vốn đầu tư nên chưa biết khi nào hoàn thành.

Gần 4 năm qua cầu Trà Đình xây xong nhưng không có đường dẫn, để qua cầu chính quyền làm đường bêtông tạm rộng hơn 1 m dẫn lên cầu cao 6 m. Ảnh: Đắc Thành

Gần 4 năm qua cầu Trà Đình xây xong nhưng không có đường dẫn, để qua cầu chính quyền làm đường bêtông tạm rộng hơn 1 m dẫn lên cầu cao 6 m. Ảnh: Đắc Thành

Cầu trên đường ĐH14 nằm trong dự án vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Quá trình giải tỏa mặt bằng như xét nguồn gốc đất, đo đạc chậm nên cuối năm 2023, công trình bị rút vốn vay, đành phải tạm dừng. Hiện phần đường dẫn đã thi công hơn 30%, chờ bố trí vốn để làm tiếp.

Không bị thiếu vốn, nhưng cầu Tây An 1 và Tây An 2 ở huyện Duy Xuyên chưa thể hoàn thành do thiếu đất, cát đắp đường. Công trình cần 200.000 m3, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay địa bàn Quảng Nam khan hiếm vật liệu. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Duy Xuyên cho hay nhà thầu đang làm các thủ tục để xin phép tỉnh cấp phép mỏ đất.

Kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng, đánh giá tình trạng cầu chờ đường dẫn là "vô lý", gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. "Đây là trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư", ông Dân nói, thêm rằng chủ đầu tư dự án nên chủ trì mời các ban ngành để tìm ra hướng xử lý.

Cầu Tây An 1 và Tây An 2 nằm gần nhau nhưng chưa có đường dẫn vì thiếu đất đắp. Ảnh: Đắc Thành

Cầu Tây An 1 và Tây An 2 nằm gần nhau nhưng chưa có đường dẫn vì thiếu đất đắp. Ảnh: Đắc Thành

Liên quan đến 7 cầu trên, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và UBND các huyện thị rà soát, đề xuất giải pháp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. "Trường hợp vượt thẩm quyền, chủ đầu tư báo cáo các sở, ngành liên quan để phối hợp giải quyết, hoặc tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo", ông Bửu yêu cầu.

Trong 7 cầu chưa có đường dẫn, đầu tháng 4, cầu Trà Đình được HĐND tỉnh thống nhất theo đề xuất của UBND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 62,5 tỷ đồng, tăng hơn 10,6 tỷ, hoàn thành năm 2025. HĐND đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Quế Sơn trong việc không bố trí đủ nguồn vốn khiến dự án kéo dài nhiều năm.

Bảy cây cầu đã xây dựng xong nhiều năm, nhưng chưa có đường dẫn hai đầu khiến người dân phải đi vòng xa hơn, hoặc đi cầu cũ xuống cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đắc Thành ([Tên nguồn])
Công trình giao thông trọng điểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN