Vì sao Hà Nội xây ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm?

Sự kiện: Thời sự

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa có chia sẻ liên quan đến việc xây dựng ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm.

Vì sao Hà Nội xây ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm? - 1

Phối cảnh tổng thể nhà ga C9

Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo) đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận và đang được đưa ra trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội để làm rõ hơn về nội dung trên.

Theo phương án phê duyệt, ga gầm C9 được bố trí như thế nào tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thưa ông?

Nhà ga chính C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, nóc nhà ga cách mặt đất khoảng 3m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Nhà ga C9 được bố trí 4 cửa lên xuống như sau: Cửa lên xuống số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, tòa nhà phụ trợ, tháp làm mát và thang máy cho người khuyết tật) bố trí trong khuôn viên Tổng Công ty Điện Lực Hà Nội. Cửa lên xuống số 2 bố trí trong khu đất của Tổng Công ty điện lực Miền Bắc và hè phố Trần Nguyên Hãn. Cửa lên xuống số 3 bố trí trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm gần vị trí nhà vệ sinh công cộng hiện tại.

Cửa lên xuống số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu, trên phố Hàng Dầu, tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.

Vì sao Hà Nội xây ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm? - 2

Phối cảnh kiến trúc cửa lên xuống số 1. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cung cấp.

Vừa qua Hà Nội trưng bày quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 để lấy ý kiến người dân. Vậy kết quả sau đợt lấy ý kiến người dân ra sao thưa ông?

Hà Nội bắt đầu trưng bày quy hoạch tổng thể mặt bằng ga tàu điện ngầm C9 lấy ý kiến người dân  từ 9 giờ sáng ngày 9-31/3, địa điểm tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Việc lấy ý kiến thông qua hình thức phát phiếu, gửi đóng góp qua gmail, trả lời trực tuyến.

Theo đó kết quả cho thấy, trong tổng số 1.700 người dân tham gia góp ý kiến bằng phiếu ghi ý kiến tại địa điểm trưng bày, có 90% đồng tình, số người không đồng ý là 7% và 3% không có ý kiến.

Việc kết nối giao thông khu vực quanh Hồ Gươm sẽ thế nào khi có nhà ga C9 thưa ông?

Trong quy hoạch đường sắt đô thị đến 2030 tầm nhìn 2050, toàn tuyến đường sắt đô thị được kết nối thì người dân có thể đi đến bất cứ chỗ nào mà không cần phương tiện cá nhân nữa

Tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được tính toán để kết nối tốt với các tuyến đường sắt số 1 và 3. Cụ thể, ga C8 của tuyến số 2, tại vườn hoa Vạn Xuân, gần phố Hàng Đậu sẽ tiếp nhận và trung chuyển hành khách với tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên. Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến số 3 Nhổn-Hoàng Mai. Ga C9 đuợc thiết kế đến 2 ga còn lại ở khoảng cách trên dưới 1km, thuận tiện cho người dân di chuyển, tiếp cận cả 3 tuyến đường sắt này, đồngthời cũng phục vụ hành khách đến và đi khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Vì sao Hà Nội xây ga ngầm đường sắt cạnh Hồ Gươm? - 3

 Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 4, khu vực phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu.

Thưa ông, dự kiến thời gian hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2 mất bao lâu?

Chúng tôi dự kiến thi công tổng thể phần ngầm gồm cả các ga trong vòng 54 tháng. Riêng nhà ga cố gắng làm trong vòng 3 năm. Trong thời gian thi công, chắc chắn người dân sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng quây rào tôn, có biển cảnh báo, hướng dẫn cho người dân, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường và đảm bảo dân cư sinh hoạt bình thường.

Vì sao lại đặt nhà ga C9 tại khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm thưa ông?

Trước đó, chúng tôi đã tính toán, nghiên cứu hai hướng, một hướng đi trong phố cổ, một hướng vòng ra ngoài đê.

Phương án ra ngoài đê tức là nghiên cứu bố trí hướng tuyến đường hầm và ga ngầm ra các tuyến đường Trần Quang Khải, Ngô Quyền hoặc Nhà Hát Lớn... nhưng đều gặp phải các trở ngại không thể khắc phục như: vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật đê điều, tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn hơn dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao…và không phù hợp với kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Thêm nữa, nếu vòng ra ngoài, phải bố trí phương tiện kết nối về trung tâm, như thế làm tăng áp lực giao thông.

Còn phương án đi ngầm phố cổ có một số điểm khống chế như gặp móng các công trình nhà cao tầng. Chúng tôi phải tránh các trường hợp như thế.

Còn phương án đặt vị trí nhà ga C9 gần Hồ Gươm sẽ đem lại nhiều thuận lợi nhất. Thuận lợi về giao thông, mặt bằng. Thêm nữa, nhà ga C9 nằm giữa ga C8 và C10. Trong đó, ga C8 kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1, nằm ở khu vực vườn hoa Vạn Xuân gần bốt Hàng Đậu. Ga C10 đặt ở vị trí giao giữa phố Trần Hưng Đạo với phố Hàng Bài (kết nối với tuyến đường sắt số 3). Hai ga 8 và 10 là ga kết nối nên đã cố định. Vì thế, theo yêu cầu hướng tuyến; quy hoạch đã được duyệt và yêu cầu về kỹ thuật (đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 với các ga C8, C10 khoảng 1 km), vị trí ga C9 được chọn ở đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội là phù hợp nhất.

Theo tính toán, Tháp Bút cách ga 36 mét nên nằm ở vị trí ngoài vùng ảnh hưởng lún do thi công ga nên không bị ảnh hưởng.

Xin cám ơn ông!

Chắn đường thi công ga ngầm Cát Linh: Dân đi đường nào khỏi tắc?

Sở GTVT vừa thông báo phương án tổ chức, phân luồng giao thông phục vụ thi công ga ngầm S10 trên phố Cát Linh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức (thực hiện) ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN