Vì sao gỗ sưa được coi là loại gỗ vương giả, đắt hơn vàng ròng?

Sự kiện: Cây sưa

Gỗ sưa lâu năm, lõi to được săn lùng như báu vật, có giá lên đến 40-50 triệu đồng/kg lõi.

Vì sao gỗ sưa được coi là loại gỗ vương giả, đắt hơn vàng ròng? - 1

Gỗ sưa được săn lùng và thu mua với giá cao.

Mới đây, giới buôn gỗ đang xôn xao về chuyện cây sưa trên 130 tuổi ở làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ được UBND Hà Nội đồng ý cho bán đấu giá. Thời điểm sưa sốt giá, cây sưa này từng được thương lái định giá tới 100 tỷ đồng.

Nhiều người thắc mắc, tại sao gỗ sưa lại có giá trị cao như vậy?

Loại gỗ vương giả

Ngày 10/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Hiệp - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, gỗ sưa có chất lượng tốt, đường vân đẹp, mùi thơm tự nhiên nên được định giá cao.

 “Sưa có hai loại là sưa trắng và sưa đỏ. Sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm, gỗ sưa đỏ có vân bốn mặt, mùi thơm thoảng như hương trầm, trong khi sưa trắng chỉ có vân hai mặt và cũng không có mùi thơm”, ông Hiệp nói.

Trước kia ở Trung Quốc, chỉ có những gia đình vua chúa, quyền thế mới dám dùng các đồ vật làm từ gỗ này.

Vì sao gỗ sưa được coi là loại gỗ vương giả, đắt hơn vàng ròng? - 2

Nhiều nơi phải căng dây thép gai, lắp camera theo dõi để phòng chống “sưa tặc”.

Thậm chí, nhiều tin đồn cho rằng, người Trung Quốc xưa thường dùng gỗ sưa làm chất ướp xác trong các lăng mộ, hay làm đồ thờ cúng, phong thủy nhưng theo ông Hiệp, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về công dụng này của gỗ sưa.

Ông Hiệp cũng cho hay, sưa đỏ được liệt vào nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, mua bán vì mục đích thương mại. Hiện gỗ sưa trong tự nhiên rất khan hiếm và dễ mất trộm. Ở một số nơi, người dân bảo vệ sưa rất nghiêm ngặt bằng cách túc trực đêm ngày hoặc căng dây thép gai, lắp camera theo dõi.

Gần đây, nhiều địa phương ở Việt Nam đang thử nghiệm việc nhân rộng diện tích trồng gỗ sưa tự nhiên. Tuy nhiên, gỗ sưa phải mất hàng chục tới hàng trăm năm mới có giá trị sử dụng.

Việc cây sưa được trồng nhiều và phát triển rất tốt nên ông Hiệp tin rằng, trong thời gian tới, luật pháp cũng sẽ “nới” việc khai thác, mua bán gỗ sưa.

Vân gỗ sưa đẹp như nhan sắc hoa hậu

Ông Nông Văn Thắng (SN 1955) – người được mệnh danh là “vua sưa đất Bắc”, đang sở hữu vườn sưa hơn 2.000 gốc ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cho hay, hiện nay, dù đã hết sốt nhưng gỗ sưa trên thị trường vẫn có giá rất cao so với các loại gỗ khác.

Vì sao gỗ sưa được coi là loại gỗ vương giả, đắt hơn vàng ròng? - 3

Vườn sưa hơn 2.000 cây của ông Thắng dưới chân thung lũng ở Tuyên Quang.

Riêng về phần lõi, lõi sưa đỏ có đường kính từ 10-15cm có giá 2-3 triệu/kg; loại lõi 15cm trở lên có giá hơn 10 triệu/kg, loại lõi 40cm trở lên có giá 40-50 triệu/kg.

Giải thích về việc sưa có giá cao, ông Thắng cho hay, trước đây, sưa có giá không cao nhưng khoảng 10 năm trước, thương lái Trung Quốc săn lùng và mua sưa rầm rộ. Cung không đủ cầu ắt giá được đẩy lên rất cao.

“Về mặt tâm linh, người ta đồn nhiều về công dụng của gỗ sưa nhưng chưa ai kiểm chứng được. Còn riêng về mặt thẩm mỹ, tôi có thể khẳng định, vân gỗ sưa đẹp tuyệt vời. Bạn hãy tưởng tượng, vân gỗ sưa đẹp như nhan sắc của hoa hậu, nhìn rồi không muốn rời mắt đi.

Tôi đã từng chiêm ngưỡng bộ bàn ghế làm từ gỗ sưa, trông bề ngoài rất bình thường và cũng không bề thế nhưng có giá lên đến hàng chục tỷ. Đó là giá trị của vân gỗ sưa đỏ”, ông Thắng chia sẻ.

Vì sao gỗ sưa được coi là loại gỗ vương giả, đắt hơn vàng ròng? - 4

Ông Thắng bên một cây sưa hơn 10 năm tuổi, có giá bán khoảng 400 triệu đồng.

Về cây sưa ở làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ông Thắng cho hay, ông đang rất mong chờ đến buổi đấu giá và dự định sẽ rủ những người trong hiệp hội trồng sưa ở Tuyên Quang xuống Hà Nội xem.

Ông Thắng cho rằng, dù cây sưa đã có dấu hiệu mục ruỗng nhưng đó chỉ là phần vỏ, còn phần lõi của cây không bao giờ bị mục. Ông cũng định giá cây sưa trên 130 tuổi ở làng Phụ Chính chỉ rơi vào khoảng 50 tỷ chứ không đến 100 tỷ.

Hà Nội đồng ý cho người dân bán cây sưa từng được trả giá 100 tỷ đồng

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính bán cây sưa từng được trả giá nhiều tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Cây sưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN