Vì sao em gái Kim Jong-un được ngồi vào “ghế cao”?
Chuyên gia lý giải nguyên nhân Kim Jong-un bổ nhiệm em gái vào vị trí cấp cao trong đảng.
Ngày 27/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên khi đưa tin về một chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiết lộ rằng cô em gái Kim Yo-jong của ông này đang nắm giữ vị trí phó trưởng ban một ban quan trọng trong Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, một chức vụ được cho là có quyền lực không nhỏ đối với cô gái mới 27 tuổi.
Kim Yo-jong (khoanh tròn đỏ) được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao ở tuổi 26
Tờ Independent của Anh dẫn lời các chuyên gia rằng việc em gái Kim Jong-un được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong đảng chứng tỏ một điều rằng nhà lãnh đạo này đang “rất cần có đồng minh” bên cạnh mình.
Theo các chuyên gia phân tích, các nhà lãnh đạo Triều Tiên vốn có truyền thống đưa những người thân tín, đặc biệt là anh chị em ruột vào các vị trí cấp cao xung quanh mình để củng cố quyền lực. Cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng đã từng bổ nhiệm em gái Kim Kyong-hui làm đại tướng kiêm trợ lý thân cận của mình.
Bà Kim Kyong-hui được cho là người đã nhiệt tình giúp đỡ Kim Jong-un tiếp quản quyền lực từ cha mình và dìu dắt ông này trong thời kỳ đầu. Tuy nhiên, bà đã “im hơi lặng tiếng” một cách bí ẩn kể từ khi chồng bà là Jang Song-taek bị xử tử với tội danh phản bội vào cuối năm ngoái.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Remco Breuker, giáo sư về Triều Tiên học tại Đại học Leiden (Anh) thì cho rằng việc Kim Jong-un đưa em gái ngồi lên ghế cao không giống như việc cha ông bổ nhiệm bà Kim Kyong-hui làm đại tướng.
Kim Yo-jong trong tang lễ của cố Chủ tịch Kim Jong-il
Ông Breukeu nhận định: “Hành động này chứng tỏ Kim Jong-un đang cực kỳ cần đồng minh, và ông ta bắt buộc phải bổ nhiệm người em gái vốn ít tuổi hơn và lại là phụ nữ, bởi ông không có đủ người đáng tin cậy. Có vẻ như ông Kim đang muốn em gái mình trở thành một trợ lý thân cận và đồng minh đáng tin cậy”.
Tiến sĩ Breuker tin rằng hành động bổ nhiệm này cho thấy ông Kim Jong-un đang tìm cách để có thêm quyền lực, và điều đó cũng phản ánh một thực tế rằng ông hiện đang ở thế yếu trong chính phủ.
Ông nói: “Mọi người có thể phản bác rằng Kim Jong-un đang có quyền lực lớn đến mức có thể dễ dàng đưa em gái vào vị trí cấp cao, nhưng với những gì đang diễn ra, tôi lại không nghĩ như vậy. Những nhà lãnh đạo nhiều quyền lực thường không biến mất bí ẩn trước công chúng suốt 6 tuần mà không đưa ra lý do”.
Kim Yo-jong tháp tùng anh trai trong một chuyến thăm thực địa
Cũng theo ông Brauker, chính sách ngoại giao của Triều Tiên và cách nước này đối xử với Liên minh châu Âu cũng thể hiện bức tranh toàn cảnh hơn về quyền lực của Kim Jong-un trong chính phủ Triều Tiên vào thời điểm này.
Ông nói: “Việc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với tư cách là một quốc gia hạt nhân, cách họ phản ứng về vấn đề nhân quyền cho thấy nhiều điều hơn là những hành động bổ nhiệm như thế này”.
Chuyên gia này nhận định Triều Tiên gần như đang “ve vãn” EU về vấn đề nhân quyền sau khi một ủy ban của Liên hợp quốc thông qua dự thảo nghị quyết đòi đưa Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế để xét xử về tình trạng vi phạm nhân quyền.
Brauker nói: “Triều Tiên đang đặc biệt lo lắng rằng nghị quyết về nhân quyền sẽ được Đại Hội đồng LHQ thông qua, điều này cho ta thấy vị thế của chính phủ Triều Tiên vào thời điểm hiện nay”.