Vì sao đường sắt trên cao uốn lượn, cong phình?

Ban Quản lý Dự án Đường sắt trên cao, tuyết Cát Linh- Hà Đông cho biết, việc thiết kế đường sắt trên cao uốn lượn nhằm đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng…

Tháng 4.2014, những thanh dầm đầu tiên được lắp đặt tại đoạn ngã tư Trần Phú - Lê Trọng Tấn, tuyến Đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội bắt đầu lộ rõ hình hài. Tuy nhiên, đến nay, khi lưu thông trên đường, bằng mắt thường người dân lại thấy tuyến đường này uốn lượn, mấp mô. Thậm chí, có những đoạn cong, phình ra.

Vì sao đường sắt trên cao uốn lượn, cong phình? - 1
Đường sắt trên cao uốn lượn trên đường Nguyễn Trãi 

Ghi nhận của phóng viên ngày 25.6, đường sắt uốn lượn bắt đầu từ đường Nguyễn Trãi kéo dài đến gần cầu Trắng (Hà Đông). Đoạn đường sắt uốn lượn nhiều nhất ở gần nhà máy thuốc lá Thăng Long, Đại học Kiến Trúc (trên đường Nguyễn Trãi).

Ông Lê Văn Dương, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông cho biết, đường sắt được thiết kế uốn lượn nhằm đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng.

Vì sao đường sắt trên cao uốn lượn, cong phình? - 2Đoạn đường sắt võng xuống gần Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)  

Vì sao đường sắt trên cao uốn lượn, cong phình? - 3Có đoạn lại nhô lên cao 

Ông Dương cho biết thêm, những trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc. Cụ thể, khi tàu vào ga, đoàn tàu phải giảm tốc độ, do đó thiết kế lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và tiêu thụ năng lượng.

Và ngược lại, khi tàu ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên, giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.

Vì sao đường sắt trên cao uốn lượn, cong phình? - 4
Có những đoạn đường sắt lại phình ra (ảnh chụp trên đường Nguyễn Trãi )

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Lê Công Thành, giảng viên bộ môn Đường sắt, trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho hay, hiện tại các nước trên thế giới đều làm đường sắt trên cao chạy thẳng, chỉ có số ít đường sắt được làm uốn lượn khi chạy ngầm trong lòng đất.

“Ban quản lý giải thích việc làm đường sắt uốn lượn để giảm việc tiêu thụ năng lượng của đoàn tàu, lý do này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt mỹ quan thì đường sắt lại không đẹp, bắt mắt”, Tiến sĩ Thành nói.

Theo Tiến sĩ Thành, việc thiết kế, xây dựng đường sắt trên cao thường tiêu tốn rất nhiều tiền. Nhưng sau khi đi vào vận hành, chi phí về năng lượng cũng không phải là vấn đề lớn. Do đó, nếu như ban quản lý khắc phục được yếu tố này, để đường sắt chạy thẳng thì sẽ đẹp hơn, phù hợp hơn.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung, ký ngày 30.5.2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đường sắt có 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức - Hồng Phú ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN