Vì sao đề xuất nạp thẻ điện thoại phải nhập số CMND?
Đề xuất chủ thuê bao điện thoại nhập kèm số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc mã số căn cước công dân trong một lần nạp thẻ điện thoại hạn chế sim rác vừa được Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhận được nhiều sự tán đồng.
Tại Hội nghị, tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua kiểm tra diện rộng vẫn phát hiện tình trạng bán SIM rác của các nhà mạng trên thị trường.
Theo đó, trong đợt thanh tra đã tịch thu 6.900 SIM đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ. Tổng số tiền xử phạt khoảng 777 triệu đồng.
Theo Thanh tra Bộ, có nhiều nguyên nhân khiến sim rác vẫn tồn tại trên thị trường bao gồm việc lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều SIM rồi thực hiện việc bán SIM đã kích hoạt trước.
Ngoài ra, thanh tra Bộ phát hiện có tình trạng sao chép, trao đổi ảnh chụp chủ thuê bao, ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân giữa các đại lý để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nạp thẻ điện thoại phải nhập số CMND
Một trong những giải pháp được phía Thanh tra Bộ đưa ra để ngăn chặn tình trạng SIM rác là yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân hoặc mã số căn cước công dân hoặc hộ chiếu, ngày cấp trong một lần nạp thẻ điện thoại. Quy định này nhằm cập nhật chính xác thông tin thuê bao và khách hàng chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân một lần nạp thẻ. Sau lần đó, việc nạp thẻ sẽ diễn ra bình thường như trước.
Nhìn nhận về đề xuất này, giới chuyên gia cho rằng, điều này hoàn toàn có cơ sở và cần thiết bởi tình trạng sim rác là một trong những yếu tố khiến cho đời sống, kinh tế, xã hội bất ổn, khó kiểm soát.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico, dẫn chứng trong thời gian qua tình trạng "gây rối" qua điện thoại bằng sim rác diễn ra quanh năm gây bức xúc dư luận như nhắn tin, gọi điện đòi nợ kiểu "khủng bố" tin nhắn, điện thoại hay như chào mời bán nhà, bán bảo hiểm quá đà…
"Đây là những vấn đề vi phạm pháp luật nhưng lại hoành hoành vô lối trong thời gian qua làm ảnh hưởng tới người dân. Vì vậy, chúng ta cần phải thắt chặt hết mức và xử phạt nặng gấp 100 lần hiện nay mới đủ sức răn đe. Nếu như kiểm soát được vấn đề sim rác thì các vấn đề đó cũng được hạn chế bởi vì từ số điện thoại "chính chủ", cơ quan chức năng có có cơ sở "truy tận gốc bắt tận tay" những người có hành vi vi phạm pháp luật đề trừng trị", luật sư Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, chỉ nên thực hiện với điều kiện là chứng minh việc nhập số chứng minh thư, thẻ căn cước mỗi nhận nạp thẻ điện thoại có tác dụng thật sự thì mới nên triển khai. Nhập thông tin chứ không phải thủ tục khai báo.
Chưa kể, vấn đề ở đây còn là bài toán cân bằng giữa chi phí và lợi ích. Các chi phí có thể phát sinh như phần mềm, thời gian nhập, xử lý dữ liệu,..
Đề xuất nạp thẻ điện thoại phải nhập số CMND nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, việc nhập số chứng minh thư, thẻ căn cước.. khi nạp sim điện thoại sẽ giúp minh bạch những thông tin người sử dụng và là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý, các đơn vị liên quan bao gồm công an, quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh có biện pháp thanh tra, giám sát tình trạng mua bán sim rác ra ngoài thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng sử dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tất nhiên, việc nạp thẻ như đề xuất có thể khiến cho người dân cảm thấy "phiền" nhưng chúng ta cần phải tính đến lợi ích dài hơi cho cộng đồng, cho xã hội thay vì chỉ là sự tiện lợi của từng cá nhân.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho cá nhân khác mà không thực hiện...