Vì sao dân phải trả tiền tennis cho ngành điện?

"Chi sai một đồng đối với một DNNN như EVN cũng là có lỗi với dân, huống hồ những khoản chi sai của EVN lên tới hàng ngàn tỷ, rồi lại tính vào giá thành và bắt dân chịu, tôi nghĩ cơ quan quản lý cần có một câu trả lời thỏa đáng cho người dân về việc này".

Như Infonet đã đưa tin, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong quá trình xây dựng một số dự án điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa cả hạng mục xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự, liền kề, chung cư kèm bể bơi, sân tennis ... với giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng. Đáng nói, toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.

Ngoài ra, việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính, chưa kể còn bị lỗ đến 2.195 tỷ đồng cho đầu tư ngoài ngành.

Vì sao dân phải trả tiền tennis cho ngành điện? - 1

Bù cho những khoản lỗ, thất thu của mình, EVN liên tục đề xuất tăng giá điện

Bày tỏ sự cảm thông với ngành điện trước những áp lực phải đảm bảo cung ứng đủ điện và an toàn cho hệ thống điện quốc gia, nhưng TS. Lê Đăng Doanh không đồng tình với cách làm của EVN, nhất là với những sự thật trong kinh doanh mà Thanh tra Chính phủ đã phanh phui về tập đoàn này.

"Trước đây lãnh đạo EVN đã từng tuyên bố là minh bạch trong chi phí sản xuất điện, không có chuyện hạch toán các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành vào giá điện, vậy mà bây giờ kết luận Thanh tra lại đưa ra những con số cụ thể. Lãnh đạo EVN cần có một lời giải thích rõ ràng về kết luận thanh tra trước dân chúng" – TS. Doanh nói.

Theo TS. Doanh, EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu hợp lý chưa? Với những khoản chi và đầu tư ngoài ngành thua lỗ mà bắt người dân, DN khác gánh thì rất vô lý.

Ông cũng cho rằng, cơ quan quản lý là Bộ Công thương và cơ quan quản lý tài chính là Bộ Tài chính cũng phải chịu trách nhiệm khi đã để "lọt" những khoản chi lớn như vậy của EVN.

 "Chi sai một đồng đối với một DNNN như EVN cũng là có lỗi với dân, huống hồ những khoản chi sai của EVN lên tới hàng ngàn tỷ, rồi lại tính vào giá thành và bắt dân chịu, tôi nghĩ cơ quan quản lý cần có một câu trả lời thỏa đáng cho người dân về việc này" – ông lên tiếng.

Chưa hết, trong lúc EVN mạnh tay chi cho những dự án ngoài ngành thì khoản nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng của "ông điện" với những đối tác phát điện vẫn bị "treo" lại, chưa biết tới bao giờ được hoàn trả.

Theo con số công bố trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến hết năm 2011, Công ty Mua bán điện của EVN còn nợ hơn 22 ngàn tỷ đồng của các nhà máy phát điện, trong đó hơn 10 ngàn tỷ đồng là nợ đã quá hạn trả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hơn 9.200 tỷ đồng và Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là hơn 335 tỷ đồng. Số nợ trên chưa bao gồm các khoản lãi phạt do chậm trả theo hợp đồng.

Tuy nhiên với cung cách điều hành như hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia EVN sẽ khó mà hoàn trả được số nợ trên.

Ông Ngô Trí Long nhận xét, ngành điện cần phải minh bạch con số lỗ, lãi rồi giá thành sản xuất điện chứ không thể cứ để "tù mù", nửa vời như hiện nay. "Ngành điện cần thông tin rõ cơ cấu giá thành hiện nay như thế nào, giá than, giá khí chiếm bao nhiêu và liệu có chuyện tăng giá điện để gánh lỗ đầu tư ngoài ngành và tổn thất điện năng hay không", vị này nói.

Cũng cho rằng, EVN đã vô lý khi hạch toán những chi phí ... trời ơi như xây dựng sân tennis, chung cư... vào tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, từ đó tính vào giá thành điện, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, "cái sai của EVN là đã xây dựng các công trình nhà điều hành dự án điện lớn quá mức cần thiết, khiến chi phí đội lên và đưa những chi phí này vào giá thành sản xuất".

Vị chuyên gia này cho rằng, phải truy tới cùng trách nhiệm trong các hạng mục đầu tư "vượt khung" của EVN. "Dự án đầu tư quá mức theo chuẩn chung mà Bộ Xây dựng quy định trong dự toán không có mà "bôi" ra thêm là lỗi của EVN, đầu tư quá mức và dùng nguồn vốn hạch toán vào giá điện là sai phạm, vô lý".

Để minh bạch và rộng đường dư luận, TS. Lê Đăng Doanh đề xuất, nên thành lập một tổ tư vấn độc lập vì trong hoàn cảnh nào cũng đều có giải pháp. "Nếu không muốn rõ ràng thì luôn có ngàn lý do để giải thích". EVN "hứa" thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành trước 2015 nhưng tôi cho rằng EVN phải sớm thực hiện thoái vốn mới mong minh bạch được phần nào"- nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế CIEM chia sẻ.

Theo thông tin trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Thanh tra Chính phủ khẳng định công tác đầu tư xây dựng nhiều dự án điện phát sinh nhiều chi phí làm đội giá thành điện. 

Điển hình, tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, ngoài số tiền trên 167 tỉ đồng phải chi thêm ngoài hợp đồng tổng thầu EPC, còn phát sinh chi phí cho khoản dầu đốt lại lò do xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động.

Đáng chú ý, nhiều dự án điện còn phát sinh thêm hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Đơn cử như nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1.

Trên thực tế, hạng mục này là nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis. Tổng diện tích lên tới 355.000 m2, giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN