Vì sao cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương bị đề nghị thay đổi tội danh?

Luật sư cho rằng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã can thiệp vào hoạt động của cơ quan, tổ chức. Chính vì thế, cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Viện KSND Tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh từ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” sang “Nhận hối lộ” với bị can này là đúng diễn biến vụ án.

Tại kết luận điều tra, CQĐT xác định, ông Phạm Xuân Thăng trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương được ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế giới thiệu, đề nghị cho Công ty Việt Á về Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm, phòng chống dịch.

Do vậy, tại các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vào năm 2021, Bí thư Phạm Xuân Thăng chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.

Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Phạm Xuân Thăng, đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Tại buổi gặp này, Phan Quốc Việt đưa cho ông Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, ông Thăng còn được ông Phạm Duy Tuyến, khi đó là Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD.

Ở giai đoạn điều tra, ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Viện KSND Tối cao phê chuẩn thay đổi tội danh của ông Thăng sang tội "Nhận hối lộ".

Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho rằng, ông Phạm Xuân Thăng đã can thiệp vào hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, khiến cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước là dấu hiệu của tội phạm “Nhận hối lộ”, không phải là dấu hiệu của “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Viện KSND Tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh đối với bị can này, để truy tố theo quy định là căn cứ vào kết quả điều tra xác định ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương có nhận tiền từ ông Phan Quốc Việt 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng) và nhận của Phạm Duy Tuyến, khi đó là Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD.

CQĐT đánh giá, ông Phạm Xuân Thăng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác; đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận của Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến.

Nêu quan điểm về việc này, luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc đề nghị VKSND Tối cao phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh này vì theo kết luận điều tra, ngoài việc ông Phạm Xuân Thăng nhận tiền từ Việt Á và qua trung gian, thì trong buổi họp trực tuyến phòng chống dịch, ông này đã chỉ đạo "thực hiện hợp đồng kinh tế với Việt Á và ưu tiên số một là xét nghiệm vì Việt Á đã vào cuộc với chúng ta, đây là một công ty tin cậy, Bộ trưởng Y tế đã khẳng định".

Từ chỉ đạo này, CDC Hải Dương phối hợp cùng Việt Á làm thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng và thanh toán theo giá doanh nghiệp đưa ra là 470.000 đồng/kit.

Luật sư Phan Anh nhấn mạnh, như vậy, việc chọn Việt Á đã được thực hiện trước khi chỉ định thầu, việc chỉ định thầu chỉ là hình thức để hợp pháp hóa chỉ đạo của Phạm Xuân Thăng.

“Theo kết luận điều tra, ông Phan Quốc Việt đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng). Ông Thăng còn được ông Phạm Duy Tuyến, khi đó là Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD. Như vậy, ông Phạm Xuân Thăng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp và qua trung gian nhận tiền, để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ", luật sư Phan Anh phân tích về dấu hiệu nhận hối lộ của ông Thăng.

Cơ quan điều tra xác định khi dịch Covid-19 bùng phát, CDC Hải Dương mua hơn 226.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỷ đồng. Mức giá trên đã được Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng đồng phạm tự nâng khống.

Việc làm này của Phan Quốc Việt gây thiệt hại hơn 73,8 tỷ đồng cho chính quyền tỉnh Hải Dương.

Nguồn: [Link nguồn]

Chi tiết về 38 bị can trong vụ án ”thổi giá” kit xét nghiệm Việt Á

Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao truy tố 38 bị can liên quan đến vụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức -Hoàng An ([Tên nguồn])
Móc ngoặc, "thổi giá" kit test COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN