Vì sao công chức, viên chức ngại nhập ngũ?
Lo mất vị trí công tác, khó tìm việc mới sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự là những lý do khiến công chức, viên chức “ngại” nhập ngũ.
Thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi, bổ sung) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/8, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, cán bộ, công chức, viên chức không được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng trong quá trình tuyển quân vừa qua không tuyển.
Từ năm sau nên tuyển, phải tuyển cán bộ công chức, viên chức, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội.
Liên quan tới đề xuất này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trịnh Đình Thạch – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi kiêm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Đại tá Trịnh Đình Thạch – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi kiêm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi |
Ông có ủng hộ đề xuất này không? Vì sao?
Đại tá Trịnh Đình Thạch: Nếu tuyển được cán bộ, viên chức… vào phục vụ quân đội sẽ giúp nâng cao chất lượng tổng thể quân đội. Chưa kể có một số ngành học quân đội có thể tận dụng được, giúp họ phát huy khả năng khi công tác trong quân đội.
Tuy nhiên, việc này cần nghiên cứu thêm ở cơ sở, thực tiễn, đặc biệt công tác tuyển quân ở các địa phương trong những năm qua trước khi quyết định.
Từ năm ngoái tới năm nay, chủ trương của quân khu và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi là vẫn tổ chức tuyển quân theo xu hướng 3 trong 1 nhằm nâng cao chất lượng quân đội. Tức là thanh niên nhập ngũ vừa là đảng viên, vừa là công chức, vừa đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học.
Từ thực tế tuyển quân, ông thấy chúng ta đang gặp khó khăn gì trong việc tuyển cán bộ, công – viên chức?
Khó khăn trước hết là đầu ra cho công, viên chức, kể cả các thanh niên đã tốt nghiệp đại học đang làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước hay cổ phần… khi trở về họ thường gặp khó khăn trong công việc do trong quá trình họ nhập ngũ, cơ quan đó thiếu người làm việc nên đã tìm người khác lấp đầy chỗ trống.
Tôi nghĩ trong các văn bản, quy định phải nêu rõ nếu sau thời gian phục vụ trong quân đội trở về thì cơ quan cũ phải tiếp nhận, tạo điều kiện làm việc.
Ngoài ra, có một khó khăn nữa, không phải ai cũng muốn nhập ngũ bởi không muốn rời vị trí đang công tác.
Gia đình tiễn thanh niên Thủ đô lên đường nhập ngũ
Bình luận về chuyện này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng cần cân nhắc kỹ “cái lợi” của việc công chức vào quân đội đóng góp được nhiều hay làm công chức nhà nước đóng góp được nhiều hơn. Còn ông, ông nghĩ sao?
Trước hết phải nói rằng tham gia nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ, trách nhiệm, nhiệm vụ thiêng liêng của mọi công dân. Ở nhiều nước trên thế giới, thanh niên ở độ tuổi nhất định bắt buộc phải nhập ngũ trước khi muốn làm bất cứ công việc nào khác. Thậm chí, một số doanh nghiệp nhà nước, tư nhân ở các quốc gia đó chỉ nhận người đã từng phục vụ trong quân đội. Ngoài ra, họ còn có những quy định hết sức ngặt nghèo.
Còn tại Việt Nam, với 18 tháng phục vụ trong quân đội như hiện nay tôi nghĩ, chuyên môn của mỗi người sẽ không mai một nhiều, thậm chí họ còn được trang bị thêm nhiều kiến thức, kĩ năng mới.
Vậy có nên học hỏi nước ngoài trong việc để các thanh niên đủ điều kiện vừa tốt nghiệp trung học phổ thông nhập ngũ trước khi họ học đại học, cao đẳng?
Việc đó còn tùy đặc tính, đặc thù của từng quốc gia chứ không thể bắt chước nhau được. Tại Việt Nam, các nam thanh niên ở độ tuổi nhập ngũ, đủ điều kiện tham gia vào quân đội rất lớn nên không thể áp dụng quy định trên như họ.
Trước đây thời gian phục vụ trong quân đội của chúng ta là 3 năm, sau đó giảm dần xuống giờ còn 18 tháng và thậm chí người ta đang nghiên cứu giảm xuống 1 năm để nhiều người được tham gia. Tóm lại, căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam thì ta không thể bắt chước như thế được.
Vậy theo ông sinh viên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành gì thì phù hợp nhập ngũ nhất?
Các ngành như công nghệ thông tin, kĩ thuật mật mã, y dược… thường sẽ phát huy tốt nếu người ta được gia nhập quân đội.
Nếu luật bổ sung thêm quy định cán bộ, công – viên chức cũng tham gia quân đội, theo ông, cần những điều kiện gì và cần bao nhiêu thời gian để luật đi vào cuộc sống?
Đã là văn bản pháp luật thì mọi người phải chấp hành. Tuy nhiên, muốn quy định này sớm đi vào cuộc sống, khâu tuyên truyền, giáo dục, phổ biến luật rất quan trọng. Ngoài ra, phải có cơ chế để họ yên tâm sau khi nhập ngũ trở về không bị thất nghiệp.
Tôi đề xuất muốn họ phục vụ tốt trong quân đội ngoài các biện pháp hiện có cần quan tâm hơn tới hậu phương của họ. Giả sử họ đã có gia đình riêng, phải quan tâm, giúp đỡ gia đình họ. Cơ quan nơi họ đang công tác cũng phải nhận lại khi họ trở về. Có như vậy họ mới yên tâm công tác được.
Xin cảm ơn ông!