Công an TP.HCM giải thích lý do chưa công nhận các nhóm “hiệp sĩ đường phố”
Lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết đã nghiên cứu mô hình phòng chống tội phạm của tỉnh Bình Dương nhưng chưa thể áp dụng.
Clip Công an TP.HCM thông tin chính thức về vụ án.
Vừa qua, vụ việc 5 “hiệp sĩ đường phố” quận Tân Bình bị đâm thương vong khi theo dõi, vây bắt một nhóm đối tượng trộm xe máy trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM) đã gây xôn xao dư luận. Trong đó, có 2 “hiệp sĩ” đã thiệt mạng ngay tại hiện trường và 3 “hiệp sĩ” bị trọng thương đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Được biết, hoạt động của nhóm “hiệp sĩ” nói trên là tự phát theo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các thành viên trong nhóm thuộc nhiều ngành nghề, có điều kiện kinh tế và cuộc sống khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu là bắt những tên trộm cắp.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp quản lý các nhóm “hiệp sĩ đường phố” trên địa bàn TP.HCM hiện nay, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho hay, mô “hình hiệp sĩ đường phố” hay “câu lạc bộ phòng chống tội phạm” đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trên cơ sở pháp luật thì Công an TP.HCM chưa có căn cứ để công nhận hay quản lý các nhóm này.
“Tôi cũng biết mô hình phòng chống tội phạm ở tỉnh Bình Dương. Nhưng mà coi lại hết toàn bộ các quyết định hiện nay về công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thì chúng ta chưa có quy định gì về mô hình này. Nói về pháp lý thì Công an TP.HCM không tìm thấy căn cứ để công nhận, quản lý. Do đó, 2 năm nay, Công an TP.HCM đang day dứt nghiên cứu, kiến nghị có quy định, quy chuẩn cho đầy đủ”, thiếu tướng Phan Anh Minh nói.
“Mô hình này là đi làm việc nghĩa nhưng có thể xảy ra mất mát, hi sinh. Do đó cần được quản lý, cần được công nhận, cần được bồi dưỡng, hỗ trợ về kỹ năng, kiến thức pháp luật, những gì được làm, những gì không được làm, xác định rõ cái giới hạn. Bởi vì ngay cả với công an, không phải tất cả các tội phạm đều được bắt giữ và bắt giữ được ngay”, tướng Minh giải thích.
“Hiệp sĩ đường phố” TP.HCM đang bắt cướp.
Nhắc cụ thể tới nhóm “hiệp sĩ đường phố” quận Tân Bình như vụ việc vừa qua, thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, lãnh đạo Công an TP.HCM cũng day dứt khi thấy rằng họ chưa chuẩn hóa. Do đó, nhóm “hiệp sĩ” quận Tân Bình đã không lường trước được tính chất nguy hiểm của các đối tượng khi bắt giữ, dẫn tới xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu có nên tổ chức đào tào kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các “hiệp sĩ”, ông Minh cho rằng: “Hoạt động của họ chưa được công nhận, chưa có quy chuẩn. Chúng ta cần có quy chế thì chúng ta mới giải quyết việc đó được. Không phải mọi người muốn trở thành hiệp sĩ đều có tư cách trở thành hiệp sĩ. Ít ra về mặt sức khỏe, đạo đức, tư chất, chúng ta phải xây dựng các quy chuẩn rõ ràng nhưng hiện giờ chúng ta chưa có gì cả”.
“Đây là bài học cho chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh, có quy chế và khắc phục. Tất nhiên trong các cuộc đấu tranh với tội phạm thì không thể loại trừ hết được nhưng phải hạn chế tối đa các mất mát”, lãnh đạo Công an TP.HCM nhấn mạnh.
Công an khám nghiệm hiện trường nhóm trộm đâm chết 2 “hiệp sĩ”
Theo Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tội phạm cướp giật trên địa bàn TP.HCM có lúc tăng, có lúc giảm, nhưng xu hướng chung trên tổng thể là đang giảm dần mà việc giảm rất khó khăn. Tuy nhiên, đó chỉ là giảm về số, còn về tính chất thì vẫn còn rất nhiều cướp giật và cướp giật rất nguy hiểm.
Về vấn đề khen thưởng những “hiệp sĩ” đã nằm xuống sau vụ án kinh hoàng đêm 13/5, Công an TP.HCM đang tập hợp hồ sơ từ khi hình thành nhóm “hiệp sĩ đường phố” này cho tới nay và thành tích họ đã bắt giữ được bao nhiêu người, bao nhiêu vụ. Công an TP.HCM cũng đang xem xét những vụ án điều tra mở rộng mà xuất phát từ thông tin do nhóm hiệp sĩ cung cấp.
Hai ngày qua, thiếu tướng Minh nhận được nhiều tin phê phán công an phường thờ ơ trước tin báo “hiệp sĩ“ bị tấn công.