Vì sao có tục “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”?
Các sách xưa chỉ ghi: “Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”, chứ không có đoạn “mùng hai Tết mẹ”…
Với người Việt, Tết luôn là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây sẽ là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa, tống cựu nghênh tân. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp mọi người thăm hỏi những người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.
Chính vì thế, lâu nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Câu nói ấy đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về.
Chúc Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô là phong tục tốt đẹp của người Việt Nam vào ngày Tết. Ảnh minh họa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) cho rằng, câu tục ngữ ấy gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc ta.
Ông Vĩ cắt nghĩa câu tục ngữ này. Theo đó, sáng mùng 1 Tết, các gia đình thường làm lễ cúng gia tiên. Nghi lễ này thường làm ở gia đình con trai, nếu gia đình nhiều con trai thì làm ở nhà người anh cả. Anh em ra ở riêng sẽ tựu về để làm lễ, ăn cơm và chúc tụng ông bà, bố mẹ, anh chị em ngày Tết. Đó là ý nghĩa của tục mùng 1 Tết cha.
Sang đến mùng 2 Tết, mọi người đến bên nhà ngoại (mẹ, vợ). Thông thường, mọi người sẽ đến nhà cậu trưởng (người thờ cúng) để làm lễ cúng gia tiên và ăn uống, chúc tụng nhau giống như bên nhà nội.
Mùng 3 Tết thì mọi người sẽ đi chúc Tết các thầy giáo, người đã có công dạy dỗ mình. Thầy ở đây mở rộng ra có thể là thầy giáo, thầy nghề…
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn). Ảnh: Gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông Nguyễn Hùng Vĩ, ca dao, tục ngữ ngày xưa thường có rất nhiều dị bản. Câu tục ngữ: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” cũng không phải ngoại lệ. Các sách xưa chỉ ghi: “Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”, chứ không có vế “mùng hai Tết mẹ”. Câu như bây giờ chỉ xuất hiện từ khoảng năm 1990.
Ông cho biết thêm, ngày xưa, người dân hay dùng câu: “Mùng một chơi nhà, mùng hai chơi ngõ, mùng ba chơi đình”, hay “Mùng một Tết nhà, mùng ba Tết chuồng, mùng bốn ra vườn Tết cây”…
Chính vì lẽ đó, ông cho rằng, vế “mùng 2 Tết mẹ” là dân gian mới, được nảy sinh do cách cấu tạo tục ngữ theo kiểu nói kéo theo, dài ra cho có vần vè. Kiểu này rất phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ.
Tuy nhiên, cách sắp xếp này hữu lý, phù hợp với xã hội hiện nay. Từ đó, người ta nói theo, làm theo và thành một tập quán mới.
“Tục lệ thì không phải là pháp luật, vì vậy, mỗi nơi, mỗi thời sẽ có cách ứng xử khác. “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” để nhắc nhở người ta nhớ đến nội, đến ngoại, nhớ đến công lao dạy dỗ của thầy cô. Ý nghĩa của câu nói ấy luôn luôn bền vững, hành động cụ thể thì tùy cơ ứng biến”, ông Vĩ nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Thay vì tiền lẻ, người ta mừng tuổi cho trẻ bằng những đồng polime, thậm chí là đô la có mệnh giá lớn.