Vì sao chưa thể dự báo được chính xác điểm sạt lở?

Sự kiện: Thời sự

Dù hệ thống quan trắc tự động với hơn 2.000 trạm tự động gần như thời gian thực (đo đạc 10 phút một lần) vẫn chưa thể dự báo chính xác thời gian cụ thể ở một địa điểm cụ thể có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Vì sao Hà Giang là điểm nóng về sạt lở?

Áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp song hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông nam tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ, đồng thời mưa lớn mở rộng ra các tỉnh ven biển và đồng bằng Bắc Bộ, tập trung nhiều tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình.

Dự báo từ nay đến chiều 17/7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Ngoài ra, từ chiều tối và đêm 17/7, khu vực Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Từ 18/7 mưa lớn giảm dần ở khu vực này. Do mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở nơi trũng thấp.

Cứu nạn trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Hà Giang.

Cứu nạn trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Hà Giang.

Đáng lưu ý, từ 18-20/7, sau khi mưa giảm ở đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có khả năng đón mưa lớn cục bộ trở lại, nhất là Hà Giang - tâm điểm mưa lớn và sạt lở đất thời gian qua. 

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 5-6, khu vực vùng núi Bắc Bộ chịu hội tụ của hình thái gió đông nam từ khối không khí biển lấn vào và gió tây nam khu vực Thượng Lào di chuyển sang. Vì vậy, các đợt mưa lớn liên tục xuất hiện tại khu vực này, trọng tâm là Hà Giang với lượng mưa vượt trung bình nhiều năm, có thời điểm trong 12 tiếng đồng hồ, mưa tới nửa mét đã xuất hiện ở Tân Lập, Hà Giang.

Lý giải về "điểm nóng" về mưa lớn Hà Giang, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, tỉnh này có địa hình tương đối đặc biệt, là điểm hội tụ gió nên lượng mưa trung bình năm rất cao, là một trong 3 tâm mưa lớn nhất cả nước. Kết quả quan trắc nhiều năm qua cho thấy, lượng mưa trung bình năm ở Hà Giang từ 3.000-5.000mm, trong đó nơi mưa nhiều nhất là huyện Bắc Quang.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ sạt lở đất kinh hoàng là do mưa lớn kéo dài. Liên tục từ ngày 2/7 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Mê và nhiều nơi khác của tỉnh Hà Giang đã phải hứng chịu những trận mưa hàng trăm mm.

Theo số liệu tổng hợp từ hệ thống đo mưa chuyên dùng, lượng mưa từ đầu tháng đến nay ở Hà Giang phổ biến từ 300 - 600mm, một số nơi như Thông Nguyên - Hoàng Su Phì mưa đặc biệt lớn tới 832 mm, Thượng Sơn - Vị Xuyên 906 mm, vượt quá cả lượng mưa trung bình nhiều năm cả tháng 7.

Một yếu tố quan trọng khác là về địa chất, Hà Giang là tỉnh có địa hình phức tạp, các tuyến đường chạy quanh co trên các sườn núi cao, chia cắt mạnh, địa chất không đồng nhất, đất đá bị phong hóa mạnh có thành phần vật liệu hỗn độn giàu sét, sạn, tính chất cơ lý bở rời gắn kết yếu. Khi mưa lớn kéo dài, đất đá cơ lý yếu bị ngậm nước quá nhiều dẫn đến trương nở bão hòa nước làm tăng thể tích và trọng lượng, đồng thời giảm lực ma sát gây trượt lở mạnh.

Ông Hưởng cho biết, do mưa lớn kéo dài suốt từ tháng 6 đến nay và còn tiếp tục trong thời gian tới nên đất đá ở nhiều khu vực tại Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái đã đạt trạng thái bão hoà hoặc gần bão hoà, chỉ cần một kích hoạt nhỏ cũng có thể gây ra sạt lở đất nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương và người dân cần hết sức lưu ý và cảnh giác.

Chưa thể dự báo chính xác địa điểm xảy ra sạt lở

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực giám sát thiên tai, tăng thời hạn và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là lũ quét, sạt lở. 

Ngành Khí tượng Thủy văn tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, như việc chuyển đổi từ hệ thống quan trắc nặng tính thủ công sang các hệ thống quan trắc tự động với hơn 2.000 trạm tự động gần như thời gian thực (đo đạc 10 phút một lần). 

Hệ thống quan trắc radar thế hệ cũ được thay bằng radar thế hệ mới của Nhật Bản, Phần Lan. Các radar di động cũng được trang bị để phục vụ việc bổ khuyết các điểm thiếu hụt quan trắc và di chuyển đến các điểm có khả năng xảy ra thời tiết cực đoan như khu vực bão đổ bộ. Ngoài ra, các loại quan trắc thám sát mới đã được ứng dụng trong công tác cảnh báo thời tiết nguy hiểm tức thời, từ hệ thống định vị sét toàn cầu từ vệ tinh và hệ thống định vị dông sét mặt đất hiện đại của Phần Lan. Từ cuối năm 2018 đã nâng cấp tính toán với hệ thống siêu máy tính CrayXC40.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, việc dự báo một số loại hình thiên tai vẫn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, như dự báo mưa lớn cục bộ trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn. Ngoài ra, chưa thể dự báo chính xác thời gian cụ thể ở một địa điểm cụ thể có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét - hai loại hình thiên tai nguy hiểm nhất hiện nay do tính bất ngờ.

Hiện đã có bản đồ đánh giá tình trạng sạt lở đất với tỉ lệ nhỏ hơn, dễ quan sát hơn các khu vực có nứt gãy địa chất, cảnh báo sạt lở. Các chuyên gia, đang xúc tiến xây dựng một "Bản đồ sạt lở" cho 37 tỉnh trung du và miền núi, trong đó có Hà Giang, Kon Tum, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái... là những nơi có nhiều vị trí nằm trong vùng có rủi ro cao. Đây là những cơ sở rất quan trọng, khoa học để chính quyền quyết định tổ chức di dân, cũng như việc cấp phép cho các công trình xây dựng bảo đảm an toàn.

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất và mưa lớn, ông Khiêm cho biết, thời gian qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo mưa dông trực tuyến ở địa chỉ hymetnet.gov.vn và hệ thống cảnh báo trực tuyến lũ quét sạt lở đất ở địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Hai hệ thống này góp phần cung cấp thông tin về mưa lớn, dông sét, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực tại các địa phương trên cả nước. Đây là hai công cụ rất quan trọng để người dân có thể theo dõi, giám sát và phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão.

Sạt lở đất thường xảy ra ở khu vực vùng núi sau thời gian mưa lớn kéo dài. Đây là loại hình thiên tai nguy hiểm do tính bất ngờ, khó dự báo chính xác thời điểm xảy ra, chỉ có thể cảnh báo khu vực nguy cơ cao. Vì vậy, người điều khiển phương tiện phải nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Bên cạnh đó cũng cần phải thường xuyên nghe dự báo thời tiết để biết tuyến đường mình đi có thể gặp thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, trong vụ sạt lở ở Hà Giang, nếu xe đi vào ban ngày người dân có thể nhận biết và tránh được tai nạn do trước đó khu vực này đã xảy ra sạt lở. Do đó, sắp tới các đơn vị, địa phương có thể nghiên cứu cấm xe đi vào ban đêm trong vùng nguy cơ sạt lở cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hội ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN