Vì sao chiến đấu cơ Malaysia không chặn MH370?
Cả giới quân sự và dân sự Malaysia đều tưởng rằng MH370 đang trở về sân bay.
Ngày 11/4, hai quan chức chính phủ Malaysia cho biết nhà chức trách nước này đã bắt đầu điều tra Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia và quân đội để xác định tại sao họ lại bỏ lỡ cơ hội xác định và theo dõi chiếc máy bay MH370 trong những giờ khắc đầu tiên sau khi nó biến mất.
Những cuộc điều tra sơ bộ này được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng giữa cơ quan hàng không dân sự và giới chức quân sự đang ngày càng lên cao về trách nhiệm của các bên đối với những lúng túng và sai sót trong việc theo dõi MH370 dẫn đến chiến dịch tìm kiếm vô cùng tốn kém ở sai vùng biển.
Một quan chức cấp cao chính phủ Malaysia giấu tên tiết lộ với Reuters: “Những gì xảy ra vào thời điểm đó hiện đang được điều tra và tôi không thể nói gì thêm bởi nó liên quan tới cả quân đội và chính phủ.”
Điều gì xảy ra dưới mặt đất sau khi MH370 biến mất
Vị quan chức chính phủ trên cho biết mục đích của cuộc điều tra này là vẽ ra bức tranh chi tiết về những phản ứng đầu tiên của cơ quan hàng không dân sự và quân đội Malaysia sau khi MH370 biến mất.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi cuối tuần trước, Tổng Giám đốc Malaysia Airlines (MAS) Ahmad Jauhari Yahya đã nói rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, tuy nhiên ông này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong khi đó, liên minh đối lập ở Malaysia đã yêu cầu quốc hội nước này điều tra xem điều gì đã xảy ra với các cơ quan kiểm soát không lưu mặt đất và lực lượng phòng không trong vài giờ đầu tiên sau khi chiếc Boeing 777 chở theo 239 con người đột nhiên biến mất trên màn hình radar.
Các cuộc phỏng vấn với quan chức chính phủ trên cùng với 4 quan chức hàng không dân dụng và quân sự khác cho thấy cả các kiểm soát viên không lưu lẫn lực lượng phòng không Malaysia đều tưởng rằng chiếc máy bay đã quay trở về một sân bay ở Malaysia vì gặp trục trặc kỹ thuật sau khi nó biết mất trên màn hình radar lúc 1:21 sáng 8/3.
Họ vẫn đưa ra nhận định này mặc dù phi công trên chiếc máy bay không hề liên lạc hay phát đi tín hiệu cầu cứu nào, và đây có thể là manh mối cho thấy máy bay đã bị không tặc hoặc cố tình chuyển hướng.
Cả kiểm soát viên không lưu lẫn giới quân sự đều nghĩ rằng MH370 đang quay về sân bay
Năm nguồn tin giấu tên trên đã giúp Reuters phác thảo được những thông tin chi tiết nhất về những sự kiện xảy ra trên mặt đất sau khi chiếc máy bay biến mất.
Một quan chức quân đội Malaysia cho biết các kiểm soát viên không lưu đã thông báo cho giới quân sự về việc chiếc máy bay mất tích lúc 2 giờ sáng, gần 40 phút sau khi máy bay biến mất, trong khi theo quy trình tiêu chuẩn, lực lượng phòng không phải nhận được thông tin này trong vòng 15 phút.
Một nguồn tin quân sự khác cũng nói rằng thông tin do bên dân sự cung cấp rất chậm chạp, tuy nhiên ông này không nêu cụ thể thời gian tiếp nhận thông tin.
Trong khi đó, các quan chức hàng không dân sự lại cho rằng họ đã phản ứng đúng theo quy trình, tuy nhiên họ cũng không nêu được thời điểm chính xác họ thông báo việc máy bay mất tích cho giới quân sự.
Sau khi được bên hàng không dân sự cảnh báo, radar quân sự Malaysia mới phát hiện một máy bay lạ đang bay về phía tây ngang qua bán đảo Malaysia. Không quân nước này cho biết chiếc máy bay bị nghi là MH370 này đã biến mất trên màn hình radar quân sự lúc 2:15 trên vùng biển cách bang Penang khoảng 320 km.
Các quan chức quân sự cấp cao của Malaysia cũng đã công khai tuyên bố rằng các chiến đấu cơ trực chiến của họ tại sân bay Penang và bang Kuantan đã không cất cánh để ngăn chặn chiếc máy bay lạ trên vì nó không được coi là máy bay “thù địch”.
Chiến đấu cơ Malaysia đã không cất cánh để ngăn chặn máy bay lạ
Một sĩ quan cấp cao cho biết: “Khi nhận được báo động, chúng tôi đã cho binh sĩ kiểm tra radar quân sự. Chúng tôi nhận thấy có một máy bay lạ đang bay trở lại nhưng không thể nhận diện được nó.”
Ông này nói tiếp: “Dựa trên các thông tin do bên kiểm soát không lưu và Cục Hàng không Dân dụng cung cấp, chúng tôi đã không điều chiến đấu cơ lên ngăn chặn vì nghĩ rằng chiếc máy bay đó đang bị trục trặc kỹ thuật và cố tìm cách quay lại sân bay Penang.”
Theo các chuyên gia hàng không, mặc dù các chiến đấu cơ không đủ nhiên liệu để bám đuôi chiếc Boeing 777 trong thời gian dài giữa đêm tối, tuy nhiên nếu được điều lên để điều tra, họ có thể nhìn thấy MH370 lúc nó bay qua bán đảo Malaysia và xa hơn nữa.
Điều đó có thể giúp cho Malaysia biết được sớm hơn MH370 đã bay về hướng nào, qua đó loại trừ những chiến dịch tìm kiếm vô vọng trên Biển Đông và eo biển Malacca.
Các chuyên gia hàng không cho rằng phi công quân sự trực chiến có thể cất cánh chỉ trong vòng vài phút. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, các chuyên gia radar cho biết kiểm soát viên không lưu được huấn luyện cách phối hợp giữa radar dân sự với quân sự trong nước và cả với radar nước ngoài.
Họ cho rằng trong trường hợp phát hiện máy bay lạ, chiến đấu cơ quân sự phải cất cánh để tìm hiểu, giống như trong trường hợp chiến đấu cơ của Hy Lạp đã được điều lên để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra khiến một máy bay của hãng hàng không Helios Airways chở theo 121 người bị mất liên lạc khi đang bay qua Biển Aegean.
Chiến đấu cơ Hy Lạp điều tra chiếc máy bay của Helios Airways
Hai chiếc F-16 của không quân Hy Lạp có thể nhìn thấy rõ ràng rằng ghế của cơ trưởng hoàn toàn trống, trong khi cơ phó đang nằm gục xuống trên bảng điều khiển. Họ nhận định một sự cố giảm áp suất đã xảy ra trong máy bay khiến cả hai phi công đều bất tỉnh. Chiếc máy bay này sau đó đã bị rơi ở Hy Lạp sau khi hết nhiên liệu.
Cựu phi công Hugh Dibley thuộc Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh nhận định về phản ứng của phía Malaysia: “Điều này đặt ra vấn đề về khả năng hợp tác giữa giới quân sự với các kiểm soát viên dân sự.”
SỰ TRÌ TRỆ QUAN LIÊU
Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu quân đội Malaysia có quá chậm trễ trong việc tiết lộ các dữ liệu radar của mình cho thấy rằng chiếc máy bay lạ đã quay trở lại và bay qua bán đảo Malaysia hay không.
Hai quan chức hàng không dân sự cho rằng sự quan liêu của quân đội nước này đã trì hoãn việc chia sẻ thông tin quan trọng trên. Một người cho biết: “Quân đội đã biết từ rất sớm rằng chiếc máy bay đã quay lại. Đó là lý do tại sao khu vực tìm kiếm được mở rộng ra eo biển Malacca trong vòng một hoặc hai ngày sau đó.”
Quan chức này nói tiếp: “Tuy nhiên quân đội mãi sau này mới xác nhận thông tin đó vì vấp phải sự phản đối của các quan chức cấp cao, cho đến khi chính phủ phải can thiệp. Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian quý báu trên Biển Đông.”
Các quan chức chính phủ cho biết chính Thủ tướng Najib Razak đã phải gây sức ép buộc giới quân sự phải bàn giao các dữ liệu radar cho điều tra viên trong tuần đầu tiên sau khi máy bay mất tích.
Thủ tướng Najib Razak phải gây sức ép thì quân đội Malaysia mới công bố dữ liệu radar
Trong khi đó, các quan chức quân sự thì lại nói rằng họ không muốn gây ra tình trạng bối rối khi chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, và đó cũng là lý do mà Tư lệnh Không quân Rodzali Daud đã đích thân tới căn cứ không quân Penang hôm 9/3, nơi radar ghi lại được những dữ liệu cuối cùng về MH370.
Cũng trong ngày hôm đó, ông Rodzali tuyên bố khu vực tìm kiếm được mở rộng ra phía tây, mặc dù lúc đó thông tin về dữ liệu radar quân sự vẫn chưa được công bố, và không rõ các quan chức chính phủ đã biết đến thông tin này hay chưa.
Đến hôm 12/3, bốn ngày sau khi MH370 mất tích, ông Rodzali khẳng định với báo giới rằng họ vẫn chưa thể xác nhận được chiếc máy bay lạ mà radar quân sự dò được là MH370, tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng Malaysia đang chia sẻ dữ liệu radar với nhà chức trách dân sự và quân sự quốc tế, trong đó có Mỹ.
Đến ngày 15/3, Malaysia chấm dứt tìm kiếm MH370 trên Biển Đông sau khi Thủ tướng Najib tuyên bố dữ liệu vệ tinh cho thấy chiếc máy bay này hoặc đã bay lên phía bắc tới vùng Trung Á hoặc xuống phía nam tới Ấn Độ Dương.
NỖI LO SỢ MẤT VIỆC
Nguồn tin thứ sáu của Reuters là một quan chức hàng không dân dụng cấp cao cho biết việc MH370 mất tích đã phơi bày nhiều vấn đề quan liêu ở Malaysia, đất nước hiếm khi bị cộng đồng quốc tế đòi hỏi tính minh bạch cao đến như vậy.
Tư lệnh Không quân Malaysia Rodzali Daud
Quan chức này cho biết: “Trước đây, các cơ quan trong chính phủ không cần phải trao đổi với nhau. Đó không phải là do họ cố tình, mà hệ thống của họ được dựng lên như thế.”
Các chứng cứ mà Reuters thu thập được cho thấy sự căng thẳng giữa các quan chức hàng không dân sự, giới chức quân sự và Malaysia Airlines đang ngày càng tăng tên vì những bất đồng trong cách phản ứng sau khi máy bay mất tích.
Một nguồn tin cho biết các quan chức quân sự Malaysia đặc biệt lo ngại rằng họ có thể bị mất việc sau thảm kịch này. Căng thẳng cũng đã tăng lên giữa chính phủ với hàng hàng không quốc doanh Malaysia Airlines.
Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng Malaysia Airlines sẽ phải “trả lời” vì những sai lầm của mình trong cách đối xử với thân nhân 150 hành khách người Trung Quốc trên MH370.
Tuy nhiên, trả lời Reuters, ông Ahmad Jauhari phủ nhận sự căng thẳng giữa chính phủ với Malaysia Airlines mà cho rằng đây chỉ là “sự bất đồng nhỏ về chính kiến”.