Vì sao cây gỗ khủng gây thiệt hại kinh hoàng ở Sa Ná?
Trong đợt mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra, bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với nhiều người mất tích, nhà cửa bị phá hủy.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân Sa Ná xây dựng lại nhà sau lũ. Ảnh: Hoàng Lam
Kết quả điều tra của Tổng cục Khí tượng Thủy văn hé lộ bất ngờ, mưa lũ cùng những thân gỗ lớn từ biên giới Việt - Lào là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại.
Suối Son chảy qua bản Sa Ná là một nhánh của sông Luồng (một chi lưu của sông Mã), bắt nguồn từ Lào chảy vào Việt Nam trên địa phận xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2019, lượng mưa ở phần thượng lưu suối Son trên đất Lào rất lớn, khiến lưu lượng nước mạnh có thể mang được những cây gỗ có đường kính trên 1,5m, dài từ 15 đến 20m từ các cánh rừng của Lào về Việt Nam.
“Dòng nước lũ kèm cây cối bị dồn vào đoạn suối hẹp hơn so với trước đó nên gia tăng tốc độ và chuyển hướng, hướng thẳng vào các ngôi nhà ở bản Sa Ná chứ không chảy theo dòng suối uốn lượn bên cạnh bản như lũ nhỏ. Đây là nguyên nhân chính gây thiệt hại về người, tài sản của bản Sa Ná”, báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Trên địa bàn Sa Ná, nơi lũ quét qua còn rất nhiều cây gỗ Pơ Mu, Sa Mộc lớn mắc lại. Những cây này đã khô, theo điều tra loại gỗ lớn, đặc hữu thế này chỉ còn ở các cánh rừng thuộc đất Lào và biên giới Việt Lào.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến với địa phương sớm có biện pháp phá dỡ các khối đá khiến dòng chảy suối Son bị co hẹp tự nhiên; Không tái định cư cho người dân bản Sa Ná tại khu vực đã xảy ra lũ quét và trong các khu vực thường xuyên ngập nước, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét.
Gỗ trôi về Sa Ná được người dân ví như từ một cánh rừng vừa bị lâm tặc đốn hạ ngổn ngang.