Vì sao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra nhiều tai nạn?

Sự kiện: An toàn giao thông

Bộ GTVT cho biết, các nhà thầu vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Phan Thiết - Dầu Giây.

Thời gian vừa qua, trên tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Phan Thiết - Dầu Giây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương và tử vong. Đây là hai tuyến cao tốc thuộc dự án xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 mới được đưa vào sử dụng thời gian gần đây.

Chặn hết đường ngang, lối mở vào cao tốc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, cho biết công ty đang chuẩn bị mời cơ quan có thẩm quyền họp bàn về phương án đảm bảo an toàn trên cao tốc này.

Theo ông Huy, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đánh giá, thống nhất đủ điều kiện đã đưa vào khai thác tuyến chính từ ngày 19-5. “Cao tốc đưa vào khai thác thì chúng tôi chỉ có sửa chữa và đảm bảo đầy đủ biển báo, điều tiết giao thông tại những điểm sửa chữa. Riêng việc đảm bảo an toàn trên cao tốc thì do cơ quan có thẩm quyền” - ông Huy nói.

Các công nhân đang thi công trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm bên cạnh một làn xe vẫn lưu thông. (Ảnh chụp ngày 26-6) Ảnh: HUỲNH HẢI

Các công nhân đang thi công trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm bên cạnh một làn xe vẫn lưu thông. (Ảnh chụp ngày 26-6) Ảnh: HUỲNH HẢI

Ông Huy cũng cho biết hiện đơn vị chỉ còn thi công lắp đặt khe co giãn của một cây cầu trên cao tốc. Hạng mục này sẽ hoàn thành thi công trong khoảng bốn ngày tới. Đơn vị thi công cũng đã lắp đặt các biển báo, cử người điều tiết giao thông đảm bảo an toàn khi thi công. Khi hạng mục trên hoàn tất, tuyến chính của cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ không còn hạng mục thi công, đảm bảo thông thoáng cho các phương tiện lưu thông. Riêng các đường ngang, lối mở đã được chặn lại không cho các phương tiện tự ý vào cao tốc.

Vị giám đốc này cũng cho hay nhà đầu tư đang lắp đặt các camera giám sát phương tiện trên cao tốc. Tuy nhiên, những camera này không có chức năng để giám sát tốc độ để phạt nguội. “Hồ sơ thiết kế cao tốc không có hạng mục camera giám sát tốc độ của các phương tiện. Chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị có thẩm quyền lắp để giám sát tốc độ của các tài xế để đảm bảo an toàn” - ông Huy nói và cho biết thêm cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ được nghiệm thu hoàn tất toàn bộ hạng mục để đưa vào sử dụng trong tháng 9-2023.

Vụ tai nạn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ngày 3-7 khiến hai hành khách trên xe tử vong tại chỗ, sáu người khác bị thương. Ảnh: ĐT

Vụ tai nạn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ngày 3-7 khiến hai hành khách trên xe tử vong tại chỗ, sáu người khác bị thương. Ảnh: ĐT

Thi công phải đảm bảo an toàn giao thông

Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết sắp tới Sở GTVT sẽ có thông báo về kế hoạch triển khai đảm bảo an toàn giao thông trên hai đoạn cao tốc này.

“Trước mắt, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận sẽ yêu cầu các Ban quản lý dự án 7 và Thăng Long đẩy mạnh thi công nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông các hạng mục còn lại, đặc biệt là hai nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận” - ông Thanh cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, sở cũng sẽ yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục ngay các hầm chui, đường dẫn bị ngập nước… gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đối với tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào những ngày cuối tuần tại nút giao Ba Bàu (cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) từ hướng Phan Thiết đi TP.HCM nguyên nhân là do vị trí trạm thu phí đang xây dựng nền bê tông, làn đường bị thu hẹp. Do đó các xe rẽ ra Quốc lộ (QL) 1A khi đến trạm thu phí phải chạy sát lề, để tránh các hướng xe ngược lại nên bị sạt, lún, ùn tắc.

Sở GTVT đề nghị Ban quản lý dự án 7 chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án thi công phù hợp tại mặt bằng trạm thu phí của nút giao Ba Bàu, nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn, đặc biệt vào các ngày cuối tuần có lượng xe lưu thông rất đông qua vị trí đang thi công, tránh kẹt xe. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án để tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được khai thác đúng theo thiết kế phê duyệt.

Quá trình khai thác tạm, Bộ GTVT có những hướng dẫn và quy định rõ quy trình đảm bảo an toàn giao thông và tổ chức giao thông trên tuyến.

Yêu cầu hoàn thành các hạng mục còn lại trong tháng 7

Đại diện Bộ GTVT cho biết trước khi đưa tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác tạm, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã vào cho ý kiến. Trên cơ sở này, Bộ GTVT mới đưa vào tổ chức khai thác tạm toàn tuyến, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong mùa du lịch. Như vậy, quy trình, thủ tục khai thác tạm các dự án đều đúng trình tự, thủ tục và được các bên đồng thuận.

Quá trình khai thác tạm, Bộ GTVT có những hướng dẫn và quy định rõ quy trình đảm bảo an toàn giao thông và tổ chức giao thông trên tuyến. Chẳng hạn như khi thi công phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm…

Cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng thường xuyên kiểm tra hiện trường để đôn đốc chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại như nút giao, đường gom… nhằm sớm khai thác đồng bộ toàn dự án. Song song đó, bộ trưởng luôn nhấn mạnh đến công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vừa thi công vừa khai thác dự án.

Theo vị này, trước yêu cầu của bộ trưởng, các nhà thầu đã tập trung máy móc để thi công nhưng thời gian vừa qua mưa nhiều gây ngập, khó khăn cho công tác thi công. Hiện thời tiết đã thuận tiện hơn và tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tận dụng thời tiết tốt để hoàn thành các hạng mục còn lại trong tháng 7 này. “Hiện các nhà thầu cũng đang rất nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ” - đại diện Bộ GTVT cho hay.

Về các vụ TNGT gần đây, Bộ GTVT cho biết các nhà thầu vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân. Khi có kết luận của cơ quan điều tra mới biết được chính xác lý do xảy ra tai nạn. Khi đó, chủ thể nào là tác nhân thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng các vụ TNGT trên hai tuyến cao tốc vừa qua xảy ra tại những vị trí không “vướng bận đến quá trình tổ chức thi công”. Thậm chí có những vị trí đã hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông như biển báo, vạch sơn kẻ đường… Dù vậy, sau các vụ việc, Bộ GTVT cũng có văn bản nhắc nhở các nhà thầu về việc đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công.

Bộ GTVT cũng thừa nhận trong quá trình tổ chức thi công các hạng mục còn lại, không tránh khỏi việc điều chỉnh phương án tổ chức thi công ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân: “Vì vậy, Bộ GTVT mong người dân chia sẻ, thông cảm, vì việc đưa dự án vào khai thác như hiện nay cũng là vì mục đích tốt đẹp là tạo thuận tiện cho người dân di chuyển vào thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao…” - đại diện Bộ GTVT cho hay.

Hơn 2 tháng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Tối 10-5, một vụ va chạm đã xảy ra trên tuyến chính, đoạn giao nhau giữa hai dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thuộc tỉnh Bình Thuận. Vụ va chạm không gây thương vong về người nhưng khiến hai xe hư hỏng phần cabin.

Trưa 17-6, tại Km1717+570 trên QL1 là nút giao giữa đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với QL1 cũng đã xảy ra một vụ TNGT. Thời điểm trên, xe ben do tài xế Trần Minh Kỷ (ngụ Bình Thuận) điều khiển lưu thông trên QL1, đang chuyển hướng rẽ phải vào đường dẫn cao tốc thì xảy ra va chạm với xe máy do ông Lương Văn Bé (ngụ xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) cầm lái. Vụ tai nạn khiến ông Bé nguy kịch, được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.

Đến ngày 23-6, tại Km29+800 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, xe tải do anh Trần Ngọc Thảo (ngụ TP.HCM) điều khiển theo hướng Phan Thiết đi TP.HCM đã tông vào đuôi xe container chạy phía trước. Vụ va chạm khiến đầu xe tải bẹp dúm, tài xế mắc kẹt trong cabin được nhiều người đưa ra và chuyển cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện.

Tương tự, rạng sáng 24-6, xe container kéo theo rơmoóc do tài xế Nguyễn Văn Hạnh (ngụ Ninh Bình) điều khiển theo hướng Bắc - Nam trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đến đoạn thuộc xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh đã va chạm với ô tô do anh NTD (ngụ Quảng Ngãi) điều khiển. Cú va chạm mạnh khiến ô tô biến dạng nghiêm trọng. Riêng xe container tiếp tục lao vào lan can rồi lật nghiêng bên đường. Vụ tai nạn khiến anh D và anh NTT đi cùng xe tử vong tại chỗ. Ba người khác bị thương nặng.

Tiếp đó, khoảng 5 giờ ngày 3-7, xe khách do tài xế Nguyễn Hữu Dư (ngụ TP.HCM) chở theo đoàn từ thiện khoảng 40 người đang lưu thông trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm theo hướng Nam - Bắc. Khi đến đoạn thuộc xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, xe đã tông vào xe tải chạy cùng chiều phía trước. Cú tông làm phần đầu xe khách hư hỏng nặng. Hai hành khách trên xe tử vong tại chỗ, sáu người khác bị thương.

Nguồn: [Link nguồn]

Tai nạn ô tô khách với xe tải trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, 8 người thương vong

Xe khách tông vào đuôi xe tải chạy cùng chiều trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) làm hai người chết, sáu người bị thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH HẢI - PHƯƠNG NAM - VIẾT LONG ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN