Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ đều “ngán” TQ?

Vị tổng thống kế tiếp của Mỹ có thể sẽ phải "đau đầu" đối phó với đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khát máu, tham vọng hạt nhân của Iran, vấn đề Hy Lạp hay sự cứng rắn của Tổng thống Nga Putin... song thực tế, Trung Quốc mới là nỗi lo "mất ăn mất ngủ" của chính quyền mới.

Mối đe dọa lớn hơn

Theo CNN, "con rồng châu Á" Trung Quốc - cường quốc đang trỗi dậy không ngừng, ngày càng giàu có (về kinh tế) và mạnh mẽ (về quân sự) cộng thêm chủ nghĩa dân tộc cực đoan dẫn đến tư tưởng “nạn nhân hóa” được nuôi dưỡng và dâng cao trong xã hội - sẽ trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với bất cứ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ kế tiếp.

"Những thách thức lớn nhất không phải là IS, Iran hay Nga. Về lâu dài, Trung Quốc chính là mối đe dọa lớn hơn", ông Aaron Friedberg, một cựu trợ lý an ninh Nhà Trắng nhấn mạnh.

Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ đều “ngán” TQ? - 1
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của "con rồng châu Á" Trung Quốc sẽ là mối đe dọa về lâu dài đối với Mỹ
Ông Friedberg chỉ là một trong nhiều chuyên gia an ninh của Mỹ lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa nguy hiểm mang tên Trung Quốc.

"Trung Quốc là một cường quốc đang nổi lên, còn chúng ta vẫn đang giữ vị trí là cường quốc số 1. Nhưng họ (Trung Quốc) muốn nhiều quyền lực hơn nữa, muốn có nhiều ảnh hưởng hơn nữa", ông Michael Morell, cựu Giám đốc tạm quyền của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 5.

Trong khi đó, ông Douglas Paal từng là đại diện ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Đài Loan cảnh báo: "Công chúng đang quan tâm nhiều hơn đến IS và Nga trước khi họ để tâm tới Trung Quốc. Tuy nhiên, họ nên quan ngại về Trung Quốc hơn hai đối thủ kia".

Theo các chuyên gia phân tích, nỗ lực bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Đông Á trong những năm qua đang đe dọa chỗ đứng và quyền lực của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Obama đang chủ trương theo đuổi chính sách xoay trục về khu vực này.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông và ra sức xây dựng đảo nhân tạo phi pháp cũng như các công trình quân sự trái phép tại các đảo không người ở tại đây, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng lẫn dư luận quốc tế. Nhiều chuyên gia quan ngại, các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông có thể sẽ trở thành "tiền đồn" giúp nước này kiểm soát tuyến đường biển quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, hiện có nhiều báo cáo rằng, tần xuất những cuộc chạm trán giữa máy bay cũng như tàu quân sự của Mỹ và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chấp lãnh thổ với Tokyo, đồng minh ruột của Washington ở châu Á đang ngày càng gia tăng.

Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông bất chấp sự phản đối của Mỹ, Nhật và các quốc gia khác.

Chưa hết, chính phủ Trung Quốc còn bị nghi đứng sau một loạt các vụ tin tặc tấn công mạng, đánh cắp thông tin và dữ liệu mật của các doanh nghiệp cũng như quân đội và chính phủ Mỹ.

Ứng viên tổng thống Mỹ chĩa "mũi dùi" vào Trung Quốc

Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ đều “ngán” TQ? - 2
Các ứng viên tổng thống Mỹ từ bà Hillary Clinton, ông Jeb Bush,
ông Marco Rubio, bà Carly Fiorina (từ trái qua phải) đang bắt đầu công kích Trung Quốc
Các ứng viên tổng thống Mỹ cũng đã nhận thức được mối đe dọa đến từ Trung Quốc và đã đưa ra những tuyên bố "cứng rắn" đối với Bắc Kinh.

Tỷ phú bất động sản Donald Trump ngay khi vừa công khai ra tranh cử chức tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016 đã "chọc giận" Bắc Kinh bằng lời tuyên bố hùng hồn, nước Mỹ cần ông để đánh bại đối thủ địa chính trị Trung Quốc.

Trong bài diễn văn tranh cử của mình, vị tỷ phú buộc tội Trung Quốc thao túng tiền tệ, ăn cắp công ăn việc làm của Mỹ thông qua các hoạt động kinh doanh gian lận...

"Chúng ta đã thường chiến thắng (trong quá khứ), nhưng nay đã không còn. Lần cuối cùng chúng ta đánh bại một đối thủ như Trung Quốc trong một thỏa thuận thương mại là khi nào? Họ đang đánh bại chúng ta. Trong khi đó, tôi có thể đánh bại Trung Quốc bất cứ khi nào”, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố.
Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ đều “ngán” TQ? - 3
Tỷ phú bất động sản Donald Trump tuyên bố, nước Mỹ cần ông để đánh bại đối thủ địa chính trị Trung Quốc
Trong khi đó, nữ ứng viên tổng thống Mỹ được xem là sáng giá nhất hiện nay, cựu Ngoại trưởng trong chính quyền Obama Hillary Clinton cũng nhiều lần không kiêng nể, "chĩa mũi dùi" vào Trung Quốc. Bà cáo buộc tin tặc Trung Quốc đang giúp Bắc Kinh ăn cắp các bí mật thương mại và thông tin quan trọng, nhạy cảm của chính phủ Mỹ.

"Họ đánh cắp các bí mật từ nhà thầu quân sự, và chiếm lấy “khối lượng khổng lồ các thông tin chính phủ, tất cả đều nhằm giành lợi thế trước chúng ta”, bà Hillary nhấn mạnh.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo: "Quân đội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Họ đang xây dựng những căn cứ quân sự đe dọa tới các quốc gia mà chúng ta có quan hệ hợp tác, ví dụ như Philippines. Chúng ta phải cảnh giác tối đa đối với họ".
 
Trước đó, trong cuốn hồi ký mới xuất bản năm 2014 có tựa đề “Lựa chọn khó khăn”, (Hard Choices), cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định Trung Quốc đã "đi quá đà" ở châu Á.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Jeb Bush cũng từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các bất đồng Trung - Mỹ vượt tầm kiểm soát.

"Những hiểu lầm và căng thẳng rất dễ nảy sinh. Chúng ta (nước Mỹ) rất dễ bị đẩy tới tình huống từ đối thủ cạnh tranh trở thành đất nước bị thách thức, đe dọa về mặt an ninh...", em trai cựu Tổng thống Mỹ George W Bush nhấn mạnh.

Đối thủ của ông Bush trong cuộc cạnh tranh để giành tấm vé đề cử ra tranh cử tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng "cứng giọng" với Trung Quốc.

Trong một bức thư gửi cho Tổng thống Obama vào tháng trước, ông Rubio đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc về các hành vi gây hấn, hung hăng đối đầu với Mỹ" gần đây của chính phủ Trung Quốc

Một ứng cử viên tổng thống khác của đảng Cộng hòa, bà Carly Fiorina cũng bày tỏ quan ngại về "con rồng châu Á": "Tôi đã làm ăn ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Họ ít có tư duy sáng tạo, đổi mới... Đó là lý do vì sao họ phải đánh cắp các tài sản trí tuệ của chúng tôi".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN