Vì sao bệnh nhân vượt tuyến không được bảo hiểm chi trả?
“Bệnh nhân bị bệnh nhẹ vượt tuyến lên trung ương phổ biến, tạo áp lực, quá tải cho các bệnh viện tuyến trên”, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế chia sẻ.
Sau gần 2 tuần Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung) đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định được nêu ra trong Luật vẫn chưa hợp lý.
Xung quanh vấn đề này phóng viên có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế.
Thưa bà, hiện nay có ý kiến cho rằng, bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến không được thanh toán BHYT là một điều phù hợp. Vậy, bà có ý kiến gì về điều này?
Điểm mới quan trọng của Luật này là quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT đồng thời cũng có quy định để gắn trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của người tham gia BHYT.
Quyền lợi của người bệnh được tăng lên rất nhiều, cụ thể với đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số… sẽ không phải đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh, giảm điều chỉnh mức chi trả đó từ 20% xuống còn 5% đối với một số nhóm thân nhân người có công và đối tượng người cận nghèo.
Hiện nay, tình trạng bệnh nhân bị bệnh nhẹ vượt tuyến lên trung ương rất phổ biến. Điều này, vô hình trung tạo áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến trên.
Chính vì vậy, việc quy định thanh toán BHYT đối với trường hợp vượt tuyến đã được cân nhắc rất kỹ. Các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh đúng tuyến đều được thanh toán đúng quy định.
Quy định không thanh toán BHYT đối với bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến chỉ áp dụng với tuyến tỉnh, tuyến trung ương, nên mục đích của quy định này là để người dân tuân thủ các quy định của Luật, góp phần giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên, giúp người bệnh nhận ra giá trị của y tế tuyến dưới, tin tưởng và đội ngũ y, bác sỹ tuyến dưới.
Bệnh nhân bị bệnh nhẹ vượt tuyến lên trung ương phổ biến, tạo áp lực, quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ảnh minh họa
Trong điểm mới của Luật BHYT lần này, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT được coi là bước đột phá. Nếu mở thông tuyến khám chữa bệnh, người tham gia BHYT được lợi ra sao, thưa bà?
Theo quy định của Luật, từ ngày 1.1.2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh.
Người tham gia BHYT có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì được quyền đi khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
Theo tôi, khám chữa bệnh BHYT người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định.
Thưa bà, sau 10 ngày Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực, Bộ Y tế đã nhận được phản hồi như thế nào từ các đơn vị?
Ngay khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được thông qua, Bộ Y tế đã kịp thời trình và ban hành các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư để hướng dẫn các cơ sở tổ chức thực hiện.
Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền những điểm mới của Luật, Bộ Y tế đã tổ chức phổ biến và tuyên truyền cho các đối tượng như các cấp ủy, lãnh đạo ở các địa phương; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các bệnh viện về những điểm mới cần quan tâm trong thực hiện Luật.
Những vướng mắc ban đầu trong thực hiện Luật đã được Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời tháo gỡ. Theo ghi nhận của chúng tôi đến thời điểm hiện tại việc thực hiện các quy định của Luật vẫn đang được thực hiện, các cơ sở y tế và người bệnh khá đồng thuận với những điều đã được quy định trong Luật.
Cũng có ý kiến cho rằng, quỹ BHYT cắt giảm một số loại thuốc đắt tiền cho bệnh nhân ung bướu sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Vậy, Bộ Y tế sẽ có biện pháp gì để hỗ trợ những bệnh nhân này, thưa bà?
Theo ý kiến của hội đồng các chuyên gia đầu ngành, danh mục thuốc được ban hành đã bảo đảm đáp ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị theo các chuyên ngành. Nếu chỉ tính riêng thuốc ung thư đã có 59 loại thuốc được quỹ BHYT thanh toán 100%. Trong số 9 loại thuốc cắt giảm tỷ lệ thanh toán trong BHYT có 4 thuốc điều trị ung thư và 5 thuốc điều trị các bệnh khớp, giải độc…
Đối với trường hợp người bệnh có thẻ BHYT vào viện trước ngày 1.1.2015 nhưng đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ áp dụng mức thanh toán hiện hành từ Quỹ BHYT đến khi người bệnh ra viện.
Riêng đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 loại thuốc này tại các cơ sở khám chữa bệnh trước ngày 1.1.2015 sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định cho đến hết liệu trình điều trị.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho những bệnh nhân ung thư từ Quỹ hộ trợ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ vì ngày mai tươi sáng và thông qua các Chương trình viện trợ thuốc hoặc hỗ trợ một phần chi phí thuốc BHYT.
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])