Vì sao An Giang không hỗ trợ cát cho TP.HCM làm đường Vành đai 3?
Ngày 6/12, thông tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy vừa ký công văn gửi UBND TPHCM và Bộ TN&MT, cho biết, việc hỗ trợ nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3 của TPHCM "là rất khó khăn và tỉnh không còn khả năng hỗ trợ".
Trước đó, UBND tỉnh An Giang nhận được văn bản số 9582/BTNMT-KSVN ngày 10/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc cung ứng cát san lấp dự án đường Vành đai 3, TPHCM.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy vừa ký công văn gửi UBND TPHCM và Bộ TN&MT khẳng định, UBND tỉnh An Giang rất chia sẻ với khó khăn về nguồn cát phục vụ dự án đường Vành đai 3, TPHCM.
Khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang: Ảnh: Hòa Hội
Tuy nhiên, theo bà Thuý, dự án đường Vành đai 3, TPHCM không nằm trong danh mục các công trình được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh An Giang theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.
UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, nguồn cát trên địa bàn tỉnh An Giang đều đã huy động phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang (9,321 triệu m3), qua địa bàn Hậu Giang và Cần Thơ (7,5 triệu m3); cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (7 triệu m3) và các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
“Do vậy, việc hỗ trợ nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3, TPHCM là rất khó khăn và tỉnh An Giang không còn khả năng hỗ trợ”, văn bản nêu.
Nguồn: [Link nguồn]
Đối với công trình trọng điểm đường Vành đai 3 TP.HCM, UBND huyện Bến Lức (Long An) đã chi trả cho 389/398 hộ, đạt 97,7%. Tổng số tiền bồi thường đạt 837,6/857,226 tỷ đồng...