Vi phạm nồng độ cồn, bỏ xe, không ký biên bản có bị phạt không?
Việc bỏ xe, không ký vào biên bản xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn có thể sẽ bị xử phạt nặng hơn.
Anh tôi bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, kết quả anh tôi vi phạm mức cao nhất và bị xử phạt 8 triệu đồng. Tuy nhiên, do không có tiền, chiếc xe đang sử dụng giá trị cũng không cao nên anh tôi bỏ xe và không ký vào biên bản.
Xin hỏi anh tôi không ký vào biên bản thì có bị xử phạt gì không?
Bạn đọc Thu Ngân (TP.HCM)
Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ Nghị định 100/2019 (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021), người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 2-8 triệu đồng (đối với xe máy) và 6-40 triệu đồng (đối với ô tô).
Nếu người vi phạm cố tình không ký vào biên bản, lực lượng chức năng hoàn toàn có quyền lập hồ sơ, biên bản xử lý nếu chứng minh tài xế không hợp tác. Việc chứng minh thông qua hình ảnh, video, mời người làm chứng (đại diện chính quyền địa phương, nhân chứng tại thời điểm đó)…
Đồng thời, khi tài xế vi phạm nồng độ cồn mà bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ (theo khoản 9 Điều 11 Nghị định 100/2019, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021).
CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh: THẢO HIỀN
Như vậy, khi vi phạm nồng độ cồn mà bỏ xe, không ký vào biên bản thì người vi phạm vẫn sẽ bị xử phạt, thậm chí còn bị xử phạt thêm lỗi khác như đã nêu trên.
Bên cạnh đó, người vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó (Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Nếu người vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Biện pháp cưỡng chế như khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá…
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị thu tiền chậm nộp phạt nếu không chấp hành nghĩa vụ nộp phạt theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Mỗi ngày chậm nộp phạt, người vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Đại diện Công an TPHCM cho rằng khi người dân phát hiện CSGT dùng chung ống thổi để kiểm tra nồng độ cồn có thể yêu cầu thay ống khác. Nếu phát hiện đơn vị, cá nhân nào...
Nguồn: [Link nguồn]