Vi phạm giao thông phạt đến 75 triệu có khả thi?
Việc tăng mức xử phạt tối đa vi phạm giao thông nhằm đảm bảo nguyên tắc kịp thời, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Việc tăng tối đa mức phạt từ 40 lên 75 triệu đồng là cơ sở để điều chỉnh tăng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông (Trong ảnh: CSGT Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn lái xe ô tô). Ảnh: Đức Tâm
Tuần qua, Chính phủ vừa trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó tăng mức phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính về giao thông lên đến 75 triệu đồng (thay vì 40 triệu đồng hiện nay). Nếu được thông qua, đây sẽ là căn cứ để Chính phủ có thể tăng mức phạt vi phạm giao thông...
Vi phạm nào sẽ vào “tầm ngắm”?
Cuối tuần qua, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa lên mức 75 triệu đồng (hiện là 40 triệu đồng). Lý giải về đề xuất trên, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước hiện quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội, vì thời điểm ban hành Luật là tháng 6/2012.
“Đặc biệt, sau gần 8 năm, từ thời điểm ban hành Luật, một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới”, Bộ trưởng Lê Thành Long phân tích.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, đồng thời đề nghị rà soát để tránh chồng chéo về phạm vi của các lĩnh vực.
Ủng hộ việc cần phải nâng mức xử phạt hành chính ở một số lĩnh vực, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần chỉ rõ lĩnh vực nào, hành vi nào mới áp dụng mức phạt trung bình, tối thiểu hay tối đa được Luật hiện hành quy định.
“Vừa rồi, chúng ta đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức xử phạt cao nhất là 40 triệu đồng, bây giờ nếu tăng lên mức cao nhất là 75 triệu đồng thì phải hết sức cân nhắc. Việc tăng mức xử phạt nhằm kéo giảm vi phạm, từ đó kéo giảm TNGT, do đó cần phải cân nhắc kỹ để khi áp dụng, phải tập trung vào các nhóm hành vi nguy hiểm, cố tình, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT”, ông Hòa nói.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) cũng cho rằng, nếu áp dụng mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng thì nên áp dụng ở một số trường hợp như sử dụng rượu, bia khi lái xe và điều khiển phương tiện không đúng quy chuẩn kỹ thuật. “Hiện nay rất nhiều vụ tai nạn xảy ra nguyên nhân là do sử dụng rượu, bia và phương tiện không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật như quá trọng tải, cơi nới thành thùng… Vì vậy nếu tăng mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng thì nên áp dụng vào các lỗi này. Để từ đó phần nào đánh vào ý thức của người tham gia giao thông”, ông Tuấn nói.
Phải tạo được sự răn đe
Người vi phạm giao thông đến Đội CSGT số 6, Hà Nội giải quyết nộp phạt
Trong văn bản trả lời Bộ Tư pháp về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trước đó, Bộ GTVT cho biết, việc tăng mức xử phạt tối đa vi phạm giao thông nhằm đảm bảo nguyên tắc kịp thời, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
“Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực đường bộ là 40 triệu đồng. Do đó, để đảm bảo tính răn đe và tính chất mức độ của hành vi vi phạm, việc tăng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực đường bộ là rất cần thiết”, Bộ GTVT nêu và nhấn mạnh một số nhóm hành vi vi phạm trong Nghị định 100 đã được nâng mức xử phạt tiền lên mức tối đa là 40 triệu đồng như nồng độ cồn, ma tuý. Nhưng thực tế vẫn có thể phát sinh những hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy điều khiển phương tiện phức tạp, nguy hiểm, có nguy cơ cao gây mất ATGT và đặt ra vấn đề tiếp tục phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, ở các nước Á Đông như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc là những quốc gia có ảnh hưởng của Khổng giáo, xã hội thường chấp nhận và cho rằng hình phạt nặng sẽ tạo được sự răn đe, làm cho người ta nghe đến chế tài đã thấy sợ không dám vi phạm. Vì vậy, việc nâng mức xử phạt là phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Hùng khi tăng mức xử phạt tối đa sẽ phải đánh giá trong lĩnh vực đường bộ, thiệt hại do những hành vi gây ra tối đa là bao nhiêu tiền, cộng với cân nhắc về sự chấp nhận của xã hội để đề xuất mức xử phạt.
“Chúng ta cần thấy rằng, quan trọng nhất của chế tài không phải để phạt mà là để tạo được sự răn đe. Vì vậy, việc nâng mức xử phạt cũng là để phục vụ mục đích này. Phạt tiền nên hướng đến những hành vi gây thiệt hại về kinh tế. Còn mức phạt ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân như tước GPLX thì tập trung vào những hành vi uy hiếp đến ATGT. Lấy ví dụ như hành vi chở quá tải, một chiếc xe quá tải hôm nay có thể chỉ tạo ra 1 vết nứt, thì mai 1 xe quá tải khác đi qua làm vết nứt to hơn, tạo hư hỏng. Vì vậy, hình phạt tiền phải tăng lên, tương xứng với thiệt hại mà hành vi đó gây ra”, ông Hùng nói.
Cần thêm những chế tài phạt bổ sung
Theo ông Khuất Việt Hùng, trên cơ sở mức phạt tối đa được quy định trong Luật, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định xử phạt với mức cụ thể nằm trong khung quy định tại Luật. Tuy nhiên, vừa qua Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã nâng mức xử phạt vi phạm hành chính rất nhiều hành vi vi phạm giao thông. Do đó, hiện nay cần thiết hơn việc tăng mức phạt tiền là phải tăng, là phải xử lý hình sự, phạt tù mới đủ sức răn đe.
Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn đề nghị cần phải có thêm những chế tài, hình phạt bổ sung ngoài phạt tiền đối với các vi phạm giao thông. “Ví dụ như tịch thu phương tiện, hay tước vĩnh viễn giấy phép lái xe. Chỉ có những giải pháp đồng bộ như thế mới đem lại hiệu quả trong việc giảm thiểu TNGT”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng nêu thực trạng, việc nâng mức phạt lên đến 75 triệu đồng thì có thể còn cao hơn giá trị phương tiện và chủ phương tiện rất có thể sẽ không nộp phạt mà bỏ phương tiện lại. Điều này sẽ khó khăn trong khâu giải quyết sau này, việc quản lý chiếc xe đó sẽ thế nào là vấn đề cần được tính toán.
Về ý kiến này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, cần phải có sự quyết liệt, đồng bộ trong các giải pháp xử lý vi phạm giao thông. Nếu tăng phạt tiền mà không có siết chặt, đồng bộ trong quy trình xử lý vi phạm, thì dễ dẫn đến tình trạng bỏ xe thay vì nộp phạt. Tuy nhiên, nếu CSGT làm nghiêm công tác sang tên, đổi chủ xe, khi có chính xác tên, địa chỉ người vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy báo xử lý vi phạm về tận xã, phường và công an phường, xã có trách nhiệm làm rõ, yêu cầu người vi phạm thực hiện nộp phạt, thì chuyện bỏ xe không nộp phạt khó có thể xảy ra.
“Tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết, truy đến cùng trong việc xử lý vi phạm giao thông càng cần thiết để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật”, ông Quỹ nhấn mạnh.
Ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia) Tăng mức phạt tiền theo thẩm quyền “Tăng mức xử phạt tối đa cũng sẽ điều chỉnh thẩm quyền xử phạt, đơn cử như mức xử phạt tối đa hiện nay 40 triệu đồng phải thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Nếu điều chỉnh thì 80 triệu đồng mới thuộc thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh. Khi tăng mức phạt tối đa cũng sẽ điều chỉnh lại thẩm quyền cho từng chức danh cụ thể, tăng thẩm quyền cho các chức danh, giúp thuận tiện hơn trong công tác xử phạt”. ĐB Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) Giám sát chặt để tránh “chung, chi” “Việc tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông rất có thể sẽ xảy ra tiêu cực vì số tiền quá lớn đối với đại bộ phận người dân. Tôi lo ngại xảy ra tình trạng “cưa đôi, 50 - 50” trong xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Bởi số tiền lớn như vậy rất dễ xảy ra hiện tượng người vi phạm “nài nỉ” với lực lượng chức năng để giảm tiền nộp phạt. Do đó, cùng với việc tăng tiền phạt cần có cơ chế giám sát chặt, xử lý nghiêm các vi phạm “chung chi”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Khi bị lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng lỗi vi phạm tốc độ, nữ tài xế đã tranh cãi "nảy lửa" với Trung...