Vi phạm giao thông có thể bị phạt kịch khung tới 70 triệu đồng
Quy định mới đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đối với nhiều hành vi, với mức cao nhất là 70 triệu đồng.
Bộ Công an vừa chính thức trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm.
Lái xe ô tô chạy quá tốc độ bị phạt nặng
Công tác xử phạt vi phạm giao thông đường bộ hiện hành đang được thực hiện theo nghị định 100/2019 và nghị định 123/2021. Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1-1-2025, đưa ra nhiều quy định mới. Để triển khai luật này, cơ quan soạn thảo thực hiện soạn thảo nghị định trên để thay thế các quy định hiện hành.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông hầu hết các hành vi vi phạm giao thông đường bộ đối với tất cả các phương tiện như ô tô, xe máy, xe kinh doanh vận tải…
Cụ thể đối với xe ô tô: Tăng mức xử phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng, lên 400-600 nghìn đồng đối với hành vi vi phạm quy tắc giao thông như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; chuyển hướng, dừng, đỗ xe, sử dụng còi xe trái quy định.
Tăng mức xử phạt từ 400-600 nghìn đồng, lên 600-800 nghìn đồng đối với hành vi chuyển làn, dừng, đỗ xe, quay đầu, nhường đường… trái quy định.
Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đối với hàng loạt hành vi. Ảnh: P.HÙNG
Đối với hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm và ngày càng phổ biến trong thực tiễn như: Sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khi điều khiển phương tiện; đi vào khu vực cấm; xe không đủ điều kiện thu phí tự động nhưng vẫn đi vào làn thu phí tự động; dừng, đỗ xe trái quy định; không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; vượt xe trong hầm đường bộ… Bộ Công an cũng đề xuất tăng mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng lên 2-3 triệu đồng.
“Những hành vi này là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó cần nâng mức xử phạt nhằm tăng tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người vi phạm…”- Bộ Công an cho hay.
Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất nâng mức xử phạt tiền từ 3-5 triệu đồng lên thành 4-6 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm.
Cụ thể là vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt; không có tín hiệu trước khi vượt; tín hiệu vượt xe không sử dụng trong suốt quá trình vượt xe; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép; điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà; tránh xe đi ngược chiều không đúng quy định.
Chưa hết, lái xe không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc; Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h… cũng bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng.
Nhiều hành vi bị phạt tiền kịch khung
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất nâng mức xử phạt từ 10-12 triệu đồng lên từ 12-14 triệu đồng đối với các hành vi điều khiển xe ô tô không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định…
Cạnh đó, lái xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường, nếu không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị phạt tiền kịch khung là 50-70 triệu đồng.
Theo Bộ Công an, hành vi trên là đặc biệt nguy hiểm, có thể tiếp tục gây ra tai nạn liên hoàn hoặc có dấu hiệu chống người thi hành công vụ, do đó cần nâng mức xử phạt lên cao nhằm tăng tính răn đe.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất nâng mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà vi phạm các nguyên tắc giao thông như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt; chở người trên xe sử dụng ô dù… Mức tăng từ 100-200 nghìn đồng cho mỗi hành vi.
Đáng chú ý, các phương tiện nêu trên nếu chạy quá tốc độ trên 20km/h, điều khiển xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông; lùi tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn… cũng bị tăng mức xử phạt từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng.
Thêm vào đó, Bộ Công an cũng điều chỉnh tăng mức xử phạt từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng, đối với hành vi điều khiển xe máy lạng lách đánh võng trên đường bộ, điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ, gây tai nạn giao thông không dừng lại…
Theo lý giải của Bộ Công an, qua đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 2019 đến nay tăng 6%, thu nhập bình quân trên người tăng, việc xử phạt từ 100-200 nghìn đồng đối với xe máy gần như không có tính chất răn đe. Do đó cần nâng mức xử phạt để hạn chế các hành vi vi phạm.
Đối với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an cũng đề xuất tăng mức phạt từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng, đối với nhiều hành vi. Chẳng hạn như lùi xe ở đường một chiều, đỗ xe ở hè phố trái phép, dừng hoặc đỗ xe trên phần đường xe chạy…
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng điều chỉnh tăng xử phạt chủ phương tiện đối với các hành vi vi phạm chở quá tải, quá khách, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; vi phạm quy định về kích thước thùng xe...
Kéo dài thời gian bật đèn chiếu sáng Theo quy định hiện hành, đèn chiếu sáng phải bật từ 19 giờ đến 5 giờ. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề xuất thời gian bật đèn chiếu sáng từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. |
Nguồn: [Link nguồn]
Lái xe vi phạm nồng độ cồn ngoài bị xử phạt nặng còn đối diện với hình thức phạt bổ sung đó là trừ hết 12 điểm bằng lái.