Vị linh mục đặc biệt và chuyện ám ảnh ở nghĩa trang hài nhi

Lẽ thường, ai cũng mong nghề nghiệp của mình luôn đi lên như “diều gặp gió”. Nhưng trong trường hợp này, một người hết lòng với “nghề” lại đau đáu mong được… thất nghiệp. Đó chính là ước nguyện của vị linh mục nhân từ Nguyễn Văn Tịch, người đang thực hiện việc gom nhặt các hài nhi xấu số. Gần 4 năm, gom nhặt hơn 6.000 thai nhi bị bỏ rơi, ông rất đau lòng và chỉ có một tâm nguyện, những sinh linh bất hạnh này sẽ ngày càng vơi bớt…

Những sinh linh bị bỏ rơi

Buổi trưa nắng gắt, chúng tôi tìm đến giáo xứ Tây Hải, nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 4, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, Đồng Nai tìm gặp vị linh mục Nguyễn Văn Tịch (SN 1971). Ông là người suốt 4 năm qua âm thầm gom xác hài nhi vô tội, những mầm sống không được làm người. Đó có thể là hài nhi đã tượng hình hay chưa tượng hình được ông nhặt về từ các nhà hộ sinh, bệnh viện, phòng khám tư nhân… Trái hẳn với cuộc sống phố thị nhộn nhịp, tại căn phòng với diện tích khiêm tốn 3-4m2, linh mục Tịch tâm sự: “Tôi xót xa. Các em chưa sinh ra đã chịu một thiệt thòi quá lớn đó là không được lớn lên, sống trong tình thương trọn vẹn của cha mẹ. Chính vì vậy, tôi mở 'phòng thai nhi' này hy vọng có thể bù đắp được phần nào đó để các em an nghỉ”.

Vị linh mục đặc biệt và chuyện ám ảnh ở nghĩa trang hài nhi - 1

Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang tắm cho các hài nhi xấu số

Ông đến với công việc này như một cái duyên, cái nghiệp. Ngày còn làm việc ở giáo xứ Hà Nội (Biên Hòa, Đồng Nai), bắt gặp những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ngay trước cổng giáo xứ, ông đã có suy nghĩ sẽ tự tay đi gom nhặt những hài nhi xấu số về chôn cất. Sau này, khi được trở về làm linh mục giáo xứ Tây Hải và được một số người ủng hộ, ông càng quyết định thực hiện được ý nguyện của mình.

Khi mới thực hiện công việc này, linh mục Tịch cũng gặp không ít khó khăn. Anh Phạm Quốc Vinh, người làm việc cùng linh mục những ngày đầu chia sẻ: “Những ngày đầu cùng cha Tịch đi đến các bệnh viện hay phòng khám tư nhân xin đưa thi hài các bé về chôn cất, tôi từng chứng kiến nhiều người bàn ra tán vào. Thậm chí, họ còn bảo 'hai cha con điên'. Họ nghi ngờ không biết linh mục lấy thai nhi về làm gì. Họ sợ sẽ làm ô nhiễm môi trường”. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người đã tỏ ra ái ngại khi những hài nhi được đem về không rõ nguồn gốc, nếu xử lý thiếu cẩn trọng có thể sẽ truyền các mầm bệnh hiểm. Nhưng một thời gian sau, người ta vẫn thấy ông Tịch đều đặn hết tuần này sang tháng nọ cần mẫn đem những hài nhi vào “phòng thai nhi” mà không có chuyện gì bất trắc xảy đến.

Lặng người đứng trước những đứa trẻ xấu số, được quàn bằng những chiếc hũ đủ mọi kích cỡ, đặt ngay ngắn, linh mục Nguyễn Văn Tịch chia sẻ: “Nhiều khi tắm cho thi hài, tôi không sao cầm được nước mắt”. Những thai nhi khi đưa về được chính tay cha Tịch tắm rửa sạch sẽ, lau chùi, quấn vào khăn. Sau đó, thai nhi sẽ được cho vào lọ đã được sát trùng rồi để vào trong tủ đông. Cha Tịch cho biết, trường hợp những thai nhi sau khi đưa về sẽ được hỏa thiêu mới đem chôn. Vị linh mục cho biết: Trung bình mỗi tháng ông nhận khoảng 200 hài nhi, có trường hợp bố mẹ của các bé tự đem con đến gửi nhờ chôn cất. Buổi sáng trước khi chúng tôi đến, linh mục cũng đã nhận một hài nhi do người nhà đem đến. Ông còn cho biết thêm, hiện tại, địa bàn mà ông đang nhận các hài nhi là khu công nghiệp Bình Dương. Theo ông, trong các đối tượng bỏ con, phần lớn là công nhân, học sinh, sinh viên, trẻ vị thành niên.

Vị linh mục đặc biệt và chuyện ám ảnh ở nghĩa trang hài nhi - 2

Thai nhi được cho vào lọ đã được sát trùng rồi để vào trong tủ đông

Nghĩa trang đặc biệt

Đã gần 4 năm nay, người dân ở con hẻm nhỏ đường Nguyễn Ái Quốc (Biên Hòa) không còn xa lạ với hình ảnh vị linh mục và những người làm công tác thiện nguyện cứ đến chiều Chủ nhật cuối tháng, đem những hài nhi bị bỏ rơi đưa về chôn cất tại Nghĩa trang Hai bàn tay. Trong làn khói hương bảng lảng về chiều, linh mục Nguyễn Văn Tịch trầm tư chia sẻ: “Tôi thành lập nghĩa trang này mong muốn những sinh linh nhỏ bé sẽ có nơi an nghỉ và hy vọng hóa giải được nỗi day dứt trong lòng của đấng sinh thành từng phá bỏ đứa con của mình. Hơn nữa, hành động đó còn là để tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ thay đổi được nhận thức, tránh những sai lầm đáng tiếc, có trách nhiệm với chính bản thân mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn”.

Nghĩa trang hài nhi thành lập từ ngày 1/11/2011, được xây dựng từ mảnh đất rộng khoảng 180 m² do một số Mạnh Thường Quân hiến tặng. Nghĩa trang dùng để chôn cất các hài nhi nên được thiết kế khá đặc biệt với hình hai bàn tay, ngụ ý ấp ủ các em trong lòng bàn tay. Trong mỗi ngón là một ngôi mộ khổng lồ dài và sâu 2.5m, rộng 90 phân gồm nhiều lớp chồng lên nhau. Linh mục Tịch cho biết, từ khi thành lập đến nay, nghĩa trang này đã chôn cất được 6.138 hài nhi.

Anh Phạm Quang Vinh cho biết, hiện nay đã có một đội thiện nguyện khoảng 10 thành viên. Ngoài công việc hàng ngày, đội thiện nguyện này luôn sẵn sàng đi thu nhận các hài nhi về tắm rửa và chôn cất. Ở đây, nghi thức cuối cùng cho các hài nhi là đến mỗi ngày Chủ nhật cuối tháng sau khi làm lễ Thánh, mỗi hũ đựng hài nhi sẽ được gói bằng nhiều màu vải đỏ, vàng, xanh như “chiếc áo cuối cùng”, rồi những người tới tham dự buổi lễ sẽ nhận các em là “cha mẹ”. Đến 4h chiều, hài nhi sẽ được đưa ra nghĩa trang.

Vị linh mục đặc biệt và chuyện ám ảnh ở nghĩa trang hài nhi - 3

Nghĩa trang hài nhi Hai bàn tay

Tính đến thời điểm hiện tại, “ba ngón tay” đã gần được chôn đầy. Mỗi ngón được chôn cất hơn 2.000 hài nhi hết sức chu đáo. Anh Hải, người dân tình nguyện đến chăm sóc nghĩa trang mỗi ngày chia sẻ: “Tôi cũng chứng kiến nhiều cặp đôi tới đây thắp nhang cho các em. Biết đâu trong số họ là bậc cha mẹ của các sinh linh tội nghiệp này. Một cô gái từng đến đây hỏi chúng tôi có đến lấy một hài nhi ở bệnh viện vào ngày tháng năm đó hay không. Khi chúng tôi nói có, cô ấy hỏi chôn ở đâu rồi mới khẳng định là mẹ của đứa bé. Sau đó, người này tỏ ra hối hận vì đã từ bỏ đứa con. Có trường hợp để lại bức thư nêu hoàn cảnh vì sao bỏ con và xin được đứa con tha thứ”.

Cùng chúng tôi đi thắp nén nhang cho các sinh linh nhỏ ở nghĩa trang hài nhi, linh mục Tịch cho biết, hiện tại, việc nạo phá thai đang có chiều hướng giảm dần. Trước đây mỗi tháng, ông nhận được khoảng 300 hài nhi nhưng giờ con số giảm xuống còn khoảng 200. “Dẫu sao thì đây cũng là một cái nghề nhưng tôi chỉ mong cái nghề này của mình sớm… thất nghiệp. Tức là không còn tình trạng nạo phá thai, chúng tôi sẽ không còn đi gom nhặt các em về đây nữa”, linh mục Tịch đắng lòng tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi về việc linh mục Nguyễn Văn Tịch làm nghĩa trang hài nhi, ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch UBND phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã biết việc làm đầy thiện nguyện của linh mục. Đây là một việc làm đầy nhân văn, chính quyền đánh giá cao việc làm đầy ý nghĩa này, hy vọng qua đó giới trẻ sẽ tránh được nhận thức lệch lạc để có một cuộc sống lành mạnh hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thoa (Đời sống & Hôn nhân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN