Về nơi rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều nhất ở TP.HCM
Thời gian gần đây tại một số khu vực trên địa bàn TP.HCM xuất hiện loài rắn có màu xanh lục, đuôi rắn có chấm đỏ. Sự xuất hiện bất thường của loài rắn này khiến người dân lo lắng.
Rắn lục đuôi đỏ (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Những khu vực ven sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM được cho là nơi xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ nhất.
Nhiều người cho rằng, những khu đất trống với cỏ mọc um tùm ven sông Sài Gòn sau khi được ủi đất san lấp phục vụ cho những dự án nhà ở khiến rắn lục mất nơi sinh sống và bắt đầu vào nhà dân.
Một số người dân khu phố 1, phường Thạnh Lộc, cũng cho rằng, miếu bà Cam ở đây thường xuyên có nhiều người dân nơi khác đến thắp hương cầu nguyện và phóng sinh. Tuy nhiên có một số người thiếu ý thức lén lút phóng sinh rắn lục đuôi đỏ ra môi trường.
Một con rắn lục bị người dân giết chết vào tháng 5/2015 tại phường Thạnh Lộc, Q.12
Chị Ngô Thị Thanh Nhàn, người dân khu phố 1 cho biết: “Trước đến giờ vùng này đâu có rắn rết gì, khoảng thời gian từ sau Tết nguyên đán thì bắt đầu xuất hiện rắn lục đuôi đỏ”.
Cũng theo chị Nhàn rắn lục đuôi đỏ xuất hiện làm nhiều người hoảng sợ. Cách đây không lâu buổi sáng chị ra quét sân thì phát hiện có một con rắn lục đuôi đỏ bò vào khu vực vườn cỏ sau nhà. Quá hoảng sợ chị chạy nhanh vào nhà và không dám ra vào khu vực vườn sau nhà nữa.
Một số người dân khu phố 1 chạy thể dục buổi sáng phát hiện rắn lục đuôi đỏ bò qua lại trên đường liền lập tức bắt và đập chết.
Ông Võ văn Tư, dân tổ 10 khu phố 1 cho biết: “Cách đây không lâu trong một lần đi tập thể dục buổi sáng tôi phát hiện một con rắn lục mình màu xanh đuôi có chấm đỏ nằm lẫn vào một nhành cây. Tôi lập tức bắt lấy đuôi nó quay vài vòng rồi đập mạnh xuống đất. Sau đó tôi vứt ra giữa đường cho xe tải cán chết.”
Theo ông Tư, từ vài tháng nay ông đã giết được trên dưới 10 con rắn lục.
Rắn sau khi bị giết chết, một số người dân sử dụng ngâm rượu
Bà Huỳnh Thị Cúc, người dân khu phố 3C, phường Thạnh Lộc cho biết khu vực ven sông Sài Gòn có nguồn nước và luồn lạch, mặt khác khu vực này cây cối rậm rạp nên không chỉ có rắn đuôi đỏ nhiều loài rắn khác cũng có rất nhiều. Chuyện bà đi dọc đường phát hiện rắn chạy qua chạy về là điều hết sức bình thường. “Con cái tôi giờ có đứa nào dám ngủ dưới nhà đâu, chúng sợ rắn rết lắm. Giờ tôi phải sắp xếp cho mấy đứa nhỏ lên gác xép phía trên ngủ cho an tâm.”
Theo ông Trương Thành, tổ trưởng tổ dân phố khu phố 1, phường Thạnh Lộc cho biết có nghe người dân phản ảnh về tình trạng tại địa phương xuất hiện rắn lục.
Ông Thành cũng cho biết cách đây 1 tháng có một người phụ nữ thuộc tổ 9 đang cắt cỏ ở khu vực gần bờ sông Sài Gòn thì bất ngờ bị rắn tấn công. Sau đó người phụ nữ này được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên địa phương chưa thể xác định được rắn tấn công người phụ nữ này có phải là rắn lục đuôi đỏ không.
“Khu vực này là khu vực gần bờ sông Sài Gòn, nhiều kênh rạch, cây cối rậm rạp nên có khá nhiều các loại rắn rít. Tuy nhiên việc một số người dân thời gian gần đây có phát hiện rắn, tiêu diệt một số con rắn và cho rằng đó là rắn lục đuôi đỏ thì chúng tôi chưa xác định được có phải là rắn lục đuôi đỏ hay không. Vì ở khu vực này chuyện rắn xuất hiện trong nhà không phải quá hiếm. Ngay như tôi thỉnh thoảng ra ngoài vườn cũng phát hiện rắn có màu xanh lục nằm trườn trên cành cây. Việc xác minh xem rắn mà một số người dân tiêu diệt có phải là rắn lục đuôi đỏ hay không thuộc về các cơ quan chức năng về động vật học xác định”- ông Thành nói.
Khu vực gần bờ sông với nhiều cây cỏ mọc um tùm là môi trường sống của rắn lục
Gần đây nhất ngày 22/6, một số người dân nội thành TP.HCM tại khu vực đường Nguyễn Trãi Q.5 phát hiện có một con rắn màu xanh lục bò vào khu vực của một cửa hàng bán tạp hóa. Nhiều người hốt hoảng bỏ chạy. Ngay lúc đó một người đàn ông đập chết con rắn và đưa ra giữa đường cho xe tải cán chết.
Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng tình trạng rắn xuất hiện ở TP.HCM có khả năng do tình trạng đô thị hóa, nhà cửa được xây dựng ngày càng nhiều khiến rắn mất môi trường sống, thiếu nguồn thức ăn, chúng phải di chuyển sang những nơi khác. Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 9 là thời gian rắn lục đuôi đỏ giao phối và sinh sản nên trong thời gian này người dân sẽ thấy rắn nhiều hơn những lúc khác.
Cũng theo TS Long hình ảnh được người dân cho là rắn lục đuôi đỏ xuất hiện vừa qua có một số con chỉ là rắn roi mõm dài.
Khuyến cáo của Bộ Y tế, những trường hợp bị rắn lục cắn cần sơ cứu trước khi chuyển bệnh nhân tới bệnh viện. Theo đó, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Chú ý không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Đặc biệt, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người bệnh không chích rạch tại vết cắn; thay vào đó có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, bệnh nhân cần được vận chuyển nhanh chóng tới các khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Để phòng rắn cắn, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây neo… ở sân trước nhà. Trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn nên áp dụng, nhất là ở những vùng có nhiều rắn. |