Về nơi phụ nữ đua nhau lấy chồng ngoại

Vì sợ lỡ thì, vì cứ tưởng bên kia biên giới sẽ là “thiên đường”, nhiều cô gái ở vùng biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chấp nhận lấy chồng ngoại quốc gấp đôi, gấp ba tuổi mình. Chưa biết cuộc sống của họ bên kia như thế nào, nhưng ở quê nhà, bao nỗi buồn cứ dai dẳng đeo bám người thân họ...

Không biết mặt cháu ngoại, thông gia

Xã Hải Thượng (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là một trong những xã trung tâm của khu kinh tế Nghi Sơn. Ngày ngày, những công trường trọng điểm quốc gia vẫn tấp nập, con đường chính nối liền từ Quốc lộ 1A xuống đây đầy ổ gà, ổ voi và bụi bặm mù mịt. Gặp bà Nguyễn Thị Hiệp, một cựu chiến binh ở thôn Bắc Hải, bà Hiệp bức xúc: “Nói thật, từ khi có dự án khu kinh tế Nghi Sơn này, chúng tôi chưa biết niềm vui như thế nào, chứ cái khổ và hệ lụy buồn thì nhiều lắm”.

Khi chúng tôi tò mò về “cái hệ lụy”, chẳng cần suy nghĩ, bà Thinh, một hàng xóm của bà Hiệp nói: “Lấy chồng ngoại. Khổ, chả biết có giàu sang không, sung sướng không mà 2-3 năm chẳng có tiền về thăm bố, thăm mẹ. Gia đình có người chết cũng chẳng về được. Có người mỗi năm về thăm gia đình vài ba tháng nhưng không mang con về được vì nhà chồng sợ khi về Việt Nam thì chẳng quay lại nữa”.

Về nơi phụ nữ đua nhau lấy chồng ngoại - 1

Ông Nguyễn Văn Hóa đang kể về người con gái lấy chồng ngoại quốc. Ảnh: P.B

Theo bà Thinh, ở cái xã Hải Thượng này có hàng chục trường hợp lấy chồng là người Trung Quốc, thời họ sang đây làm công nhân ở Nhà máy xi măng Nghi Sơn. Còn bây giờ, một số người lại lấy cả công nhân Thái Lan đang thi công nhà máy nhiệt điện nữa.

Đến nhà ông Nguyễn Văn Hóa (75 tuổi, ở thôn Bắc Hải), nghe vợ chồng ông Hóa tâm sự mới thấm thía những lời nói của bà Thinh. Bất ngờ vì có vị khách lạ hỏi thăm gia đình, ban đầu ông Hóa cứ bối rối, không biết tiếp chuyện như thế nào. Còn ở một góc giường, bà Lê Thị Quynh, vợ ông Hóa sau trận ốm chưa khỏi vẫn ho sặc sụa mời khách uống nước. Nhắc đến người con gái tên Hoài (SN 1973), lấy chồng ở Trung Quốc, ông Hóa nhìn xa xăm rồi nói một câu cụt lủn: “Nó vừa về thăm nhà được 2 tháng và mới đi sang bên kia cách đây 1 tuần”.

Ông Hóa kể với giọng buồn bã: “Số cái Hoài khổ cực lắm. Trước lỡ thì, có đứa con sinh năm 1995 thì cháu bị bệnh thần kinh, có lớn mà chẳng có khôn. Ngày ngày chỉ biết đi chăn trâu rồi về nhà ăn cơm, nằm ngủ. Cái Hoài lấy chồng Trung Quốc được 3, 4 năm nay rồi, cũng có đứa con gái nhưng tôi chưa biết mặt mũi cháu và thông gia bên đó như thế nào cả”.

Theo ông Hóa, năm 2008, khi công nhân Trung Quốc về làm nhà máy xi măng ở xã Hải Thượng này thì không biết cách nào mà chị Hoài lại quen và quyết định lấy người đàn ông người Trung Quốc hơn mình 4 tuổi làm chồng. “Ban đầu, gia đình cũng không đồng ý, nhưng vì nó quyết tâm nên chúng tôi cũng không ngăn cản được. Đến nay, tôi chỉ biết con rể là người Trung Quốc, chứ tên, năm sinh, quê quán ở tỉnh nào, huyện nào thì tôi cũng chịu. Hôm trước nó xin phép chồng về quê được 2 tháng, nhưng nó chỉ về được một mình thôi. Nhà chồng sợ Hoài mang con về thì ở lại Việt Nam không sang nữa nên chỉ cho về một mình”, ông Hóa chép miệng.

Về nơi phụ nữ đua nhau lấy chồng ngoại - 2

Con gái Dương Thị Nụ, một kết quả của tình yêu với người chồng Trung Quốc.  Ảnh: P.B

Hơn chục chú rể, được một đám cưới tử tế?

Chia tay gia đình ông Hóa, bà Quynh, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Thinh ở thôn Liên Trung. Nhắc đến gia đình ông Thinh, người dân xã Hải Thượng này ai cũng biết. Cô con gái đầu của ông là Dương Thị Vinh (SN 1983) đang yêu một công nhân Thái Lan, năm nay 45 tuổi. Người yêu của Vinh làm ở Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. “Bọn em dự định năm nay cưới, sau đó sang bên nhà chồng một thời gian”, Vinh vui mừng thông báo.

Chỉ vào bức ảnh cưới của em gái Dương Thị Nụ (SN 1987) treo trên tường, Vinh nói: “Năm 2010, Nụ cưới người đàn ông người Trung Quốc 45 tuổi. Ở xã Hải Thượng này, duy nhất Nụ là lấy chồng có tổ chức cưới hỏi đàng hoàng và đến với nhau bằng tình yêu chân thành. Hôm đám cưới, gia đình tổ chức theo lễ truyền thống của người Việt Nam. Đại diện phía chú rể có lãnh đạo công ty, anh em, bạn bè công nhân đến dự khá đông và vui vẻ. Bố mẹ chồng của Nụ đã mất từ lâu, ở bên Trung Quốc không có điều kiện cưới vợ nên chồng Nụ thương vợ lắm. Không giống như gia đình khác, từ khi đi lấy chồng, năm nào Nụ cũng về quê thăm gia đình một vài lần, về lần nào cũng có hai mẹ con”.

Chỉ tay về bé gái (3 tuổi) là con gái Nụ đang chơi ngoài sân, Vinh bảo: “Cháu bé được đăng ký quốc tịch cả Trung Quốc và Việt Nam. Sắp tới bố cháu lại sang đây làm việc nên sẽ xin cho cháu học ở đây và ở với ông bà ngoại cùng các bác”.

Chưa biết thực hư câu chuyện Vinh kể ra sao nhưng khi nói về chuyện lấy chồng ngoại, người dân ở vùng biển Hải Thượng này đều thở dài ngao ngán. “Thương yêu và tình yêu chân thật ở đâu chúng tôi chả biết chứ nhiều người ham giàu đấy. Tôi thấy có cô nào lấy được chồng trẻ đâu, ông nào ít thì 40 tuổi, còn không thì toàn 45 - 50 tuổi rồi”, một người bán quán nước tên M. ở thôn Liên Hải nói.

Về mảnh đất Hải Thượng, nơi mà bao đời người dân nơi đây vẫn suốt ngày kêu nghèo, kể khổ vì thiên nhiên khắc nghiệt, giờ đã mọc lên hàng loạt nhà máy, những công trình trọng điểm quốc gia. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự hào nhoáng đó, bao gia đình vẫn phải chịu nỗi đau chưa biết lúc nào nguôi ngoai.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN