Về ngôi chùa cổ Giác Lâm bị rao bán
Đi quanh ngôi chùa Giác Lâm là một trong những chùa cổ nhất TPHCM, Đại đức Thích Từ Trí bùi ngùi: “Thời gian qua nhà chùa rất khổ tâm vì nhiều người bị những kẻ lừa bán đất chùa tới đây tìm hỏi mua đất. Nam Mô A Di Đà Phật! Đất nhà chùa thì sao có chuyện mua bán được!”.
Hòa thượng Thích Từ Trí chỉ một ngôi nhà cao tầng đã xây dựng trên đất chùa cổ Giác Lâm Ảnh: Trần Nguyên Anh Danh lam cổ tự bậc nhất Nam Bộ
Chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ, là nơi phát tích Phật giáo Nam Bộ. Bước chân đến ngôi chùa, người ta thấy những nét rêu phong của ngôi chùa gần 300 năm lịch sử. Các sư trong chùa nói: “Đây là di tích cấp quốc gia nên một viên ngói hư muốn sửa cũng phải có giấy phép, ngoài việc sơn phết chống rêu mục hầu hết nét xưa chùa cũ vẫn còn giữ lại như ngày nào”.
Chùa Giác Lâm được xây dựng năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ngôi chùa chính là nơi đào tạo về kinh pháp và giới luật đầu tiên cho chư tăng Gia Định và cả Nam bộ. Chùa là nơi in ấn các sách kinh phát hành cho vùng Nam bộ. Các sư tiết lộ: “Hiện chúng tôi vẫn giữ được các bản khắc gỗ cổ, dùng để in những kinh sách đầu tiên cho vùng Nam bộ. Những mộc bản này hết sức quý hiếm và đáng để lưu giữ, tôn vinh”.
Không “hổ danh” là một trong những ngôi chùa đẹp nhất và cổ nhất Nam bộ, Giác Lâm cổ tự hiện vẫn còn lưu giữ tới 119 pho tượng, trong đó có 113 pho tượng cổ có từ lúc xây dựng chùa đến nay. Theo tiến sĩ Trần Hồng Liên, trong cuốn “Chùa Giác Lâm - Di tích lịch sử văn hóa” ghi: “Chùa cổ nhất của TPHCM còn lưu lại đến ngày nay”, và những bức tượng cổ trong chùa: “đánh dấu được những bước di dân đầu tiên của người Việt đến định cư vùng đất mới”.
Danh sĩ Trịnh Hoài Đức trong quyển Gia Định thành thông chí tả cảnh chùa: “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận xét rằng: “Đến nay, trải qua hơn 300 năm lịch sử phát triển của thành phố, nhiều ngôi Chùa cổ như Khải Tường, Từ Ân, Mai Sơn… bị giặc Pháp phá hủy. May mắn, Tổ đình Giác Lâm vẫn tồn tại uy nghi, làm chứng cho bao cuộc thịnh suy của vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Chùa Giác Lâm xứng đáng là một di tích lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam”.
Hiến đất để xây bảo tháp thờ Xá lợi Phật
Hòa thượng Thích Từ Trí nói rằng: “Trước năm 1975, sư trụ trì của Giác Lâm đã hiến một phần đất cho Giáo hội phật giáo cổ truyền với mục đích xây dựng bảo tháp cất giữ Xá lợi Phật, phục vụ việc phát triển Phật pháp chứ không bao giờ bán chùa hay chuyển nhượng đất chùa cho cá nhân nào cả. Thế nhưng có người lại vin vào việc chùa hiến đất mà đem rao bán chỗ đất ấy cho tư nhân”.
Phần đất xây dựng lên bảo tháp thờ Xá lợi Phật cũng bị rao bán
Để hiểu rõ việc hiến đất của chùa Giác Lâm, ngược dòng lịch sử, vào ngày 24/6/1953, Ngài Narada, Cố vấn tối cao Tổng hội Phật giáo Thế giới WFB (World Followship of Buddhist) dâng cúng Xá lợi Phật cho Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam (sau đổi thành Phật giáo cổ truyền Việt Nam, trụ sở đặt ở chùa Giác Lâm). Buổi lễ trọng thể được tổ chức tại chùa với sự chứng kiến của ngài Narada và đông đảo Tăng ni, Phật tử … Các vị Hòa thượng Phật Ấn, Hồng Từ và Trường Thạnh đã cung thỉnh tháp Xá lợi Phật tôn trí tại chùa Giác Lâm.
Bấy giờ, chùa Giác Lâm đã hiến một mẫu đất để xây tháp thờ Xá lợi Phật. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây bảo tháp tổ chức vào ngày 29/11/1970, ngân sách dự trù 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều lý do và hoàn cảnh chiến tranh, đến năm 1975, tháp mới chỉ xây xong nền móng.
Ngày 17/4/1993 chùa Giác Lâm tổ chức lễ khởi công tái thiết tòa bảo tháp Xá lợi. Tòa tháp lúc đó mới được hoàn thành với chiều cao 32,79m.
Đại diện chùa Giác Lâm cho biết: “Việc chùa Giác Lâm hiến đất cho giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam là để giáo hội này xây dựng bảo tháp, nhưng thực tế Giáo hội Phật giáo cổ truyền cũng chưa xây dựng được bảo tháp mà về sau chùa Giác Lâm mới xây dựng bảo tháp. Chưa kể, sau năm 1975, các tổ chức tôn giáo đều quy về một mối nên chùa Giác Lâm tiếp nhận việc xây dựng bảo tháp là công việc đã được giáo hội đồng ý và chứng kiến”.
Theo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo quận Tân Bình, tranh chấp đất đai xảy ra trong 20 năm lại đây, khi mà một số người nhân danh là người của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam năm xưa đem rao bán phần đất mà chùa Giác Lâm đã từng hiến để xây bảo tháp thờ Xá lợi Phật.
Rao bán đất có bảo tháp giá 60 tỷ đồng
Hòa thượng Thích Từ Trí chùa Giác Lâm kể: “Có một người cầm giấy tờ chứng nhận đã đặt cọc tiền mua đất chùa Giác Lâm với một người xưng là người của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, số tiền cọc lên tới 10 tỷ đồng. Ông ấy nhờ chúng tôi xác nhận đất không có tranh chấp để đi làm thủ tục giấy tờ. Họ còn nói, nếu chùa xác nhận đất không có tranh chấp sẽ xin cung tiến 10 tỷ đồng. Nhà chùa nói rằng đây là đất của chùa Giác Lâm dùng để phát triển Phật pháp, dù các bác có cung tiến 10 tỷ hay 20 tỷ thì nhà chùa cũng không thể xác nhận và không bao giờ bán đất chùa Giác Lâm”.
Hòa thượng Thích Từ Trí ngậm ngùi: “Trong chục năm qua, không biết có bao nhiêu người đã nhận cọc mua bán đất chùa Giác Lâm và tìm tới đây, nhưng chùa đều nói với họ rằng cẩn thận kẻo bị lừa đảo tiền mất tật mang. Đây là đất thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Dẫn phóng viên đi thăm bảo tháp, nơi thờ Xá lợi Phật, Hòa thượng Thích Từ Trí chỉ tay vào tòa tháp bảo: “Vừa mới đây thôi, có một cò đất quận 2 gặp thầy, nói rằng một chủ đất ở quận 8 thỏa thuận với người rao bán để mua toàn bộ mẫu đất này, bao gồm cả tòa bảo tháp, với giá 60 tỷ đồng và sẵn sàng bỏ thêm 50 tỷ đồng để làm sổ đỏ chủ quyền, vậy nhà chùa tính sao! Thầy trả lời họ rằng nhà chùa có các văn bản pháp luật khẳng định đất đai và bảo tháp là của chùa Giác Lâm nói riêng và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, không ai có thể buôn bán đất chùa Giác Lâm”.
Phóng viên cũng tìm kiếm người rao bán đất chùa Giác Lâm và nhận tiền đặt cọc của nhiều người thì được biết: “Vị này thường đi từ sáng sớm và về lúc tối muộn nên không gặp được”.
Về đất đai tại tổ đình Giác Lâm, Thượng tọa Thích Từ Tánh, Ủy viên Ban trị sự, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Phật giáo quận Tân Bình khẳng định “Chùa Giác Lâm là di tích lịch sử cấp quốc gia nên không ai có quyền chiếm dụng hay chuyển nhượng, mua bán đất trái phép trên diện tích đất đai thuộc tổ đình”.
Hòa thượng Thích Từ Trí nói với phóng viên: “Chùa Giác Lâm đã nộp hồ sơ giấy tờ xin được cấp giấy chứng nhận chủ quyền đất đai, trong đó có cả phần đất xây dựng bảo tháp, nhưng vẫn chưa được nên mới xảy ra chuyện cò mồi, mua bán đất chùa Giác Lâm”.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM xác định: “Tài sản chùa Giác Lâm là tài sản chung do Giáo hội Phật giáo quản lý; đề nghị nhà nước ngăn chặn tổ chức cá nhân mua bán, chuyển nhượng tài sản của chùa Giác Lâm”. |
Nguồn: [Link nguồn]
300 hộ dân tại dự án khu dân cư Sông Đà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã 12 năm nay chưa được cấp...