Vẻ đẹp kỳ thú ‘có một không hai’ của cây sui cổ thụ xứ Nghệ
Tồn tại qua hàng trăm năm, cây sui Diên Tràng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) không chỉ độc đáo bởi kích thước khổng lồ, mà còn gắn với những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931).
Cây sui Diên Tràng thuộc xóm 6, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Từ xa, mọi người có thể nhận ra cây sui cổ thụ tọa lạc trên đỉnh núi Tròn.
Cây cao khoảng 35m, chu vi gốc tầm 4-5m. Theo người dân địa phương, cây sui có từ lâu đời, không dưới vài trăm năm tuổi.
Rễ cây tỏa ra nhiều hướng.
Ông Nguyễn Đình Tám, người trông coi di tích cho biết, cây sui Diên Tràng cùng với nhà thờ họ Nguyễn Duy đã được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1998. Những năm qua, cây sui luôn được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm chăm sóc, nhiều hoạt động của tuổi trẻ xã nhà đã được tổ chức tại đây.
“Trước đây, gốc cây sui bị rỗng có thể trú được vài người. Trong quá trình gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc, xung quanh gốc cây được đắp thêm đất, cộng với việc phát triển của cây, nên những lỗ rỗng này dần nhỏ lại, mọi người không thể ra vào gốc cây sui như trước”, ông Tám chia sẻ.
Tồn tại qua hàng trăm năm, cây sui Diên Tràng vẫn xanh tốt, kiên cường trong gió bão; là cây cổ thụ duy nhất còn tồn tại, hiện thân cho sức sống mãnh liệt, bất khuất của làng
Thân cây sui có nhiều loài thực vật ký sinh
Theo các tài liệu lịch sử, từ tháng 9/1930 đến tháng 2/1931, làng Diên Tràng là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ Nghệ An. Nhà thờ họ Nguyễn Duy là nơi ở, hội họp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiềm, nhà thờ họ Nguyễn Bá, Nguyễn Ích cùng cây sui Diên Tràng từng là nơi ấn loát, cất giấu tài liệu.
Tán cây xanh tươi dù đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Rễ cây sần sùi với những vết tích của thời gian.
Là cây cổ thụ mang vẻ đẹp độc đáo "có một không hai" ở xứ Nghệ, cây sui Diên Tràng là niềm tự hào của người dân địa phương.
Thân cây thẳng, cành cây chia ra nhiều nhánh, lá có màu xanh như các loài cây rừng khác. Điểm đặc biệt của loài cây này là việc thay màu lá đỏ vào đầu mùa xuân.
Nguồn: [Link nguồn]