Vẽ chữ Việt lên di tích ở Nhật bị phản ứng dữ dội

Sự kiện: Thời sự

Trường hợp vẽ bậy trên phiến đá tại di tích thành cổ Yonago thuộc tỉnh Tottori - Nhật Bản bị người dân nước này phản đối, chỉ trích hết sức gay gắt...

Theo thông tin từ Ban Quản lý văn hóa thuộc di tích thành cổ Yonago, khoảng 16 giờ ngày 26-10, một nhân viên bộ phận văn hóa TP Yonago phát hiện các ký tự "A", "HÀO" cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá thuộc khu di tích.

Hành động phá hoại

Các hình vẽ gây hư hỏng một diện tích có chiều dài 70 cm, rộng 40 cm. Hiện tại, một số phương án khôi phục di tích như sơn lại bề mặt đá, dùng keo nhựa… được đưa ra nhưng gặp khó khăn vì hình vẽ nguệch ngoạc được khắc bằng vật nhọn với kích thước khá lớn.

Theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu phạt 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài các khu di tích, Nhật Bản có các quy định cấm vẽ bậy tại nơi công cộng. Nếu vi phạm, tùy vào mức độ thiệt hại, có thể bị phạt tiền từ 10.000-300.000 yen (khoảng 2-70 triệu đồng) và ngồi tù dưới 3 năm.

Hành động phá hoại này nhận không ít "gạch đá" từ cư dân mạng Nhật Bản. Bình luận dưới bài đăng trên nhật báo Mainichi, độc giả Aki Triritubaki chỉ trích: "Làm ơn đừng đến đây để phá hoại. Ngay cả kẻ ngốc cũng hiểu đó là một hành vi không bao giờ được phép thực hiện". "Tôi tự hỏi liệu tên tội phạm có cảm giác day dứt không khi phá hoại di tích quốc gia. Làm ơn học lại tiểu học đi"; "Đừng viết nguệch ngoạc và hãy tha cho các di tích lịch sử thánh thiện"… là một số bình luận trên trang news.nicovideo.jp. Thậm chí, nhiều người phẫn nộ đến độ chỉ muốn "xăm hình vẽ lên mặt kẻ đã tạo ra nó", như độc giả có tên Kurogane.

Không chỉ lên án nặng nề, người dân Nhật Bản thúc giục các nhà chức trách nhanh chóng tìm ra và trừng phạt thủ phạm. Một cư dân mạng đặt vấn đề: "Hành vi thiếu ý thức ấy sẽ lặp đi lặp lại nếu như kẻ phạm tội không bị bắt và xử phạt thích đáng". Nêu ý kiến trên trang news.mixi.jp, một độc giả viết: "Về hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử quốc gia, chúng ta cần phải tố cáo, xử phạt nặng từ tử hình cho đến bỏ tù".

Vẽ chữ Việt lên di tích ở Nhật bị phản ứng dữ dội - 1

Phiến đá thuộc khu vực thành cổ Yonago bị vẽ bậy với những hình ảnh, cùng ký tự giống chữ “HÀO”Ảnh: MAINICHI

Truy tìm "thủ phạm"

Đến thời điểm này, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản chưa có thông tin chính thức về vụ việc có liên quan đến người Việt hay không. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ một doanh nghiệp (DN) phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, "thủ phạm" có thể là một du học sinh người Việt, đã tùy tiện viết bậy khi đến thăm di tích. Cảnh sát Nhật Bản đang truy lùng người này. Nếu bị bắt, ngoài phạt tiền với mức rất nặng, có thể lên tới mức 200 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy tố, phạt tù trước khi bị trục xuất về nước.

Hiện có hơn 150.000 du học sinh, lao động Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Điều đáng lo ngại là số lượng du học sinh, lao động được đưa sang Nhật Bản tăng nhanh những năm qua kéo theo những phức tạp xã hội. Nạn trộm cắp cùng các hành vi trái thuần phong mỹ tục, ứng xử kém văn hóa nơi công cộng trong cộng đồng người Việt xảy ra khá phổ biến.

Ông Trần Tiến Duy, Phó Giám đốc Công ty Nhật Huy Khang, cho rằng thời gian qua, các vụ việc vi phạm pháp luật nước sở tại như trộm cắp trong siêu thị hoặc hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng… xảy ra nhiều ở nhóm đối tượng du học sinh. Vì lý do này, chính phủ Nhật Bản đang siết chặt quy định về tiếp nhận du học sinh. Riêng hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản của Việt Nam, do có mục đích rõ ràng lại bị ràng buộc hợp đồng, chịu sự quản lý của DN phái cử, bản thân người lao động được giáo dục định hướng kỹ trước khi đi nên những hành vi như trên rất ít xảy ra.

"Dù vậy, từ vụ việc trên, các DN phái cử thực tập sinh cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục định hướng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi để tránh các vụ việc tương tự" - ông Duy nói.

Phải giữ thể diện quốc gia

Ông Lê Long Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho rằng hành vi vẽ bậy của "A Hào" nào đấy không chỉ xâm hại nghiêm trọng di tích quốc gia mà còn xúc phạm đến tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Nhật Bản.

Theo ông Sơn, người Nhật ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Thần đạo. Họ xem đá, núi, cây, kể cả cáo, gấu, người quá cố... như thần linh che chở trước mọi tai ương. Ở mỗi góc phố, con hẻm, người dân lập bàn thờ thần, giống như ở Việt Nam thờ ông Địa vậy. Một cây cầu màu đỏ bắc qua sông cũng trở thành nơi tôn nghiêm, phải đi nhẹ nói khẽ... Vẽ gì lên đá, lên vách núi, lên cầu, ở chỗ người dân thể hiện tín ngưỡng, tâm linh là phạm đến thần thánh.

Tiếc là ý thức của một bộ phận người Việt khi sang Nhật Bản, nhất là giới du học sinh quá kém. Trộm cắp, sinh hoạt tùy tiện, bắt chó mèo ăn thịt như không có gì xảy ra. Ngay như nước bạn cấm bắt cá sông ăn (vì chưa xử lý vi chất) nhưng nhiều người vẫn cứ làm rồi lên Facebook khoe chiến tích. Đã có không ít người vì những hành vi này mà bị xử phạt, bị trục xuất về nước... "Người Việt vốn có truyền thống văn hóa tốt đẹp mà các bạn trẻ khi sang Nhật hay đến bất kỳ quốc gia nào, cần phải có ý thức gìn giữ. Tuân thủ pháp luật nước bạn chính là giữ thể diện cho quốc gia, dân tộc" - ông Sơn nói.

Người vẽ bậy lên tàu trên cao có thể bị tù chung thân

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của người vẽ sơn lên đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông là hành vi phạm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ BÌNH - DUY QUỐC ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN