Vây tài xế ôtô đòi bồi thường 400 triệu: Tư duy hoang dã "xe to đền xe bé"
Cả bản vây tài xế ôtô đòi bồi thường 400 triệu sau tai nạn là điển hình tư duy "xe to đền xe bé", thiếu thượng tôn pháp luật, có phần hoang dã.
Người nhà nạn nhân và người dân địa phương vây đòi tài xế ôtô bồi thường 400 triệu đồng mới cho cơ quan chức năng vào khám nghiệm hiện trường
Vụ việc người nhà nam học sinh tử vong trong vụ TNGT trưa 1/3 trên QL4D qua Lào Cai cùng người dân địa phương vây tài xế ô tô bắt bồi thường 400 triệu đồng đang gây bức xúc trong dư luận. Bởi dù cơ quan chức năng chưa kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn, nhưng thông tin sơ bộ ban đầu, nạn nhân chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, khi điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao và đâm trực diện vào xe ô tô gây tai nạn thảm khốc.
Theo báo cáo số 154/BC-CAH của Công an huyện Sa Pa, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 11h40, ngày 1/3, tại Km108 + 600, QL4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa. Vào thời điểm này, Hạng A Câu (SN 2004, trú tại xã Sa Pả) điều khiển xe máy BKS 24B2 - 150.50 lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa và đâm trực diện vào ôtô 4 chỗ BKS 24A - 029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1989, trú Tp. Lào Cai) điều khiển chạy hướng Sa Pa - Lào Cai.
Cú va chạm mạnh khiến xe máy bị văng ra và va vào xe chở khách BKS 29B - 613.99 của hãng Sao Việt, lưu thông hướng Lào Cai - Sa Pa (cùng chiều với xe máy) khiến Hạng A Câu tử vong tại chỗ, cả xe máy và xe ô tô 24A - 029.19 đều bị hư hỏng nặng. Báo cáo số 154/BC-CAH của Công an huyện Sa Pa cũng ghi rõ: Chưa có nguyên nhân vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn khiến người nhà nạn nhân và người dân địa phương vây kín tài xế ô tô đòi bồi thường 400 triệu đồng trong khi nạn nhân điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không đội MBH, chạy tốc độ cao và đâm trực diện vào đầu ô tô con
Thế nhưng, ngay sau khi xảy ra vụ việc, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã kéo ra hiện trường đòi tài xế ôtô 24A - 029.19 phải bồi thường 400 triệu đồng mới cho cơ quan chức năng vào để khám nghiệm hiện trường làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Dù lực lượng chức năng xã Sa Pả, Công an huyện Sa Pa đã đến hiện trường vận động gia đình người bị nạn và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cố tình vây đòi giữ nguyên hiện trường và yêu cầu phải bồi thường ngay, nên đã cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Trước yêu cầu của gia đình người bị nạn, các bên liên quan đã tạm ứng số tiền 200 triệu đồng để tổ chức tang ma cho nạn nhân.
Vụ việc này dấy lên những luồng tranh luận nhiều chiều, chủ yếu là ý kiến phản đối cách ứng xử thiếu tính thượng tôn pháp luật, có phần hoang dã của người nhà của nạn nhân TNGT và người dân địa phương và một lần nữa, câu chuyện “xe lớn đền xe bé” trong tham gia giao thông lại được đưa ra bàn thảo, mổ xẻ.
Bởi đây cũng không phải là lần đầu tiên, tư duy “xe lớn đền xe bé” được người dân tuỳ tiện áp dụng. Trước đó, ngày 10/7/2017, tại Km 1693+500 trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk, có 2 thiếu niên không đủ tuổi lái xe máy, không MBH, không bằng lái, uống rượu say phóng sang làn ngược chiều, không làm chủ tốc độ tông thẳng vào ô tô và tử nạn. Dù Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea H'Leo quyết định không khởi tố vụ án vì lỗi thuộc về 2 thiếu niên và chủ ô tô đã hỗ trợ ma chay hai nạn nhân 30 triệu đồng vì tình người, nhưng gia đình hai nạn nhân vẫn khởi kiện ra tòa, đòi chủ ô tô bồi thường 461 triệu. Trong khi đó, chủ xe ô tô không hề vi phạm pháp luật ATGT và nếu đúng luật, anh có quyền khởi kiện 2 thiếu niên đã tông vào xe mình và gây nên thiệt hại.
Người nhà nạn nhân và người dân vây kín hiện trường vụ tai nạn, dù lực lượng chức năng đã nỗ lực giải thích. Ảnh: Nguồn Otofun
Dường như, tâm lý người đi xe máy, mặc nhiên là nghèo hèn, khổ cực hơn người đi ô tô. Nên cứ xảy ra va chạm, tai nạn, chưa biết đúng sai, phải trái, sẽ ngay lập tức thấy người nhà, người đi đường, người kinh doanh buôn bán quanh đó... quây lấy, bắt đền chiếc ô tô, kiểu mặc định “cứ đi ô tô là sai, là có nhiều tiền, là mặc nhiên phải đền người đi xe máy?”.
Rồi ngay khi lực lượng chức năng đến giải quyết, vẫn thường theo lối duy tình, để các bên tự nói chuyện, giải quyết êm xuôi với nhau. Và chính người đi ô tô, ngay cả khi mình không đi sai, cũng dễ dàng thỏa hiệp với cách làm đó, miễn là cho êm xuôi mọi việc, có người thì tặc lưỡi: “Thà mất tiền còn hơn dính líu vào pháp luật, “được vạ, má đã sưng” vì nếu quyết theo đuổi vụ việc sẽ vừa mất thời gian, vừa đi lại tốn kém, phiền hà”. Từ sự duy tình đó, sẽ dẫn đến tư duy “xe lớn đền xe bé”, dẫn đến ý nghĩ: “cứ đi, không ai dám đâm mình” đóng đinh trong đầu óc không ít người.
Trong vụ việc cả bản bắt vạ, đòi ô tô bồi thường 400 triệu đồng sau tai nạn ở Lào Cai, đại diện Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết: Việc hỗ trợ 200 triệu đồng cho gia đình em Hạng A Câu là để gia đình tổ chức ma chay cho nạn nhân. Quan điểm của Ban ATGT tỉnh là cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ ai đúng, ai sai để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu Sở GD&ĐT báo cáo việc để học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy tham gia giao thông gây tai nạn.
Đúng là cần phải có thái độ kiên quyết từ các cơ quan pháp luật trong vụ việc này cũng như những vụ việc tương tự, thì mới xoá được “luật bất thành văn”: Xe to đền xe bé, ô tô, xe máy đền người đi bộ khi xảy ra tai nạn. Và khi chấp pháp nghiêm minh, thì mọi người dân mới có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông, từ đó kéo giảm vi phạm và tai nạn giao thông trên mọi cung đường.
Nhận tin người thân bị tai nạn tử vong, hàng trăm người kéo ra hiện trường đòi 400 triệu đồng tiền bồi thường mới...