Vào rừng mai phục "hậu duệ Lão Tôn"

Nhiều chuyên gia cho rằng ở Việt Nam, những cánh rừng hoang sơ của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là nơi thú vị nhất để mai phục, nhìn ngắm các loài thú hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; chứng kiến những trò quái đáng yêu và cũng có phần đáng ngại của chúng.

Bẻ cò khi vào cửa rừng

Mới hơn 4 giờ sáng, 4 du khách đi tour xem thú hoang dã đã nai nịt gọn gàng chuẩn bị xuất phát với sự hướng dẫn của anh Chung Giáo Đức - tổ trưởng hướng dẫn viên (HDV) thuộc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường VQG Cát Tiên.

“Chúng ta sẽ đến khu vực nào của Vườn?” - John Smith hỏi. “Tùy cơ ứng biến thôi! Cứ đi rồi sẽ biết bạn ạ!” - anh Đức trả lời có vẻ bí mật rồi hướng dẫn mọi người thoa thuốc chống muỗi, vắt; nhắc nhở phải đi đứng nhẹ nhàng và giữ im lặng khi vào vương quốc của hậu duệ Tề thiên.

Đêm cuối tháng không trăng không sao, trời tối đen, rừng núi khá tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng muỗi vo ve và côn trùng nỉ non.

Các du khách lăm lăm máy ảnh trong tay, từng người một nối tiếp nhau bám theo anh Đức; căng mắt nhìn theo vệt sáng phát ra từ chiếc đèn pin. Bỗng anh dừng lại, rọi đèn vào một cành cây ven đường.

Vào rừng mai phục "hậu duệ Lão Tôn" - 1

Khỉ chuyền cành. Ảnh: VQG Cát Tiên.

“Chim vàng anh đẹp quá!” - Thu Lan thốt lên khi nhìn thấy chú chim có bộ lông vàng óng đang rúc đầu vào cánh ngủ ngon lành. Nhiều tiếng xuýt xoa vang lên cùng ánh sáng chớp nháy liên hồi của đèn flash khiến chú chim giật mình tỉnh giấc.

Cái đầu be bé với chiếc mỏ hồng hồng xinh xinh nghiêng ngó xung quanh chừng vài giây rồi bay biến vào bóng đêm. Anh Đức cho biết đó là chim oanh hay còn gọi là hoàng anh, vàng anh Trung Quốc với tên khoa học là Oriolus chinensis.

Sau khi hướng dẫn một vài biện pháp phòng tránh thú dữ, anh Đức nhắc nhở mọi người bám sát nhau để khỏi bị lạc.

“Rừng thì mênh mông với nhiều đường ngang lối tắt bởi thế vào tới cửa rừng thì bắt đầu bẻ cò ngay để tránh bị lạc, nghĩa là bẻ những nhánh cây nhỏ ven đường sao cho phần đầu cành quặt về phía trước. Lúc trở ra thì theo hướng ngược lại của phần đầu cành này. Ngoài ra, trong đêm tối, muốn xác định phương hướng thì soi đèn vào thân cây. Phía mặt nhẵn sáng của thân cây là hướng đông bởi nơi đó thường được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, còn mặt sẫm màu và bám nhiều rong rêu là hướng tây” - anh Đức nói.

Rình xem những loài linh trưởng bản địa quý hiếm, nguy cấp

Đoàn tiếp tục lên đường, thảng hoặc chú chồn đuôi dài chuyền cành hay cô mèo rừng lưng vằn vện tuyệt đẹp chạy ào trước mặt khiến nhiều người giật mình nhưng vô cùng phấn khích.

Anh Đức ra hiệu cho mọi người dừng bước và quan sát cành cây phía bên trái đường. Ánh sáng đèn soi rõ chú cu li bé xíu chỉ khoảng 350g nhưng đôi mắt thật to và tròn xoe; bộ lông mềm mại màu hung nâu xen kẽ trắng bạc; dọc theo sống mũi có vết trắng, còn dọc sống lưng có vệt màu đỏ thẩm. Sau một hồi lấy tay che mặt, chú chậm chạp bò sang cành khác.

Vào rừng mai phục "hậu duệ Lão Tôn" - 2

Cu li nhỏ. Ảnh: VQG Cát Tiên.

Cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus là 1 trong 103 loài động vật quý hiếm ở VQG Cát Tiên có tên trong sách đỏ.

Loài linh trưởng này hầu như bị mù với ánh sáng nên ban ngày thường cuộn tròn mình lại và ngủ trong lùm cây; ban đêm bò ra ăn quả, lá non, côn trùng, trứng chim hoặc chim non trong tổ.

Là loài di chuyển chậm chạp và dễ nuôi nên cu li bị săn lùng ráo riết làm thú cảnh hoặc lấy bộ da làm thú nhồi để trang trí.

Cu li nhỏ thường sống riêng lẻ, di chuyển chậm chạp và hầu như không có khả năng tự vệ, do đó sự tồn tại hàng triệu năm qua của loài này giữa bao nhiêu thiên địch quả là điều bí ẩn.

Khoảng 5 giờ 30’ sáng, bóng đêm tan dần, rừng nguyên sinh bạt ngàn mở ra trước mắt. Thì ra cả đoàn đang rình xem các loài linh trưởng hoang dã trong khu rừng cổ thuần chủng với những cây bằng lăng hàng trăm năm tuổi, da giống da ổi.

Rừng bằng lăng đang thay lá nhú ra nhiều tược non - món khoái khẩu của các loài khỉ, vượn… Chuỗi tiếng hú lanh lảnh chợt vang lên phá tan sự yên tĩnh của khu rừng.

“Đó là tiếng hú của một loài thú bản địa đang bị đe dọa tuyệt chủng - vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae)” - anh Đức thì thào.

Ai nấy như ngừng thở vì hồi hộp khi cành cây cách đó khoảng 50m bị rung lắc mạnh. Một con vượn đực nặng chừng 6 kg đột ngột xuất hiện đu đưa trên cành rồi chuyền từ cành nọ sang cành kia như làm xiếc.

Chú vượn này có bộ lông dày và mềm màu đen; hai má có hai đám lông màu vàng nhạt; đỉnh đầu có đám lông màu thẫm dựng đứng như cái mào. “Loài này thường hay kêu hú và hoạt động tích cực nhất vào sáng sớm hoặc chiều tối; trưa và ban đêm chúng ngồi nghỉ trên ngọn cây” - anh Đức hào hứng nói và cho biết hiếm khi rình xem được cả 2 loài linh trưởng quý hiếm trong mấy tiếng đồng hồ xuyên rừng như hôm nay.

Vào rừng mai phục "hậu duệ Lão Tôn" - 3

Vượn đen má vàng đực. Ảnh: EAST.

HDV Đỗ Ngọc Thắng cho hay VQG Cát Tiên còn có một số loài linh trưởng bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như voọc bạc (Trachypithecus cristatus), voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes)... Đặc biệt voọc chà vá chân đen với cái đuôi màu trắng ngộ nghĩnh; khôn lanh và cũng yêu thương, gắn bó với bố mẹ không kém gì con người.

Thế nhưng vì giá trị thẩm mỹ và linh dược nên đây là một trong những loài bị săn bắt, giết hại dã man nhất không chỉ ở VQG Cát Tiên.

Mỗi khi bước vào lãnh địa của voọc chà vá chân đen, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ lại câu chuyện mà cán bộ kiểm lâm từng kể: Muốn bắt chú chà vá con xinh xắn, gã thợ săn đã bắn chà vá mẹ. Mặc dù bị thương nhưng mẹ vẫn gắng gượng ôm con chuyền cành và hú gọi chà vá bố.

Chà vá bố bỏ dở việc kiếm mồi tức tốc quay về đỡ lấy con. Đến lúc đó, chà vá mẹ mới ngừng kêu và tắt thở. Gã thợ săn tiếp tục rượt đuổi bắn chết chà vá bố rồi bắt và xích con non lại mang đi nhưng sau đó, chà vá con tự cắn đứt chân mình để thoát xích tìm về nơi bố mẹ bị bắn chết.

Những trò quái của hậu duệ Tề thiên

Trời sáng hẳn, tiếng hú gọi bầy, gọi bạn của các loài thú vang cả khu rừng. Trên đường trở ra, chúng tôi gặp những chàng hậu duệ Tề Thiên thoăn thoắt chuyền cành, hái lá non, bẻ trái sung cho cô vợ cõng con lẽo đẽo theo sau. Thấy có người, chúng thoắt ẩn, thoắt hiện trong những tán cây. “Lũ khỉ này nghịch ngợm, phá phách dữ lắm!” - anh Đức nói.

Đôi khi chúng tràn ra rẫy bắp của nông dân sống gần VQG Cát Tiên bẻ trái. Bẻ xong một trái, chúng kẹp vào nách rồi bẻ trái khác. Vì vừa bẻ bắp vừa nhảy nhót đùa giỡn nên bắp liên tục bị rơi xuống đất. Chúng cứ bẻ mãi bẻ mãi, nhiều khi chỉ cần 2 trái nhưng bẻ sạch cả rẫy.

Vào rừng mai phục "hậu duệ Lão Tôn" - 4

Mẹ con nhà vượn. Ảnh: EAST.

“Lần khác, một con khỉ lẻn vào lấy trộm chiếc radio của trạm kiểm lâm Bến Cự rồi leo lên cây bằng lăng ngồi. Anh kiểm lâm đòi lấy đá chọi con khỉ nhưng tôi can lại vì sợ rằng khỉ sẽ dùng chiếc radio ném trả. Tôi khuyên anh tìm mấy trái chuối để dưới gốc cây. Khoảng 15 - 20 phút sau, khỉ chạy xuống lấy chuối, bỏ chiếc radio lại” - anh Đức vui vẻ kể.

Anh còn cho biết thú rừng hiếm khi tấn công con người trừ khi cảm thấy bị đe dọa, nguy hiểm. Khoảng 10 năm trước, người đàn ông dân tộc Mạ dắt chó nhà xuyên rừng. Gặp con cà héc (họ khỉ), chú chó nhảy chồm lên sủa ầm ĩ.

Con cà héc to lớn (nặng chừng 15-20kg) hú gọi bầy rồi từ trên cành cây vói xuống nắm tai chó xách lên. Lũ cà héc xúm tới, con này tán qua, con kia tán lại cho đến khi chú chó chết mới thôi.

Cũng trong thời gian đó, gia đình nông dân Trần Hữu Đức sống gần VQG Cát Tiên nuôi đàn gà. Khi gà đang ấp trứng thì khỉ lẻn vô trộm trứng.

Anh Hữu Đức tức giận đánh què chân khỉ. Vài tuần sau, khi đã lành vết thương, khỉ quay lại quào mặt 2 bé gái sinh đôi 5 tuổi (con anh Hữu Đức) đang nằm ngủ.

Nghe tiếng kêu khóc của các cháu, người lớn chạy đến xua đuổi khỉ để giải cứu. Có lẽ vì sống gần con người nên loài thú lây bản tính thù hằn, trả đũa?!

Rừng nhiệt đới nguyên sơ, trong lành với nhiều loài thú độc, lạ, quý hiếm cùng những câu chuyện thú vị của các HDV đã mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên.

Theo ông Nguyễn Đình Quốc Việt - Phó giám đốc Trung tâm, năm 2012 có 20.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan VQG Cát Tiên, trong đó tour xuyên rừng ngắm thú hoang được ưa chuộng nhất.

Điều đáng nói, dẫu có hàng ngàn loài động, thực vật nhưng không nhờ vào kỹ năng và linh cảm đặc biệt của các HDV thì cũng khó nhìn thấy chúng giữa khu rừng rộng hàng chục ngàn hecta này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Anh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN