Vào nơi yên nghỉ của 100 'ngài' cá Ông

Sự kiện: 24h vạn dặm

Qua thời gian, những lớp phong rêu đã phủ bám xung quanh khiến ngôi mộ càng trở nên hoang sơ đầy bí ẩn. Trong tâm thức ngư dân nơi đây, cá Ông (cá voi) chính là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương.

Ông Võ Văn Hạ chia sẻ những câu chuyện về “vị thần hộ mệnh” của ngư dân miền biển

Ông Võ Văn Hạ chia sẻ những câu chuyện về “vị thần hộ mệnh” của ngư dân miền biển

Điềm lành và phúc đến

Trong một lần về phố biển Cửa Lò, tôi được nghe câu chuyện ly kỳ về nghĩa địa cá Ông. Tò mò lẫn hoài nghi, tôi quyết định một lần mục sở thị để thực hư về sự tích kỳ bí của nghĩa trang này. Nằm trong khuôn viên của đền Làng Hiếu (thuộc khối Hải Thanh, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), nghĩa địa cá Ông là nơi chôn cất 100 bộ hài cốt cá Voi.

Qua thời gian, những lớp phong rêu đã phủ bám xung quanh khiến ngôi mộ càng trở nên hoang sơ đầy bí ẩn. Trong tâm thức ngư dân nơi đây, cá Ông chính là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương.

Hơn 20 năm trông coi đền Làng Hiếu, ông Võ Văn Hạ (74 tuổi) nói ngôi đền này có tuổi thọ khoảng 300 năm, là nơi thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thôn. Đặc biệt, đền thờ cá Ông với quan niệm là vị thần hộ mệnh mỗi khi ngư dân bám biển.

Cũng vì luôn tôn kính các “ngài”, nên từ bao đời nay, mỗi khi phát hiện ra xác cá Ông trôi dạt vào bờ, người dân đều đưa về đây chôn cất với tấm lòng thành kính. Năm 2011, người dân góp tiền, góp sức trùng tu nghĩa trang.“Ngư dân ở đây tâm niệm, tuyệt đối không săn bắt hay ăn thịt cá voi. Khi gặp cá voi mắc cạn phải ra sức cứu giúp và đưa cá về với biển”, ông Hạ nói.

Nghĩa trang đặc biệt, nơi chôn cất 100 bộ hài cốt cá Ông ở xứ Nghệ

Nghĩa trang đặc biệt, nơi chôn cất 100 bộ hài cốt cá Ông ở xứ Nghệ

Người đàn ông trông coi khu nghĩa trang đặc biệt này cho hay, nếu như trước đây, ngư dân chủ yếu quan sát những hiện tượng tự nhiên như nhìn mây, nghe tiếng sấm trên biển để đoán gió bão thì ngày nay, họ đi biển với một tâm thế đầy tự tin. Bởi lẽ, ngư dân đã được trang bị nhiều phương tiện, thông tin hiện đại để liên lạc với đất liền. Mỗi ngày mỗi giờ ngư dân đều cập nhật tình hình thời tiết, tránh được những hiểm họa từ thiên nhiên ngoài biển khơi.

Hơn nữa, nhiều hộ sắm được thuyền to máy tốt vươn đến ngư trường xa, lênh đênh trên biển dài ngày, không lo chuyện lương thực, nước uống, nhiên liệu, vì đã có tàu hậu cần tiếp tế. Những chuyến đi thường kéo dài vài tháng trời.

“Trong tâm thức của các ngư dân, cá Ông là loài cá linh thiêng, là vị thần phù hộ cho họ được xuôi chèo mát mái. Vì thế, những tục lệ liên quan đến cá Ông đến ngày nay vẫn được mọi người duy trì, thực hiện bằng cả tấm lòng thành”, ông Hạ kể.

Chia sẻ thêm về mối quan hệ giữa ngư dân nơi đây với cá voi, ông Hạ nói rằng, người dân miền biển ai nấy đều tôn kính “ngài”. Những ngày trời yên biển lặng, cá Ông chào đón những chiếc thuyền ra khơi một cách hồ hởi như đón người thân trở về nhà. Đàn cá lướt theo mạn thuyền vừa phun nước vừa quẫy đuôi, tung tăng bơi lội nghịch ngợm, làm trò trên biển.

Khi ngư dân hô “đua hè” thì lập tức cá Ông cùng thuyền tăng tốc rượt đuổi nhau như một cuộc marathon trên biển. Khi gió bão biển động sóng cồn, thuyền chao đảo ngả nghiêng, chỉ cần vái gọi, các “ngài” cá Ông liền xuất hiện, đưa tấm thân khổng lồ dìu dắt những thuyền bè đang gặp nạn vào bờ an toàn.

“Hàng năm, những gia đình thờ cá Ông tổ chức làm giỗ, đến đền thắp hương, khấn mời như người trong nhà. Khi gặp cá voi chết và dạt vào bờ, họ xem đó là điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất này được thần cá chọn làm nơi yên nghỉ, được thần cá tin tưởng phó thác việc an táng”, ông Hạ tâm sự.

Sức sống tâm linh

Trong số nhiều ngôi mộ cá voi được chôn cất, có một ngôi mộ đặc biệt hơn cả. Đây là phần mộ, lăng thờ thần cá. Tương truyền, đây là “ông cá” đầu tiên được an táng tại đền từ thế kỷ 19. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán “Lăng Thần Ngư”.

Ông Hạ kể, xưa vùng Cửa Hội thường xuất hiện một con cá voi to như chiếc tàu, đã cứu vớt được rất nhiều ngư dân bị nạn. Khi “ngài” mất, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng tới 60 đôi chiếu để đắp nhưng vẫn không kín thân.

Lễ an táng ngài diễn ra vô cùng long trọng với sự tham gia của rất đông người dân miền biển. Về sau, bộ xương của cá Ông được cất táng vào lăng chính của khu nghĩa trang. Cho đến hôm nay, hài cốt của “ngài” vẫn đang nằm trong ngôi mộ lớn này. Đây là phần mộ linh thiêng nhất ở nghĩa trang.

Để thể hiện lòng tôn kính đối với cá Ông và các vị thần linh, cứ 2 năm một lần, nhằm ngày 14/3 âm lịch, người dân phường Nghi Hải lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mong thuyền chài đánh bắt được nhiều tôm cá.

Theo các vị cao niên trong làng, lễ hội Cầu Ngư là điểm nhấn quan trọng, tín ngưỡng tâm linh, tạo nên nét văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng của vùng biển Cửa Lò. Đây còn là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.

Hàng năm, vào các ngày rằm, ngày đầu tháng, có rất đông người tìm đến nghĩa trang này để thắp nén hương lên các phần mộ cá Ông. Họ cầu xin bình an, công việc gặp nhiều may mắn. Có thời điểm, khu nghĩa trang đón tiếp hàng trăm khách mỗi ngày. Những ngày lễ, số lượng khách viếng thăm lên đến vài nghìn người.

Gia đình 4 đời làm ngư phủ, nhưng ký ức sâu đậm nhất trong những lần ra khơi của ngư dân Nguyễn Văn Lộc (56 tuổi) có lẽ là khoảnh khắc bắt gặp cá Ông bị chết, trôi dạt trên biển.

“Năm 1989, trong lần ra biển đánh bắt thủy hải sản, đang kéo lưới thì thấy lưới nặng lạ thường. Cố hết sức kéo lưới lên mới biết là gặp cá Ông. Tôi nhẹ nhàng đẩy cá Ông ra khỏi lưới. Nhưng rồi cá Ông lại tiếp tục dựa thân mình vào lưới. Tôi biết là “ngài” muốn được lụy bờ để yên nghỉ. Vậy là tôi cùng anh em dìu “ngài” vào đất liền, an táng theo phong tục địa phương. Mấy hôm sau, tôi ra biển đánh bắt trúng đậm nhiều mẻ cá lớn. Chừng năm sau, tôi lại một lần nữa gặp cá Ông, lại dìu ngài vào bờ.

Sau 2 lần đưa cá Ông về chôn cất tại đền Làng Hiếu, gia đình đã lập 2 bàn thờ, làm giỗ, thờ phụng như người thân của mình. Cứ mỗi lần có giỗ “ngài”, gia đình lại làm vài mâm cỗ, sau khi cúng xong thì mời bà con hàng xóm đến hưởng lộc”, ông Lộc kể.

Từ một sinh vật khổng lồ, cá voi được huyền thoại hóa qua chuyện cứu người gặp nạn trên biển và trở thành vật linh thiêng đối với ngư dân miền Trung. Việc thờ cá Ông vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận. Họ coi đó như một cách đền ơn, đáp nghĩa theo luật nhân quả. Trải qua bao mùa biển, cá Ông đã chứng kiến bao nước mắt, nụ cười của những cuộc chia li, đoàn tụ của những phận người gắn với đại dương.

Nguồn: [Link nguồn]

Bình Thuận: Một “cá Ông” khổng lồ lụy bờ

Sáng nay (30-5) lãnh đạo UBND Phường Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết ngư dân địa phương vừa đưa một xác “cá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.H ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN