Canh từng nhịp thở, tắm gội, an ủi bệnh nhân COVID-19
Đưa bàn tay vỗ nhẹ trên lưng bệnh nhân COVID-19, nam điều dưỡng ân cần: “Bác thấy dễ thở hơn chưa?”. Ông cụ nằm im lặng trên giường, anh vẫn một tay vỗ nhẹ vào lưng bệnh nhân động viên: “Bác cố gắng lên nhé!”.
Những ngày qua, nhiều đêm không tròn giấc, những bữa ăn vội, lạnh ngắt đã thành quen với các y bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Quân y 175 (TP.HCM). Gác nỗi niềm riêng, các thầy thuốc dành hết tâm sức chỉ để ưu tiên vừa điều trị vừa trở thành những người thân của người bệnh để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ hồi sinh.
Quay cuồng cứu chữa, không quãng nghỉ
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các y bác sĩ chỉ nhận ra nhau bằng dòng tên sau lưng áo. Vào ca, họ rảo bước vòng quanh các giường bệnh, kiểm tra các chỉ số trên hệ thống máy hồi sức đang kêu “tít tít” liên hồi.
“Sáng giờ cô ăn uống được không? Tiểu ra bình thường không? Nay cô có đau đầu không?” - một bác sĩ cầm trên tay cuốn sổ ghi chép hỏi bệnh nhân (BN).
Trên giường bệnh, người phụ nữ giọng yếu ớt nói: “Ăn được và không đau đầu”. Bác sĩ đáp lại: “Ráng lên nha cô!” rồi rời phòng bệnh.
Những lời hỏi thăm, động viên của các y bác sĩ đôi khi trôi vào im lặng khi mà nhiều BN mệt không thể nói hoặc không buồn nói, chỉ đáp lại bằng những ánh mắt thẫn thờ xen lẫn sự cực nhọc của những ngày chiến đấu bên giường bệnh.
Thượng tá, BS CKII Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa hồi sức tích cực, chia sẻ BN chuyển đến đây có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương, có người không biết thân nhân là ai, có gia đình năm người thì cả năm người đều mắc COVID-19, từ người già đến trẻ nhỏ. Lúc này, đội ngũ nhân viên y tế không chỉ đảm nhận vai trò điều trị mà còn trở thành người thân của họ để có sự hỗ trợ tốt nhất về mặt sức khỏe, tinh thần cho người bệnh, giúp họ sớm hồi phục và mau trở về nhà.
“Hôm đầu tiên, BN BTT được vào nhập viện cùng với chồng. Cả gia đình BN T. có năm người đều mắc COVID-19. Khi nhập viện, BN này có tình trạng bệnh nặng, suy hô hấp. Người chồng không cần thở ôxy. Do triệu chứng nhẹ nên người chồng được chuyển xuống “tầng” khác phù hợp hơn để điều trị. Tuy nhiên, rất tiếc chỉ sau bốn ngày, con gái BN gọi báo cho chúng tôi chồng BN đã tử vong.
Tình hình BN BTT rất nguy kịch nên được chúng tôi tiến hành đặt nội khí quản và lọc máu liên tục, rất may mắn là hiện bà đã thở được. Đó là kỳ tích đối với BN và với cả những bác sĩ như chúng tôi. Khi nhận BN này, chúng tôi chưa thành lập Trung tâm điều trị hồi sức nên nhận bệnh và điều trị ở Khoa truyền nhiễm, lúc đó BN rất nguy kịch. BS Bạch đã chiến đấu cùng BN BTT từ những ngày đầu tiên, lúc đó một ngày bà T. thở hết sáu bình ôxy” - Thượng tá, BS CKII Vũ Đình Ân nói.
Tại BV này, công việc cuốn các bác sĩ, điều dưỡng vào chuỗi ngày tiếp nối, không quãng nghỉ. Làm việc theo ca nhưng khi có trường hợp cần hỗ trợ, ai cũng sẵn sàng chung tay, bất kể ngày đêm. Do công việc đặc thù, bác sĩ làm luôn phần việc của điều dưỡng, điều dưỡng thì kiêm luôn hộ lý, miễn sao cứu được càng nhiều BN càng tốt.
Y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 tình trạng nặng và nguy kịch tại BV Quân y 175. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Em còn trẻ, làm được gì thì phải làm ngay cho xã hội”
Dù mới vào làm việc hơn một tuần, cô sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp Trường CĐ Y tế Đồng Tháp đã thuần thục các bước theo dõi, chăm sóc cho BN. Đồng nghiệp nhận diện cô điều dưỡng trẻ này bằng dòng chữ “Ngân 99” trên áo để phân biệt với một người đồng nghiệp khác cùng tên. Ngân cho biết từ lúc quyết định tham gia vào tuyến đầu, nhà Ngân khá lo lắng nhưng cũng rất ủng hộ con gái. “Em chỉ nói với cha mẹ một câu thôi, em còn trẻ, còn nhiều thời gian để ở bên gia đình nhưng nhiều người chỉ còn vài ngày, thậm chí là vài giây, vài phút để được sống, lúc này em làm được gì thì phải làm ngay cho xã hội” - Ngân bộc bạch.
Không chỉ có Ngân mà bất kỳ ai khi bước vào cuộc chiến chống dịch cũng gác lại những nỗi lo lắng để toàn tâm toàn ý chiến đấu cùng với BN.
BS Tạ Văn Bạch (BV Quân y 175) chia sẻ: “Điều trị cho BN COVID-19 có nhiều áp lực: Nguy cơ lây nhiễm, áp lực BN trở nặng, việc điều trị cho BN nặng thì lâu và dai dẳng hơn. Động lực lớn nhất với tôi là được nhìn thấy BN hồi phục, xuất viện trở về. Có không ít lần tôi cảm thấy đau lòng khi không cứu được BN, phải chứng kiến cảnh các gia đình mất đi người thân, có nhiều cảm xúc đan xen lắm. Nhưng chỉ trong phút chốc thôi, sau đó tôi phải lấy lại tinh thần để tiếp tục làm việc”.
Hết ca, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ mặc suốt nhiều giờ liền, người nào trên khuôn mặt cũng hằn in những vết dấu. Mặc dù công việc bận rộn nhưng mỗi người đều cố gắng tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi khi giao ca dành cho việc nghỉ ngơi, lấy lại sức để tiếp tục cuộc chiến đầy căng thẳng và kéo dài này. Bởi với họ, giờ đây chỉ có một mong muốn duy nhất: Chiến thắng dịch bệnh để trở về bên gia đình và người thân của mình.
“Cũng rất lâu rồi tôi chưa về với gia đình, rất nhớ quê hương, nhớ hàng xóm. Mong rằng dịch qua đi, mình có cơ hội về nhà được ăn bữa cơm gia đình, ngồi nói chuyện với cha mẹ” - BS Tạ Văn Bạch tâm tình.
Chăm lo cho bệnh nhân như con cháu trong nhà Điều dưỡng Phạm Văn Minh chia sẻ: “Bọn em chăm sóc sức khỏe BN, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, nếu có gì bất thường sẽ báo cáo nhanh cho bác sĩ. Một ngày tắm cho BN một lần, vệ sinh răng miệng, cho ăn uống theo chế độ của BV. Bọn em cũng cố gắng hòa nhập với BN, không tạo cho họ cảm giác có khoảng cách… Có những lúc BN muốn về nhà, bọn em cố gắng giống như con cháu trong nhà, trò chuyện với các cô chú để họ xua đi nỗi buồn…”. |
4 bác sĩ và 9 điều dưỡng phối hợp tận lực trong mỗi ca trực Mỗi ca trực tại BV 175 gồm một bác sĩ hành chính, hai bác sĩ trong buồng bệnh và chín điều dưỡng. Các ca trực ngày có thêm bác sĩ kiểm soát truyền nhiễm. Tại khu điều trị BN nặng, các bác sĩ điều trị đặc biệt phải lưu ý BN rất nguy kịch, cần theo dõi và xử trí hết sức khẩn trương, bởi nếu không được can thiệp kịp thời, nếu có biến chứng thì BN có thể tử vong bất cứ lúc nào. |
Nguồn: [Link nguồn]
Những ngày điều trị COVID-19 là những kỷ niệm khó quên đối với chị G. khi 7 người trong gia đình là F0.