Vàng và máu trên đường 7

Rất nhiều vàng đã bị vứt bỏ trên đường 7 trong cuộc tháo chạy vào tháng 3/1975. Gần 40 năm trôi qua, những ngày tháng loạn lạc, những món vàng đó vẫn ám ảnh người ở lại.

Tháng 3/1975, khi Tây Nguyên thất thủ, hơn 15.000 tàn quân Việt Nam Cộng hòa tháo chạy. Khoảng trên 3.000 người dân, vì nghe lời hù dọa của đám tàn binh, cũng gom góp tài sản xuôi theo đường 7 (nay là Quốc lộ 25 nối Gia Lai và Phú Yên) về đồng bằng. Trong cuộc tháo chạy ấy, rất nhiều người đã bỏ mạng vì bom rơi đạn lạc; bị giết, cướp và tự tử. Để thoát thân, nhiều người buộc phải vứt, giấu lại của cải, vàng bạc. Vàng tìm được trong cuộc tháo chạy này thường gọi là vàng 75.

Đào mộ chôn… vàng

Hỏi đường ra bến sông Thành Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa - Phú Yên), nơi ngày trước quân đội Sài Gòn bắc cầu phao cho đám tàn binh vượt sông Ba, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi: “Tìm mộ hả?”.

Mang điều thắc mắc ấy đến hỏi nhà báo lão thành Trần Lê Kha, một người gắn bó với mảnh đất Sơn Hòa, ông cười: “Chú mày không biết ư? Người ta nghi chú mày đang tìm lại vàng 75 đấy”. Thấy tôi vẫn mắt tròn mắt dẹt, ông chậm rãi khuấy nổi bọt ly cà phê, hồi tưởng: “Những ngày tháng 3 ấy, lính Sài Gòn khi chạy đến đây thì bị kẹt vì không thể qua sông. Cứ sáng sáng, người ta lại thấy có những nấm mộ mới mọc lên, cũng có bia gỗ khắc vội tên người. Cứ nghĩ đấy là mộ thật nên chẳng ai dám đụng đến. Sau này, nhiều người đến đây tìm mộ, lạ là họ chỉ bốc mộ ban đêm. Dân địa phương nghi ngờ nên đi theo rình xem, hóa ra nhiều mộ chẳng có hài cốt nào ở dưới mà chỉ có hộp, tráp đựng vàng”.

Vàng và máu trên đường 7 - 1

Sông Ba, đoạn qua Thành Hội, nơi đoàn di tản chờ bắc cầu phao vượt sông, đã giấu nhiều của cải, vàng bạc

Theo ông Kha, dọc sông Ba, đoạn từ thị trấn Củng Sơn đến Thành Hội (xã Sơn Hà) được cho là giấu nhiều vàng, của cải nhất. Khi đến đây, đám tàn quân bị bộ đội chặn đánh nên không thể tiếp tục xuôi theo đường 7, phải nằm lại hơn 1 tuần chờ viện binh bắc cầu phao vượt sông Ba. Rồi cầu phao cũng kẹt, xe không thể qua sông, kéo dài hơn 1 km. Nhiều người mang vàng bạc đi một đoạn đường dài, đến đây cũng đành giấu lại tìm cách qua sông.

Ông Lê Tấn Chinh ngày đó làm kinh doanh thực phẩm, giàu số 1 ở đất Phú Bổn (huyện Ayun Pa, Gia Lai ngày nay) đã bỏ lại nhà cửa, chất các loại tài sản quý giá lên 2 xe cẩu, đưa vợ con bỏ chạy. “Khi đến Thành Hội, xe không thể qua cầu phao, cha tôi đành vứt lại toàn bộ tài sản; vàng bạc cũng chỉ mang một ít, còn lại phải cất giấu” - ông Lê Tấn Bổn, con ông Chinh, kể lại.

Còn theo ông Nguyễn Xá (86 tuổi, ở xã Sơn Hà): “Lúc đó, tôi biết cũng có nhiều người chôn cả vàng bạc cùng với người thân. Sau này khi tìm lại hài cốt,  họ cũng tìm được vàng”.

Vàng và máu trên đường 7 - 2

Bến Thành Hội với đoàn người hàng cây số chờ qua sông Ba. Ảnh: TƯ LIỆU

Giữ của là mất mạng

Rùng mình nhắc lại những ngày thiếu sống thừa chết ấy, bà Lê Thị Cúc (huyện Tuy An - Phú Yên) cho biết ngày đó, bà cùng 3 con di tản theo chồng là lính quân y của quân đội Sài Gòn. Trên đường, bà chứng kiến một cảnh dã man để rồi quyết định giấu lại số vàng sau bao năm dành dụm.

“Lúc đó chiều rồi, có 2 người lính bước đến mẹ con người phụ nữ ngồi gần tôi yêu cầu chia bớt số vàng mang theo. Người phụ nữ có chồng vừa mất ngày hôm trước co ro, sợ hãi ôm chặt túi vải. Đột nhiên, 1 người đàn ông túm tóc người mẹ, người còn lại lôi đứa con cùng ra bìa rừng và dùng dao đâm chết họ, lấy vàng” - bà Cúc kể, nỗi ám ảnh sau mấy chục năm vẫn còn đầy trong mắt.

Ngay đêm ấy, bà Cúc bảo chồng giấu số vàng mang theo để giữ mạng. Sau này, nhiều năm chồng bà có trở lại khu vực đó tìm vàng nhưng không thấy. Rồi ông qua đời, bà cũng quên. “Của đi thay người, cả nhà giữ được mạng về đến quê là mừng lắm rồi” - bà thở dài nhẹ nhõm.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bổn và ông Võ Văn Bói hiện đang sinh sống tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh  Kon Tum khi chạy về đến đồng bằng không những trắng tay mà còn lạc mất con. Vợ chồng bà chỉ mới vừa tìm lại được con 3 năm trước.
 
“Những ngày đó thật kinh khủng. Gia đình tôi về đến Phú Yên thì chỉ còn hai bàn tay trắng, không có gì để ăn, tất cả đều vứt lại dọc đường” - bà Bổn nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã An Hiệp, huyện Tuy An) là lính Bảo an của chế độ cũ, có mặt trong cuộc tháo chạy ấy, cho biết đó chẳng khác nào một đám hỗn binh. “Ban đầu còn có hàng ngũ, quân lệnh nhưng sau mấy bận đụng độ với bộ đội, chẳng ai nói ai nghe, nhiều người ngang nhiên bắn giết, cướp bóc” - ông Thanh nhớ lại.

Lúc đó, ông vừa chạy vừa bảo vệ một người chị họ xa là chủ tiệm vàng ở Gia Lai. Nhiều lần ông khuyên chị giấu lại số vàng để chạy cho nhẹ nhưng bà không nghe. Đến khi bà kiệt sức, ông đành chạy trước để thoát thân. Sau ngày giải phóng, ông tìm lại và được hay người chị ấy đã bị giết và bị cướp sạch của cải.

Vàng bạc rất nhiều

Ông Nguyễn Ngọc Trường, nguyên đại úy bộ đội pháo binh của Sư đoàn 351, người có mặt trong đoàn quân truy quét đám tàn binh từ Tây Nguyên co cụm về đồng bằng vào tháng 3/1975, cho biết vàng bạc, của cải vứt dọc đường 7 nhiều vô số kể.

“Mang nặng là một phần nhưng quan trọng là sợ bị giết, cướp nên họ vứt hoặc giấu rất sơ sài. Chúng tôi gặp rất nhiều túi vải, tráp đựng tiền, vàng bên đường. Lúc ấy, nhiệm vụ của chúng tôi là nhanh chóng truy quét, tiêu hao sinh lực địch, không để địch co cụm về đồng bằng” - ông Trường kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN