Vàng tặc "băm nát" rừng xanh

Đường vào "đại bản doanh" khai thác vàng lậu khá khó khăn. Để vào được khu vực “đại bản doanh”, chúng tôi phải vượt qua những con đường quanh co khúc khuỷu, một bên là vách đá lởm chởm, một bên vực sâu hun hút với những khúc cua rất nguy hiểm.

Bằng chiêu thức mở một một lỗ nhỏ rồi cứ thế khoét sâu vào lòng đất và ngụy trang bằng những lán trại sơ sài, cánh “vàng tặc” đã hết lần này đến lần khác qua mắt được cơ quan chức năng sở tại rồi cứ lặng lẽ “gặm nhấm” dần tài nguyên quý báu của quốc gia. Núp bóng dưới những mục đích cao cả: trồng rừng, khai thác cát phục vụ dân sinh... hàng loạt doanh nghiệp tư nhân đã triển khai máy cơ giới hạng nặng, ngày đêm đào xới phá nát môi trường để… tìm vàng.

Phá nát thiên nhiên

Trên chuyến xe đi thực tế khắp hang cùng ngõ hẻm của vùng đất Na Rì, ông M chốc chốc lại với tay về phía xa, chỉ cho chúng tôi những mảng rừng xanh thẫm đã sạt lở những mảng lớn, trơ đất đỏ au rồi giải thích rằng tất cả những chỗ sạt lở ấy không phải do tự nhiên, mà do chính con người đang khai thác đào bới trên đó, chủ yếu để kiếm vàng.

Thấy vẻ mặt tôi bâng khuâng, ông M có lẽ tưởng tôi đang mải suy nghĩ về các mối gom vàng, vỗ vai khuyên nhủ: “Anh bạn trẻ cứ từ từ, mấy chỗ vừa rồi chẳng qua cũng chỉ là quy mô nhỏ, trữ lượng không ăn thua đâu. Chỉ một lát nữa đến sông Bắc Giang, chỗ ấy toàn quy mô lớn, tha hồ để cậu bắt mối”.

Vàng tặc "băm nát" rừng xanh - 1

Theo ông M, ở khắp tỉnh Bắc Kạn nói chung và đặc biệt 2 huyện Na Rì và Ngân Sơn nói riêng, cứ trên bộ có máng, dưới sông có tàu, các chủ vàng ngày đêm đào xới tài nguyên thiên nhiên với tốc độ khủng khiếp. “Chúng tôi làm cò con nhỏ lẻ nên hầu hết đều thủ công, một số chủ mỏ lớn còn sử dụng cả thủy ngân và cyanuare để tách vàng sa khoáng từ quặng. Những chất đó cực độc, với cả con người lẫn môi trường”, ông M cho biết.

Suốt dọc đường đi, mặc cho ông M huyên thuyên “thuyết trình” với tôi về các mỏ vàng sờ sờ trước mắt, ông Phủ hầu như chỉ tĩnh lặng, chốc chốc lại buông những tiếng thở dài.

“Cướp” vàng bằng tàu cuốc

Theo lời ông M, địa điểm khai thác lậu nổi tiếng và quy mô bậc nhất Na Rì chính là khúc sông Bắc Giang đoạn chảy qua địa phận xã Lam Sơn, cách trung tâm thị trấn Yên Lạc chừng 5km.

Đường vào “đại bản doanh” khai thác vàng lậu khá khó khăn. Để vào được khu vực “đại bản doanh”, chúng tôi phải vượt qua những con đường quanh co khúc khuỷu, một bên là vách đá lởm chởm, một bên vực sâu hun hút với những khúc cua rất nguy hiểm. Để tránh rắc rối vì bị phát hiện, ông Phủ cho xe đỗ khá xa so với “đại công trường” trước mặt, chúng tôi đi bộ, men theo lối mòn ở bờ sông Bắc Giang.

Chẳng khó khăn để chúng tôi bắt gặp cảnh hàng trăm toán thợ cùng với dụng cụ thô sơ lẫn phương tiện máy móc thi nhau tung hoành, cày xới trong một cảnh tượng nháo nhác, sông Bắc Giang cuồn cuộn ngày nào bị cày xới nham nhở như những hố bom khổng lồ chắn ngang, chắn dọc dòng nước khiến cho dòng sông vốn trong xanh trước đây, trở nên đục ngầu. Không còn một mét đất nào chưa bị cày xới. Một khung cảnh tan hoang đang bày ra trước mắt.

Cách đó không xa là những thiết bị máy móc như máy múc, máy bơm nước, máng đãi loảng xoảng, gầm rú. Máy xúc từng gầu đất cát chuyển ra những vũng nước gần đó để xối nước. Những chiếc máy đào khổng lồ, được lắp các vòi rồng sục sâu vào dòng sông hút đất đá chuyển lên máy sàng, tiếng máy nổ ầm ầm khuấy động cả núi rừng. Những chiếc máy gắn vòi rồng như những con bạch tuộc tỏa ra tứ phía hoạt động hết công suất.

Đặc biệt hơn cả, sự tiến bộ trong công nghệ "cướp" vàng giết chết môi trường ở Na Rì được đánh dấu bởi sự xuất hiện của đoàn tàu cuốc bằng sắt lưu động khắp các công trường vàng sa khoáng đường thủy. Theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 4 - 5 chiếc tàu cuốc như vậy hoạt động dọc trên một khúc sông ngắn chừng 1,5km của sông Bắc Giang.

Theo ông M, tàu cuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, được các “nậu vàng” du nhập vào VN. Hệ thống gàu múc của tàu cuốc từ 10-20 thậm chí đến 50 gàu, hoạt động trong một băng chuyền chạy tròn liên tục cuốc múc đất đá, cát sỏi dưới lòng sông lên sàn tàu để xay nghiền lấy vàng. Chính vì vậy, tàu cuốc đã tạo ra những đống đất đá rộng mênh mông, cao ngất ngưởng bóp nghẹt cả dòng sông Bắc Giang. Mỗi chiếc tàu cuốc trị giá bạc tỷ nhưng nhiều tay “nậu vàng” vẫn sẵn lòng dốc túi đầu tư vì nguồn lợi mà nó thu hồi nhanh chóng.

Vàng tặc "băm nát" rừng xanh - 2

Sông Bắc Giang bị phá nát vì những tàu cuốc và máy xúc

Đội lốt khai thác cát sỏi?

Theo tìm hiểu, con đường để các tàu cuốc hạ thủy xuống sông suối Na Rì không phải bằng danh nghĩa khai thác vàng sa khoáng, mà núp dưới chiêu bài khai thác cát sỏi để phục vụ dân sinh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tàu cuốc trên thuộc quyền sở hữu của không ít các doanh nghiệp. Những gì mắt thấy, có vẻ các doanh nghiệp trên chẳng mặn mà đến cát, sỏi mà mục đích thực sự là nhắm đến vàng. Bởi nơi đây hoàn toàn không có đường để vận chuyển cát sỏi khai thác được ra thị trường và các doanh nghiệp này cũng chẳng hề bán cát sỏi, mà chỉ múc lên rồi thả đống đó lấp nghẹt cả dòng sông.

Trong khi tôi và ông M mày mò trong đống đất cát ngổn ngang, ông Phủ đứng nhìn trân trân ra lòng sông đục ngầu giận dữ, ánh mắt buồn thảm. Thấy thái độ ông Phủ đổi khác, tôi cũng lấy cớ bảo ông M quay lại xe, chúng tôi lên đường trở về.

Chia tay ông M, chia tay Na Rì, chúng tôi nhắm hướng Hà Nội thẳng tiến. Biết là đêm hôm khuya khoắt đi lại vất vả, nhưng ông Phủ vấn nhất quyết từ biệt, mặc cho sự thuyết phục của người bạn cũ, mong ông ở lại một đêm để dốc bầu tâm sự. Nhìn nét mặt căng thẳng của ông Phủ lúc này, tôi nhận thấy trong ánh mắt và gương mặt ông phảng phất sự hối hận vì những gì mình đã gây ra cho rừng. Dường như ông Phủ đang đau đớn tột cùng khi chứng kiến các thế hệ đi sau bất chấp tất cả chỉ để lấy được vàng từ lòng đất. Tôi lờ mờ cảm nhận được lý do ông từ bỏ sự nghiệp đào vàng khi đang trên đỉnh cao của giới “vàng tặc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hào - Nguyên Long (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN