Văn phòng CDC của Mỹ tại Hà Nội có gì đặc biệt?
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chiều nay 25-8, Phó Tổng thống Kamala Harris khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội.
Buổi lễ được tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Giám đốc CDC Mỹ, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng Y tế các nước. Văn phòng khu vực mới sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa y tế một cách nhanh chóng hơn, đồng thời xây dựng các kết nối quan trọng nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế.
CDC Mỹ chọn Việt Nam làm nơi đặt văn phòng Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Reuters.
Theo thông tin từ CDC Mỹ, đứng đầu Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á là một Giám đốc Khu vực, là cán bộ cấp cao nhất của CDC trong khu vực và là đại diện của Giám đốc CDC, chịu trách nhiệm đảm bảo cách tiếp cận đồng bộ và toàn diện đối với chiến lược y tế toàn cầu của tổ chức. Trong đội ngũ lãnh đạo còn có một Phó Giám đốc Khu vực thường trực và Phó Giám đốc Chính sách - Truyền thông.
Nhân sự do Chính phủ Mỹ tuyển trực tiếp (USDH) và nhân sự địa phương (LE) bổ sung bao gồm các chuyên gia kĩ thuật về các lĩnh vực chuyên môn và nhân viên hỗ trợ hành chính tuyển theo nhu cầu. Nhân sự sẽ được phân công làm việc tại văn phòng khu vực hoặc ở nơi khác trong khu vực.
Ưu tiên ban đầu của văn phòng khu vực Đông Nam Á là điều phối các hoạt động liên quan đến Covid-19 trong khu vực, với sự tài trợ của Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An Ninh kinh tế Virus Corona (Đạo luật CARES).
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội - Ảnh chụp màn hình
Không giới hạn ở các hoạt động liên quan đến Covid-19, các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên của Văn phòng khu vực Đông Nam Á bao gồm mở rộng đào tạo xét nghiệm y tế công cộng khu vực nhằm đưa vào những chương trình đào tạo tốt hơn cho các cơ sở xét nghiệm, xây dựng các chương trình đổi mới để cải thiện sức khỏe cho dân số lưu động và di cư, mở rộng phạm vi hoạt động của chương trình Một sức khỏe (thú y) tại và giữa các quốc gia trong khu vực, hướng tới xóa bỏ các bệnh như sởi, dại và sốt rét.
Đồng thời, Văn phòng hỗ trợ các sáng kiến chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ trong khu vực, như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Sáng kiến Tương lai Y tế Mỹ - ASEAN và Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông.
Văn phòng khu vực Đông Nam Á cũng phối hợp với các đối tác để củng cố hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh lây từ động vật sang người và bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người, như các bệnh có triệu chứng giống cúm (ILI)/bệnh hô hấp cấp tính nặng (SARI), cúm gia cầm, cúm lợn, virus từ dơi, thông qua mạng lưới các địa điểm giám sát đa quốc gia. Cuối cùng, văn phòng khu vực Đông Nam Á sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thực hiện những ưu tiên chung về y tế.
CDC Mỹ khẳng định Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á sẽ là đối tác chuyên môn đáng tin cậy, được các quốc gia biết đến, đồng thời đóng vai trò là đầu mối tăng cường mối quan hệ trong khu vực - đặc biệt là các mối quan hệ kết hợp thông qua ASEAN. Văn phòng khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển và tăng cường các mạng lưới trong ASEAN, bao gồm các Trung tâm Điều hanh Ứng phó Khẩn cấp (EOC), Mạng lưới đào tạo dịch tễ học thực địa, Một sức khỏe, cơ sở xét nghiêm, và phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn/kháng kháng sinh (IPC/AMR).
Ngoài ra, văn phòng khu vực Đông Nam Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quản lý cho Trung tâm ASEAN về Ứng phó khẩn cấp y tế công cộng và Các bệnh mới nổi mới (ASEAN CDC), vì văn phòng xác lập sự hiện diện và xác định các chương trình ưu tiên.
Văn phòng khu vực Đông Nam Á sẽ phát triển và củng cố các mối quan hệ hiện có với các bên liên quan chính trên khắp khu vực, bao gồm các đối tác từ Chính phủ Mỹ và các Phái đoàn Mỹ tại các nước trong khu vực, các tổ chức Liên Hiệp Quốc hoạt động trong khu vực, các ngân hàng đa phương, đối tác song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh), cùng với các đối tác khác trong khu vực.
Vì sao Mỹ đặt Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội? Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2014-2018, đánh giá việc Mỹ đặt Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam thể hiện sự cam kết lâu dài của nước Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực y tế. Việc chọn Việt Nam để đặt văn phòng chứng tỏ quan hệ Việt Nam - Mỹ có độ tin cậy và hợp tác. Mặt khác, điều này cũng cho thấy Việt Nam có đủ năng lực y tế và có tính chất biểu tượng để đặt CDC khu vực. "Nếu nhìn cả quá trình, trong tất cả các đợt dịch trước đây như dịch tả, dịch SARS, gần đây là Covid-19, ngành y tế Việt Nam thực hiện công tác y tế cộng đồng với đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị, phương tiện một cách hiệu quả… Đây là một thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua. Do đó, đặt CDC ở đây có niềm tin vào thế mạnh này" - Đại sứ phân tích. Theo ông Phạm Quang Vinh, ngoài ra,Văn phòng này sẽ không chỉ kết nối được CDC Mỹ với khu vực Đông Nam Á, với Việt Nam mà còn kết nối những nghiên cứu hợp tác, hỗ trợ nhau phòng chống dịch giữa Việt Nam, Mỹ và toàn khu vực Đông Nam Á trong tương lai. "Tôi hy vọng rằng văn phòng này sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng trong việc hợp tác phòng chống Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, khi Đông Nam Á đang là tâm dịch. Đây sẽ là hoạt động có ý nghĩa thiết thực ngay, phù hợp với tính cấp bách của việc chống dịch Covid-19"- nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sáng nay 25-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Phủ Chủ tịch.