Vạn người hành hương về Yên Tử từ nửa đêm
Cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm, hàng vạn du khách thập phương lại tấp nập đổ về khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) để du xuân, vãn cảnh cũng như cầu một năm nhiều sức khỏe và may mắn và bình an.
Nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, núi Yên Tử không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp, nhiều chùa, am, tháp cổ mà còn bởi đây là một địa danh quan trọng trong bản đồ tâm linh của Việt Nam.
Nơi đây được coi là “Đất tổ Phật giáo Việt Nam” bởi sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trải qua hơn 700 năm.
Chính vì những ý nghĩa tâm linh đặc biệt như vậy mà cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về danh thắng Yên Tử lại đón hàng vạn du khách thập phương tìm về miền đất Phật,
Tuy đã có cáp treo nhưng nhiều du khách thập phương vẫn chọn lối đi bộ leo đến chùa Đồng - ngôi chùa cao nhất trên đỉnh Yên Tử, để thể hiện "lòng thành" khi về đất Tổ.
Nhiều người tự mình leo qua 6.000m đường rừng núi, hàng chục nghìn bậc đá trơn trượt với tâm niệm “Trăm năm tích đức tu hành, Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”, thể hiện lòng thành khi về với miền đất Phật.
Đến Yên Tử, khách thập phương bắt đầu chuyến đi từ suối Giải Oan, sau đó đến chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu… và điểm cuối là chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068m.
Dòng người nô nức đổ về chùa Đồng (Yên Tử, Quản Ninh) trẩy hội trong ngày đầu năm.
Dòng người lễ bái trước chùa Đồng. Đây là ngôi chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m; rộng 3,6m; cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn. Ngôi chùa trông như một đài sen, nơi thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm.
Dù đêm xuống, sương mù dày đặc nhưng dòng người đổ về Yên Tử lễ chùa đầu năm mỗi lúc một đông hơn.
Hàng ngàn bậc đá len lỏi dọc đường rừng, các núi đá chênh vênh như thử thách lòng người.
Trong làn sương đêm mờ ảo, Bảo tượng Phật Hoàng khổng lồ ẩn hiện uy nghi.
Đây là ngôi tượng Phật đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất châu Á với chiều cao 12,6 m, nặng khoảng 139 tấn, tọa trên đài sen bằng bê-tông cốt thép ốp đá điêu khắc, thể hiện sự thoát tục của Phật hoàng.