Văn Miếu ở Vĩnh Phúc: "Không nhất thiết phải làm to"
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trùng tu lại Văn Miếu là biểu hiện rất tốt – biểu hiện về “sự học” của dân tộc. Nhưng chỉ cần làm hợp lý, nghiêm túc, không nhất thiết phải to.
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến sự việc tỉnh Vĩnh Phúc bỏ ra gần 300 tỷ đồng xây dựng Văn Miếu.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, giám đốc trung tâm nghiên cứ văn hóa dân gian cho rằng, Văn Miếu là một trong những thiết chế văn hóa cổ xưa, cùng với đình, đền chùa. Trước đây, hầu như làng nào cũng có người theo Nho học. Những làng có nhiều người đỗ đạt đã lập ra Văn Miếu vinh danh.
Ở Trung Quốc, Văn Miếu thờ Khổng Tử và 72 học trò. Tuy nhiên, khi sang đến Việt Nam, Văn Miếu có tính chất khác đi, không còn giống nguyên bản như Trung Quốc. Ví dụ, Văn Miếu ở Việt Nam có thờ Khổng Tử nhưng còn thờ các vị khoa bảng của Việt Nam.
Những năm gần đây, nhiều địa phương trùng tu, khôi phục lại Văn Miếu. Giáo sư cho rằng đây là biểu hiện rất tốt – biểu hiện “sự học” của dân tộc.
Theo ông, cần phải phải sòng phẳng với Văn Miếu. Cụ thể, trong Nho giáo có nhiều yếu tố như hệ tư tưởng, đạo đức, chính trị... nhưng Văn Miếu thờ Khổng Tử là biểu tượng của việc học, không liên quan đến vấn đề khác.
“Xây dựng Văn Miếu có ý nghĩa biểu tượng về khuyến học, phát huy tinh thần hiếu học. Văn Miếu không liên quan đến các yếu tố tư tưởng khác trong Nho giáo”, Giáo sư bày tỏ.
Nói về Khổng Tử, Giáo sư cho rằng, Khổng Tử là nhân vật vỹ đại, danh nhân của thế giới. Khổng Tử có vai trò tích cực với việc học hành của dân tộc chúng ta. Từ ảnh hưởng cho Nho học, đất nước ta có nhiều người rất hiếu học, tài giỏi, danh nhân văn hóa.
Do vậy, xây Văn Miếu để phát huy tinh thần hiếu học là việc nên làm. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn nghèo, chỉ cần làm nghiêm chỉnh, trân trọng, đẹp và không nhất thiết phải to, hoành tráng làm gì.
Bên trong hậu cung Văn Miếu tại Vĩnh Phúc
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) nhận xét, việc bỏ ra một số tiền trên 270 tỷ để xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc là một sự tân tạo quá tốn kém.
Chắc chắn để hoạt động, bảo vệ, vận hành, sử dụng một công trình như vậy cần một số kinh phí thường xuyên, cần nhân lực thuộc hợp đồng hoặc biên chế Nhà nước kha khá... “Công việc còn nhiều lắm, không rõ hiệu quả rồi ra sao”, ông Vỹ băn khoăn.
Được hỏi về việc có nên thờ Khổng Tử trong Văn Miếu Vĩnh Phúc không? Ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: “Đã là Văn Miếu thì chắc chắn là thờ Khổng Tử rồi. Một ngàn năm học hành Nho giáo là như vậy. Nếu không thờ thì ai gọi là Văn Miếu”.
Nhưng ngày nay, sự học đã khác. Cả một truyền thống khoa học Tây phương mênh mông đã dẫn dắt nhân loại tiến bộ trong nhiều thế kỉ. Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc họ vừa hiểu Trung Hoa vừa chủ trương "thoát Á", "thoát Trung".
Dù cội nguồn chúng ta thấm đẫm văn hóa Nho giáo nhưng nó cũng chỉ là một học thuyết đạo đức, học thuyết quản trị xã hội, học thuyết dạy đàn ông làm quan... trong rất nhiều học thuyết khác cổ kim trên thế giới. Sự học ngày nay là học tinh hoa toàn nhân loại, chứ không chỉ học làm quan.
Trước thông tin hiện nay, rất nhiều tỉnh thành có ý định xây dựng Văn Miếu, ông Vỹ bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, khi có một đề án thì cần được xem xét cho thấu đáo và cần sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị. Có thế ta mới làm được những công trình không khiến nhân dân dị nghị, bàn vào tính ra”.