Vạn Lý Trường Thành đổ: Điều tra khẩn cấp
Chính quyền thành phố Trương Gia Khẩu tuyên bố sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện đơn vị xây dựng nào gây hại đến Trường Thành.
Từ lần đầu tiên được Tân Hoa Xã đăng tải (hôm 7/8), sự kiện 36m tường Vạn Lý Trường Thành đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Nguyên nhân ban đầu được nhà chức trách lý giải là Trường Thành sụp đổ do mưa lớn. Tuy nhiên, trước những nghi ngờ và làn sóng bức xúc về khả năng 36m Trường Thành bị phá hoại bởi hoạt động xây dựng của con người, chính quyền thành phố Trương Gia Khẩu (nơi có đoạn Trường Thành bị sụp) đã phải tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp.
Đoạn tường thành bị đổ của một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất của loài người chạy qua thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. Theo báo chí, do những trận mưa lớn kéo dài và việc các công nhân liên tục đào bới để xây một con đường chạy qua quảng trường nằm ngay dưới chân của Vạn Lý Trường Thành đã khiến bức thành vốn đứng kiên cố hơn 500 năm qua không chịu được và đã sụp đổ.
Trường Thành bị sụp bị nghi ngờ do tác động của con người chứ không phải mưa lũ
Hai ngày sau khi sự cố xảy ra, một quan chức thành phố Trương Gia Khẩu cho biết thành phố đã tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp để tìm ra nguyên nhân gây nên vụ sụt tường thành này. Theo ông này, nhiều nguyên nhân đã được tính đến, trong đó quan trọng nhất là xem xét lại ảnh hưởng từ hoạt động xây dựng tại những công trường gần đó. “Nếu xác định đúng là những hoạt động chủ ý do con người làm ảnh hưởng đến sự bền vững của Trường Thành, chúng tôi sẽ buộc đơn vị vi phạm phải chịu trách nhiệm”. Ông này cũng cho biết thêm rằng, chính quyền thành phố cũng đã tính đến phương án cho phục dựng lại đoạn tường thành đã bị đổ và công việc chuẩn bị đã được gấp rút tiến hành.
Điều đáng nói là sau sự kiện này, báo chí Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính sách bảo tồn của nước này. Bởi trong khi những đoạn tường thành ở gần thủ đô Bắc Kinh nhờ thu hút nhiều khách du lịch được gấp rút bảo tồn và lên kế hoạch mở rộng thì nhiều đoạn tường thành ở các khu vực khác ít có khách du lịch tới thăm đều bị lãng quên. Một số đoạn thành khác lại thành địa điểm để những người yêu thích môn vẽ Graffiti và thậm chí vẽ bậy được thỏa thích sáng tạo, một số đoạn còn bị phá hủy để làm đường đi hoặc phát triển các công trình kiến trúc khác. Điều này đã khiến nhiều người yêu thích các công trình lịch sử không chỉ ở Trung Quốc mà ở cộng đồng quốc tế lo ngại về việc một ngày nào đó công trình vĩ đại này sẽ bị mai một và mất đi sự kỳ vĩ vốn có của mình.
Vạn Lý Trường Thành được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987. Công trình này được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và kéo dài tới tận thế kỷ thứ 16. Vạn Lý Trường Thành được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như đá, gạch, đất trộn bùn, gỗ và các nguyên liệu khác. Theo số liệu mới nhất được công bố, tổng chiều dài của bức tường khổng lồ này là 21196 km. Đoạn tường thành chạy qua thành phố Trương Gia Khẩu được xây dựng cách đây hơn 500 năm, trong những năm từ 1368 tới 1644 dưới triều nhà Minh. Vạn Lý Trường Thành được xem là công trình kiến trúc duy nhất do con người làm ra được nhìn thấy từ không gian. |