Vận đen liên tục ám ảnh Hoàng gia Tây Ban Nha
Hoàng gia Tây Ban Nha đang phải đối mặt với những ngày tháng u ám khi liên tiếp hứng chịu những bê bối đầy sóng gió.
Những ngày đầu tiên của năm 2014 không phải là quãng thời gian tốt đẹp đối với Hoàng gia Tây Ban Nha sau một thời kỳ đầy “vận hạn” với những biến cố và bê bối phức tạp khiến báo chí nước này tốn không ít giấy mực.
Ngày 7/1, sau một thời gian dài bị điều tra, cuối cùng Công chúa Cristina, con gái út của vua Juan Carlos cũng đã bị truy tố với tội danh trốn thuế và rửa tiền và sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 8/3 tới đây. Các cáo trạng này có liên quan đến việc chồng cũ của Cristina là vận động viên Olympic Inaki Urdangarin bị truy tố với tội danh lừa đảo 8 triệu USD tiền công quỹ thông qua quỹ từ thiện do ông này lập ra.
Công chúa Cristina sắp phải hầu tòa với cáo buộc trốn thuế và rửa tiền
Cả Urdangarin và Công chúa Cristina đều phủ nhận các hành vi phạm pháp này, và luật sư của công chúa tuyên bố rằng sẽ chống lại lệnh triệu tập của tòa. Viễn cảnh về một phiên tòa xét xử Công chúa Cristina sẽ là một cú đòn nặng nề giáng vào Hoàng gia Tây Ban Nha vốn đã dần dần mất đi lòng tin yêu của dân chúng trong những năm gần đây.
Năm 2007, tạp chí TIME đã từng nhận định: “Với sự kết hợp thần kỳ giữa vinh quang chính trị, lòng tôn kính của thần dân và con cái biết cách đối nhân xử thế, Vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia đã đạt được danh tiếng và sự ngưỡng mộ mà các hoàng gia hiện nay ở châu Âu chỉ có thể mơ ước. Thế nhưng giờ đây điều đó đã thay đổi.”
Hồi năm 2007, một số người dân xứ Catalan dám đốt ảnh của hoàng gia trong chuyến thăm của vua Juan Carlos tới Girona đã bị bắt giữ với tội danh “xúc phạm phẩm giá hoàng gia”, thế nhưng hành động của họ đã châm ngòi cho làn sóng đốt ảnh hoàng gia ở nhiều vùng khác trên đất nước Tây Ban Nha.
Những cuộc biểu tình này đã hé lộ những vết nứt trong lòng dân đối với các thành viên Hoàng gia Tây Ban Nha, và với một loạt những vụ bê bối trong những năm gần đây, các thành viên hoàng tộc nước này đang “tự bắn vào chân mình”.
Chỉ một tháng sau những vụ biểu tình đốt ảnh bùng lên, Vua Juan Carlos đã đánh mất hình ảnh điềm tĩnh thường thấy trong Hội nghị thượng đỉnh Ibero-America và tuyên bố thẳng thừng vào mặt cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez: “Tại sao ông không câm mồm đi.”
Vua Juan Carlos đang dần đánh mất hình ảnh trong lòng dân chúng
Vụ “vạ miệng” của nhà vua được báo chí Tây Ban Nha suy đoán là do những căng thẳng trong vấn đề gia đình. Trong tháng đó, con gái lớn của ông là Công chúa Infanta Elena đã ly thân chồng trong vụ việc được Hoàng gia thông báo là “sự chấm dứt tạm thời hôn nhân” giữa hai người. Đến năm 2009, hai người chính thức ly hôn và người chồng Jaime de Marichalar đã bị tước bỏ danh hiệu Công tước xứ Logo.
Đến năm 2012, Hoàng gia Tây Ban Nha lại thu hút sự chú ý của dư luận khi cháu trai cả của nhà vua là Felipe mới 13 tuổi đã tự bắn vào chân mình trong một tai nạn ngớ ngẩn. Cậu bé Felipe đang luyện bắn súng trong khu đất của cha mình thì vô tình để súng cướp cò khiến viên đạn găm thẳng vào bàn chân.
Hoàng hậu Sofia đã vội vàng tìm cách làm chìm xuồng vụ việc này khi cho rằng “Những tai nạn như thế này xảy ra suốt với các cậu bé”. Tuy nhiên bà đã không để ý đến việc luật pháp Tây Ban Nha nghiêm cấm người dưới 14 tuổi sử dụng vũ khí, và cảnh sát đã phải bắt tay vào điều tra vụ việc ầm ĩ này.
Vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia
Rất may là cuối cùng một thẩm phán cũng đã bác bỏ vụ việc này khi cho rằng đây chỉ là do bất cẩn, và cậu bé Felipe cũng đã lành vết thương, tuy nhiên vụ “cướp cò” này đã gây ra một lỗ thủng lớn trong hình ảnh của Hoàng gia Tây Ban Nha.
Chưa đầy một tuần sau, vận đen lại tiếp tục ám ảnh Hoàng gia Tây Ban Nha khi Vua Juan Carlos bị gãy xương trong chuyến đi săn ở Botswana. Vị vua 74 tuổi này đã được chuyển bằng máy bay về nước để điều trị vết thương.
Việc nhà vua bị thương không những không nhận được sự cảm thông của thần dân mà ngược lại còn bị chỉ trích gay gắt khi có thông tin nhà vua gặp nạn trong khi đi săn voi.
Tạp chí Time bình luận: “Lần đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha, dư luận nước này công khai chỉ trích nhà vua, và thậm chí một số người còn đi xa hơn nữa.” Tờ El Pais của Tây Ban Nha thì cho rằng “việc săn voi để giải trí là hành động ghê tởm và làm tổn thương đến sự nhạy cảm của hàng triệu người.” Trong khi đó, một website ở Tây Ban Nha đã phát động chiến dịch thu thập gần 400.000 chữ ký kêu gọi nhà vua từ chức Chủ tịch Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới ở Tây Ban Nha.
Người dân Tây Ban Nha biểu tình phản đối Hoàng gia
Không chỉ có thế, công ty tổ chức chuyến đi săn cho nhà vua đã quảng cáo rằng chuyến đi săn kéo dài 14 ngày này có chi phí lên tới gần 600.000 USD. Sự xa xỉ và hoang phí của chuyến đi săn này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận giữa bối cảnh Tây Ban Nha đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Tờ El Mundo của Tây Ban Nha đã phải chua chát nhận xét: “Vụ bê bối này tạo ra hình ảnh về sự bàng quan và phù phiếm mà một nguyên thủ quốc gia không bao giờ nên có.”