Vẫn còn nhiều nơi ở Thanh Hóa bị cô lập sau bão
Ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão tại Thanh Hóa lượng mưa đo được trên 120mm – 266mm, nhất là các huyện miền núi, nước sông dâng nhanh khiến nhiều bản làng bị cô lập hoàn toàn.
Suốt trong đêm 15 đến chiều ngày 16/9, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to khiến mực nước trên các sông lên nhanh, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, đặc biệt là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành…
Nước sông lên nhanh nhiều bản làng tại huyện vùng cao huyện Quan Sơn bị cô lập hoàn toàn
Tại huyện miền núi Quan Sơn: Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các con sông dâng cao cuốn trôi nhiều cầu tạm, cô lập các bản Sủa và Na Hồ (xã Sơn Điện), bản Son và Sa Ná (xã Na Mèo), bản Bản Nầm (xã Trung Tiến). Để liên lạc với bên ngoài, lực lượng thanh niên dùng dây để bám và đi bằng bè qua sông.
Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Hiện tại, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương theo sát tình hình, diễn biến để có hướng ứng phó khi cần thiết. Trước mắt, huyện đã cho lực lượng thanh niên của địa phương tiếp cận địa bàn các bản, nắm tình hình, diễn biến và sẽ có những hỗ trợ khi cần thiết. Hiện cuộc sống của người dân ở các địa bàn kể trên vẫn ổn định với phương châm bốn tại chỗ.
Tại huyện miền núi Lang Chánh: Vào sáng ngày 16/9, UBND huyện cũng đã phải chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiến hành sơ tán khoảng 70 người chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại bản Trải 2 (thị trấn Lang Chánh), nằm bên bờ sông Âm được sơ tán đến những nơi an toàn.
Một điểm giao thông bị chia cắt tại thôn Cò Mu, xã Hạ Trung được lực lượng chức năng của xã canh gác.
Tại huyện Bá Thước cho biết, mưa lớn đã khiến lượng nước đổ về rất lớn, gây ngập úng, chia cắt nhiều tuyến đường từ xã Hạ Trung về thị trấn Cành Nàng và các địa phương lân cận. Vào thời điểm 6h ngày 16/9, mực nước chảy qua tràn thuộc làng Chiềng xã Hạ Trung cao trên 1m, nặng nhất là tại các tràn Ma Bùn, Chông Bông, thuộc thôn Cò Mu, các phương tiện giao thông không thể qua khu vực này. Hiện xã Hạ Trung vẫn tạm bị cô lập.
Trong khi đó, mưa lớn cũng đã gây ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng tại tuyến tỉnh lộ 521c (từ Ban Công, Bá Thước đi Phú Lệ, Quan Hóa) đoạn thuộc địa phận Bản Leo. Lượng đất đá sạt lở xuống đường ước tính hàng trăm m3, dài trên 20m, tạo thành những đống đất đá lớn cao từ 4-5m. Giao thông tại tỉnh lộ 521c cũng bị ngưng trệ, chia cắt hoàn toàn. Chính quyền địa phương đang nỗ lực để thông tuyến sớm nhất
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước tại huyện Tĩnh Gia
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, tính đến 15 giờ ngày 16 /9, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, toàn tỉnh có 357 nhà bị ngập nước, diện tích lúa bị ngập, thiệt hại 1.858 ha, đê bao nuôi trồng bị cuốn trôi 80.100 m3…đã có 2 người chết, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dù các ngành chức năng đã nỗ lực tìm kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về 10 thuyền viên của một tàu cá ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa bị mất liên lạc từ ngày 13/9.
“Bão đi qua, chỉ còn lại đống đổ nát. Thầy u gọi trong quê ra, giọng gấp gáp: Sập hết rồi con ơi...!”, dòng chia sẻ...