Vai trò mới của nhân dân khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua

Sự kiện: Thời sự

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được giám sát dự án đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) những dự án doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho cấp xã. “Nếu ban này thực hiện tốt thì những khiếu kiện, khiếu nại sẽ dừng lại ở đó”, ông Hậu nói.

Sáng 3/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.

Vai trò mới của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đánh giá cao việc Ban Thanh tra nhân dân (viết tắt là Ban Thanh tra) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban Giám sát) được tham dự các cuộc họp liên quan các chương trình đầu tư mà ban đang giám sát. Theo ông, sắp tới đây khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, Ban Giám sát được giám sát dự án đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) những dự án doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho cấp xã.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu trao đổi ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu trao đổi ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng

Luật sư Hậu cho rằng nhiều công trình khi thực hiện xong bị sụt lún, chất lượng không đảm bảo là do việc giám sát chưa tốt, còn hình thức. Lần này, luật pháp đã giao và đặc biệt là Luật Đất đai quy định việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án được giao cho Ban Thanh tra, Ban Giám sát đối với những công trình ở phường, xã, thị trấn.

“Nếu ban này thực hiện tốt thì những khiếu kiện, khiếu nại sẽ dừng lại ở đó và đó là cơ sở nếu người dân khởi kiện thì kết luận của Ban Thanh tra và Ban Giám sát sẽ là cơ sở”, ông Hậu nói.

Vị này, ông Hậu cũng đề nghị UBND xã, phường, thị trấn xây dựng công khai thông tin kế hoạch đầu tư trên địa bàn, đồng thời cung cấp cho Ban Giám sát và thường xuyên trả lời những vấn đề theo thẩm quyền của Ban Giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm.

Bên cạnh khẳng định vai trò, hiệu quả của Ban Thanh tra và Ban Giám sát, đại diện Ủy ban MTTQ quận 6 cũng cho rằng hoạt động của ban này còn loay hoay, lúng túng do chưa có một văn bản quy phạm pháp luật pháp lý cao để thực hiện. Do đó, ông Hậu kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nên ban hành một nghị quyết liên tịch hoặc văn bản phối hợp hướng dẫn để cơ sở thực hiện theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo ông Hậu, để thực hiện tốt cần huy động đội ngũ chuyên gia tham gia Ban Giám sát, có am hiểu kiến thức về công trình để phục vụ tốt công việc giám sát, nhằm tránh việc giám sát vẫn cứ loay hoay, vẫn theo hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”. “Giám sát đầu tư cộng đồng ngoài việc canh công trình không có rơi rớt, còn phải đảm bảo công trình đó được thực hiện phải đảm bảo chất lượng phục vụ người dân”, vị này ý kiến thêm.

Bảo đảm hoạt động giám sát và bảo vệ người dám làm

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý.

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý.

Khẳng định hiện nay Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có hiệu lực và cũng đã có nghị định hướng dẫn thi hành, tuy nhiên luật sư Trương Thị Hòa, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM kiến nghị Trung ương MTTQ, MTTQ TPHCM và các quận huyện cần có hướng dẫn cụ thể làm rõ thêm sự khác biệt về chức năng hoạt động giữa Ban Thanh tra và Ban Giám sát nhằm phát huy vai trò của hai ban cũng như của chính những thành viên trong hai ban này.

Bà cũng cho rằng, vì tính chất đầu tư công rất quan trọng, cho nên mỗi một dự án phải có một Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và điều quan trọng là vấn đề kinh phí, chọn con người trong đó. Đồng thời, sự phối hợp của nhà nước với Ban Thanh tra và Ban Giám sát rất quan trọng bảo đảm hoạt động và cũng để bảo vệ người dám làm và có cơ chế khen thưởng cụ thể.

Trao đổi tại tọa đàm, Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định UBND cấp tỉnh, huyện phải xây dựng và trình HĐND cùng cấp quyết định các biện pháp đảm bảo dân chủ cơ sở trên địa bàn nhằm phát huy vai trò của Ban Thanh tra.

Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức. Ảnh: Ngô Tùng

Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức. Ảnh: Ngô Tùng

Tuy nhiên, TPHCM là địa phương thực hiện tổ chức chính quyền đô thị và không tổ chức HĐND ở quận và phường. Sắp tới, vai trò, nhiệm vụ của HĐND thành phố là phải sớm ban hành nghị quyết để quyết định các biện pháp đảm bảo dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần đồng hành với các Ban Thanh tra ở địa phương và giúp các thành viên phát huy trách nhiệm, vai trò, đồng thời cũng giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 312 Ban Thanh tra nhân dân với tổng số thành viên là 2.184 người. Trong khi đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng gồm có 192 ban với số nhân sự là 1.344 thành viên.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thay đổi liên quan đến sổ đỏ người dân cần biết

Thông tư 14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ 16/10/2023, trong đó có nhiều thay đổi liên quan đến sổ đỏ như: bỏ quy định yêu cầu cần sổ hộ khẩu giấy, quy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Tùng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN