Vai trò của bí thư, chủ tịch tỉnh trong vụ 'sang tay' siêu dự án Đại Ninh

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lâm Đồng - Cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị cáo buộc nhận tiền để giúp ông Nguyễn Cao Trí thay đổi đăng ký kinh doanh và đồng thuận với Thanh tra Chính phủ gia hạn siêu dự án Đại Ninh.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa bị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ. Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc Đưa hối lộ.

Theo kết luận điều tra, sau khi Thanh tra Chính phủ ra kết luận, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai "chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh". Cùng thời điểm, ông Trí ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án từ bà Phan Thị Hoa.

Cuối tháng 11/2020, ông Trí lên Lâm Đồng tham quan dự án rồi đến gặp ông Quận, Hiệp để đề xuất được gia hạn, giãn tiến độ dự án. Trong lần này, ông Trí đưa hai lãnh đạo tỉnh mỗi người 200 triệu đồng đặt vấn đề giúp đỡ, mở màn cho thương vụ sang tay siêu dự án Đại Ninh.

Nửa tháng sau, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ đề nghị thay đổi người đại diện pháp luật Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ bà Hoa sang ông Trí. Sở báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến.

Cựu Bí thư Trần Đức Quận khi đương nhiệm. Ảnh: Lâm Đồng

Cựu Bí thư Trần Đức Quận khi đương nhiệm. Ảnh: Lâm Đồng

Do thủ tục không được giải quyết, ông Trí nhờ ông Quận, Hiệp cho được thay đổi đăng ký kinh doanh. Ông Quận gọi điện thoại cho ông Hiệp. Từ đây, Chủ tịch tỉnh giao ông Bùi Sơn Điền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thay đổi đăng ký kinh doanh cho ông Trí.

Kết luận điều tra nêu, ông Quận còn trực tiếp gọi điện thoại chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND Đặng Trí Dũng, người phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tác động việc này.

Không "nằm im" chờ các các sở ngành thực hiện thủ tục, đầu tháng 1/2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh gửi thẳng văn bản kiến nghị lên Bí thư Quận. Ông Trí một lần nữa gọi điện nhờ ông Quận cho ý kiến vào đơn để chuyển cho UBND tỉnh làm căn cứ giải quyết.

Từ lời đề xuất của doanh nghiệp, ông Quận bút phê vào đơn, đề nghị "Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật". Bí thư, Chủ tịch đã có ý kiến nên từ UBND tỉnh đến Sở "cứ vậy mà thực hiện", theo kết luận điều tra.

Ngày 28/1/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 cho Sài Gòn Đại Ninh, đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang Trí.

Khi Thanh tra Chính phủ xác minh kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng cử Chánh thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh tham gia tổ công tác. Sau khi Thanh tra Chính phủ đã "làm đẹp" các đề xuất của ông Trí, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng có đề xuất UBND tỉnh trả lời theo hướng thống nhất để dự án Đại Ninh không bị thu hồi.

Ông Hiệp đại diện UBND tỉnh có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đồng thuận với báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Sau khi "kết luận thanh tra được sửa", UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện thủ tục chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng tại dự án Đại Ninh thêm 24 tháng.

Tại cơ quan điều tra, ông Quận khai cuối năm 2020 được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (đã mất) gọi điện thoại "giới thiệu Trí" nhờ quan tâm, tạo điều kiện cho thực hiện các thủ tục ở dự án Đại Ninh. Ông Quận sau đó có bút phê chỉ đạo vào văn bản và trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo UBND tỉnh giúp ông Trí được thay đổi đăng ký kinh doanh.

Thời điểm Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác xác minh, ông đều đồng ý với các báo cáo của Chủ tịch Hiệp về quan điểm xử lý của UBND tỉnh. Khi đồng thuận với "kết luận sửa đổi" của thanh tra, ông Quận đồng ý cho thực hiện mà không chờ ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.

Ông Quận đã 5 lần nhận tiền từ ông Trí tại phòng làm việc, tổng cộng 2,1 tỷ đồng, cơ quan điều tra xác định.

Cựu Chủ tịch Trần Văn Hiệp khi đương chức. Ảnh: Lâm Đồng

Cựu Chủ tịch Trần Văn Hiệp khi đương chức. Ảnh: Lâm Đồng

Ông Hiệp khai việc giúp ông Trí thay đổi đăng ký kinh doanh là "thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Quận", dù thời điểm đó công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, khắc phục dứt điểm các sai phạm và đang bị kiến nghị thu hồi, thuộc diện không được thay đổi đăng ký kinh doanh, người đại diện pháp luật.

Khi Thanh tra Chính phủ cho gia hạn, giãn tiến độ dự án, ông Hiệp gửi văn bản đồng thuận ra Văn phòng Chính phủ mà không có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy. Tuy nhiên, ông Hiệp khai đã báo cáo và được Bí thư đồng ý. Quá trình này, ông Hiệp đã 7 lần nhận tiền của ông Trí, tổng 4,2 tỷ đồng.

Kiểm toán 'khống' vốn góp 2.000 tỷ đồng cho đại gia Nguyễn Cao Trí

Theo kết luận điều tra, giữa tháng 3/2021, ông Trí đại diện Công ty Sài Gòn Đại Ninh ký hợp đồng kiểm toán với Công ty DFK Việt Nam để kiểm toán báo cáo tài chính cho công ty. Việc kiểm toán thực hiện cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020 và báo cáo tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020, giá trị hợp đồng dịch vụ kiểm toán 50 triệu đồng.

Công ty DFK sau đó ký ban hành báo cáo kiểm toán độc lập về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty kiểm toán DKF khai việc kiểm toán chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng từ bản phô tô, đóng dấu treo, phiếu thu, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do phía ông Trí cung cấp. Bên kiểm toán không kiểm tra, đối chiếu tài liệu, chứng từ gốc, không có chứng từ chứng minh như sao kê, sổ quỹ tiền mặt.

DKF sau đó đã ban hành báo cáo kiểm toán, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng, dù không đủ tài liệu, không làm việc với HĐQT và Ban Tổng giám đốc Sài Gòn Đại Ninh.

Cụm công trình ở dự án Đại Ninh hiện bỏ hoang. Ảnh: Trường Hà

Cụm công trình ở dự án Đại Ninh hiện bỏ hoang. Ảnh: Trường Hà

Lãnh đạo DKF khai không biết dự án bị kiến nghị thu hồi, không biết việc Thanh tra Chính phủ đang xác minh đơn xin gia hạn dự án. DKF cho rằng báo cáo kiểm toán này không có giá trị pháp lý và cũng không biết nhóm ông Trí dùng báo cáo kiểm toán vào mục đích gì. DKF đã nộp lại 50 triệu đồng để khắc phục.

Ông Trí khai việc làm báo cáo kiểm toán để xác định giá trị vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 2.000 tỷ đồng. Bị can làm việc này theo hướng dẫn của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Minh.

C03 đánh giá chưa đủ căn cứ xác định vai trò của lãnh đạo Công ty kiểm toán DKF nhưng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thực hiện kiểm toán. C03 đề nghị thu hồi 50 triệu đồng phí dịch vụ kiểm toán hưởng lợi không chính đáng để sung công quỹ nhà nước.

Quá trình điều tra vụ án, C03 còn xác định có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân liên quan. Nhưng do thời hạn điều tra vụ án đã hết, thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của các cá nhân này được tách để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Ngoài cựu bí thư, cựu chủ tịch Lâm Đồng, vụ án còn có 7 lãnh đạo, cán bộ của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ bị cáo buộc Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sau khi "bẻ lái" thành công kết luận thanh tra, đại gia Nguyễn Cao Trí có được siêu dự án Đại Ninh nên bán sang tay cho Novaland với giá 27.600 tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN