Ủy ban TVQH: Cần chế tài đủ mạnh để ngăn việc trúng thầu rồi bỏ

Sự kiện: Thời sự

Việc chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài...

Sáng 24-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9.

Tại phiên họp này, hai Bộ trưởng Công Thương và Tài nguyên-Môi trường cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Theo bản dự thảo Nghị quyết, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Giá xăng, dầu tăng cao: Hỗ trợ trực tiếp cho dân gặp khó khăn

Đáng chú ý, ở lĩnh vực công thương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. 

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. 

Đồng thời có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.

Cạnh đó, tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân.

Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định...

Cần chế tài đủ mạnh để ngăn tình trạng bỏ cọc sau đấu giá

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Cần hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường.

Đáng chú ý, Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật...

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31-12-2022. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm.

Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai...

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nêu việc dự thảo nghị quyết yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản bảo đảm tiến độ.

Ông Ngân dẫn nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tháng 5-2022, Chính phủ phải trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, quá trình tổng kết Nghị quyết 19, hiện nay Bộ Chính trị chưa họp, chưa cho ý kiến và Ban chấp hành Trung ương cũng chưa có ý kiến... Do vậy, ông Ngân lo ngại nếu theo chương trình của Quốc hội, đến tháng 5 này, Chính phủ không thể trình được Luật Đất đai (sửa đổi) vì chưa đảm bảo căn cứ chính trị.

Thứ trưởng Bộ TNMT đề nghị trong nghị quyết bổ sung thêm cụm từ “đảm bảo căn cứ chính trị”, có nghĩa khi Trung ương thông qua nghị quyết về đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì Chính phủ sẽ có đầy đủ căn cứ chính trị để trình Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng

Vấn đề nguồn cung, giá xăng dầu trong nước được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN