Ủy ban Quốc phòng - An ninh: Cần tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị duy trì quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe do nồng độ cồn nội sinh chưa có căn cứ rõ ràng.
Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết hiện có hai loại ý kiến về quy định điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn.
Nhóm một nhất trí với dự thảo Luật là cấm điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do đã được thực tiễn kiểm nghiệm, cho kết quả tốt. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia giảm. Quy định cũng được đông đảo người dân đồng tình và từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe".
"Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng; có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệch kết quả xử lý", đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra cho biết.
Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống; giảm sức tiêu thụ, ảnh hưởng đến sản xuất, nhập khẩu, phân phối rượu, bia của Việt Nam.
Cảnh sát đo nồng độ cồn người đi xe máy ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, tháng 11/2023. Ảnh:Gia Chính
Một số ý kiến đề xuất xem xét lại quy định hiện tại, cho rằng cần có đánh giá, tổng kết và cơ sở khoa học rõ ràng để thiết lập mức giới hạn nồng độ cồn thấp nhất. Quy định theo hướng này sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng rượu, bia được lái xe và không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cảnh báo việc này có thể làm tăng số vụ tai nạn giao thông, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân. Ngoài ra, người uống rượu, bia cũng không thể biết lúc nào đến ngưỡng để dừng lại.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh tổng hợp và đề xuất hai phương án. Một là quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Hai là kế thừa quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cấm điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở.
"Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1 báo cáo Quốc hội", ông Tới nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp sáng 15/3. Ảnh: Media Quốc hội
Trong văn bản tham gia giải trình một số nội dung mới của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây, Bộ Công an bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện.
Việc quy định nồng độ cồn bằng 0 sẽ giúp người lái xe tránh được tình trạng "bị ép uống rượu" khi văn hóa của người Việt có tính cả nể. Đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Bên cạnh đó, giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Hồi tháng 11/2023, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định xử phạt tài xế có nồng độ cồn đã gây ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp, nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.
Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam". Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ là tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Nguồn: [Link nguồn]