'Út trọc' Đinh Ngọc Hệ lãnh thêm 5 năm tù vụ trốn thuế

Cho thuê lại tám khu đất quốc phòng nhưng không khai báo lợi nhuận, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) lãnh thêm năm năm tù về tội trốn thuế.

Ngày 31-3, sau một ngày xét xử và nghị án, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên án vụ trốn thuế đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và các đồng phạm.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ năm năm tù về tội trốn thuế, tổng hợp hình phạt chung với ba bản án trước đó là tù chung thân.

Cùng tội danh trốn thuế, tòa cũng tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình) bốn năm tù, tổng hợp hình phạt chung với hai bản án trước đó là 28 năm tù; Trần Lê Toàn (cựu kế toán trưởng Công ty Cái Mép) hai năm sáu tháng tù.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (thứ ba từ trái qua) lãnh thêm năm năm tù về tội trốn thuế. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (thứ ba từ trái qua) lãnh thêm năm năm tù về tội trốn thuế. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Về hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo Hệ, Diệt đảm nhiệm chức vụ quản lý kinh tế trong thời hạn năm năm; cấm bị cáo Toàn hành nghề kế toán trong thời hạn ba năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

“Út trọc” chủ mưu, chỉ đạo trốn thuế

Theo HĐXX, trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo hai bị cáo Diệt và Toàn thực hiện hành vi trốn thuế.

Tại tòa, hai bị cáo Hệ và Diệt đều không thừa nhận hành vi chỉ đạo kế toán của Công ty Cái Mép trốn thuế. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo Toàn và lời khai của những người được thuê để điều hành Công ty Cái Mép, có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 3-2008 đến tháng 4-2016, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Diệt điều hành, thống nhất với Toàn không thực hiện kê khai, kê khai thuế không đầy đủ, không xuất hóa đơn khi cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê lại tám khu đất quốc phòng nhằm hưởng lợi cho Công ty Cái Mép.

Số tiền các bị cáo trốn đóng thuế nhà nước là hơn 39 tỉ đồng. Trong đó có 12,9 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, còn lại là thuế thu nhập doanh nghiệp.

HĐXX cũng nêu rõ trong vụ án này, bị cáo Hệ là chủ của các doanh nghiệp. Người được hưởng lợi lớn nhất trong vụ việc này chính là Đinh Ngọc Hệ, nên có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Hệ đã chỉ đạo việc trốn thuế. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận lời bào chữa của các luật sư cho rằng bị cáo Hệ chỉ điều hành chung công việc của công ty, còn việc kê khai thuế là do bộ phận kế toán làm…

Đối với Phạm Văn Diệt, bị cáo là người thực hiện theo chỉ đạo của ông Hệ trong việc điều hành hệ thống Công ty Đức Bình, đặc biệt là đối với Công ty Cái Mép, trong đó có việc triển khai và xác định không khai báo thuế, đóng thuế. Do đó, bị cáo Diệt được xác định là người có vai trò thực hành cho Đinh Ngọc Hệ.

Tương tự, bị cáo Toàn biết phải khai báo thuế và xuất hóa đơn cho các khoản thu của Công ty Cái Mép. Dù vậy, vì nghe theo chỉ đạo của bị cáo Diệt, bị cáo đã không thực hiện kê khai thuế nên xác định là đồng phạm giữ vai trò người thực hành.

Cho thuê lại đất quốc phòng nhưng né kê khai

Cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương xác định Đinh Ngọc Hệ là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Hệ đã nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập một số công ty, trong đó có Công ty Đức Bình và Công ty Cái Mép.

Theo HĐXX, người được hưởng lợi lớn nhất trong vụ việc này chính là Đinh Ngọc Hệ nên có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Hệ đã chỉ đạo việc trốn thuế.

Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa là độc lập nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hệ và sự điều hành của Diệt.

Năm 2010, ông Hệ chỉ đạo bổ nhiệm Diệt làm tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình. Bị cáo Hệ có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, lấy Công ty Đức Bình làm trung tâm để điều hành các công ty khác.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3-2008 đến tháng 4-2016, Công ty Cái Mép ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên tám khu đất quốc phòng (bản chất là thuê đất). Sau đó, công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp đồng (bản chất là cho đối tác khác thuê lại).

Khi thực hiện cho thuê lại đất, Hệ đã chỉ đạo Diệt điều hành, thống nhất với Toàn không thực hiện kê khai, kê khai thuế không đầy đủ, không xuất hóa đơn cho các khoản thu.

Tổng doanh thu mà Công ty Cái Mép đã thu theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác trên tám khu đất quốc phòng là 133,6 tỉ đồng, từ đó trốn thuế số tiền hơn 39 tỉ đồng.

Ngoài tuyên án đối với các bị cáo, HĐXX cũng tuyên buộc Công ty Cái Mép phải nộp lại 39,7 tỉ đồng. Đồng thời, buộc các cổ đông phải chuyển trả lại toàn bộ cổ phần cho ông Hệ trong Công ty Cái Mép và tiếp tục duy trì các lệnh phong tỏa, kê biên tài sản mà trước đó cơ quan chức năng đã kê biên.

Án chồng án

Trước khi bị đưa ra xét xử về tội trốn thuế, năm 2018, Đinh Ngọc Hệ bị Tòa án Quân sự Trung ương xử phạt 12 năm tù về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tiếp đến, năm 2020, Tòa án Quân sự Trung ương tiếp tục tuyên phạt bị cáo Hệ 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến năm 2021, bị cáo này nhận bản án thứ ba của TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 13 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt chung của ba bản án là tù chung thân.

VKS đưa ra bằng chứng ông Đinh La Thăng có mối quan hệ với ”Út Trọc”

Trong phiên xét xử chiều ngày 19-12, VKSND đưa ra bằng chứng chứng minh và khẳng định đã truy tố, kết luận bị cáo Đinh La Thăng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Đăng ([Tên nguồn])
Út trọc và những sai phạm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN