“Ướp Lạnh dù quen thuộc, nhưng không thể đặt tên đường”

“Với những cái tên cổ như Nhổn, Cao Xà Lá, cây đa Nhà Bò, bến Nứa… gắn bó với người dân qua nhiều thế hệ thì phải tôn trọng, giữ lại. Tuy nhiên, với những tên nghe phản cảm Ướp Lạnh, Bò Đái, xóm Vẫy…, dù lâu đời cũng khó chấp nhận được”.

Những ngày qua, bức ảnh Hà Nội có tên đường Ướp Lạnh bên cạnh phố Hàm Nghi (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến dư luận xôn xao. Ngay sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Hà Nội đã yêu cầu quận Nam Từ Liêm báo cáo về việc đặt tên Ướp Lạnh cho con đường.

Sau khi tấm biển đề tên đường Ướp Lạnh được gỡ xuống, nhiều người dân tại khu vực cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, việc để tên Ướp Lạnh gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

“Ướp Lạnh dù quen thuộc, nhưng không thể đặt tên đường” - 1

Tấm biển mang tên đường Ướp Lạnh khiến dư luận xôn xao (ảnh facebook PGS-TS Hà Đình Đức).

Trước những tranh cãi này, chúng tôi đã trao đổi với GS Nguyễn Quang Ngọc - thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường, phố Hà Nội - để hiểu rõ hơn về quy trình đặt tên ở địa phương này.

Ưu tiên tên gọi cũ, nhưng không phản cảm

Thưa GS, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về việc lấy tên Ướp Lạnh để đặt tên đường. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Nguyên tắc ưu tiên hàng đầu khi đặt tên đường, phố là phải tên cổ, tên người dân quen gọi từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, việc này cũng có những quy tắc nhất định. Yêu cầu trước hết là cũng cần phải đảm bảo tính mỹ quan, không phản cảm, dung tục thì mới được xem xét.

Việc người dân quen gọi cái tên đó cũng dễ hiểu. Nhưng nếu lấy tên này để đặt tên thì không ổn, vì nghe phản cảm và mang ý nghĩa không hay.

Tôi lấy ví dụ, cách đây không lâu, ở tỉnh Quảng Ninh cũng từng có đề nghị đặt tên một con đường là Bò Đái. Theo lý giải, vì ở đó có một bãi chăn bò, người dân gọi mãi thành quen. Nhưng để tên là Bò Đái, nghe phản cảm quá. Vì vậy, dù thuận tiện cho người dân nhưng tên này cũng không được chấp thuận.

Tương tự như vậy, dù tên Ướp Lạnh đã được người dân gọi quen nhưng nếu có đề xuất chắc chắn cũng sẽ bị loại bỏ.Dù tôn trọng tên cũ, tên cổ nhưng cũng không thể tùy tiện đặt theo cách gọi quen thuộc của người dân được. Chính vì vậy, Hội đồng tư vấn đặt tên mới được thành lập để xét duyệt, thẩm định các tên này.

Vậy để đổi, đặt tên đường, phố Hà Nội cần có những quy trình thế nào?

- Việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng ở Hà Nội phải trải qua nhiều bước như: Lập danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường phố, công trình công cộng... trình UBND thành phố ra quyết định trình HĐND để ra nghị quyết, tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, Hội đồng tư vấn phải họp tối thiểu 8 phiên nhằm xem xét, đánh giá từng tên đường và đảm bảo đạt hơn 70% số phiếu đồng thuận mới thực hiện các bước tiếp theo.

Những quy trình nghiêm ngặt cần thực hiện đúng để đảm bảo tính khoa học, mỹ quan cho đường phố Hà Nội.

“Ướp Lạnh dù quen thuộc, nhưng không thể đặt tên đường” - 2

GS Nguyễn Quang Ngọc.

Đặt tên đường theo danh nhân khá phức tạp

Nhưng thưa GS, hiện có không ít người đang phàn nàn đường phố đặt tên quá nhiều danh nhân, nhân vật lịch sử. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Không hẳn vậy. Bởi nguyên tắc đặt tên đường, phố hiện nay ở Hà Nội trước hết vẫn ưu tiên những tên gọi cũ, tên cổ mà người dân đã quen gọi từ lâu đời.

Với những cái tên cổ như Nhổn, Cao Xà Lá, cây đa Nhà Bò, bến Nứa… gắn bó với người dân từ nhiều thế hệ hoặc họ có những tích truyện đáng nhớ thì nên tôn trọng điều đó.

Tiếp theo là đặt tên theo địa danh, di tích lịch sử, cuối cùng mới sử dụng đến tên danh nhân.

Bởi, quan trọng nhất khi đặt tên đường chính là phục vụ nhu cầu người dân ở chính địa phương đó. Vì vậy, những tên gọi cũ hoặc địa danh đã có sẽ thuận tiện cho người dân hơn là những cái tên mới.

Vậy quỹ tên theo danh nhân, nhân vật lịch sử của chúng ta còn nhiều không, thưa ông?

- Nguồn tên này hiện vẫn còn rất nhiều và thường xuyên được bổ sung. Bởi cũng nhiều đơn vị, địa phương vẫn tiếp tục đề xuất thêm tên những người có công trạng vào quỹ tên.

Tuy nhiên, hiện nay cách đặt tên đường theo danh nhân khá phức tạp, bởi chắc chắn có những tranh cãi về những công trạng của vị này, vị kia. Theo đó, chúng tôi sẽ phải xác minh nhiều lần về những đóng góp của họ. Hoặc những nhân vật lịch sử thì được sử sách ghi chép thế nào, Hội đồng tư vấn phải họp nhiều lần để đánh giá lại.

Vì thế, ưu tiên số 1 vẫn là tên cổ mà người dân gọi quen.

Cũng có người cho rằng, cách đặt tên đường ở Hà Nội khiến người dân không định vị được đường mình cần tìm, vậy khi tư vấn đặt tên, Hội đồng có chú ý đến vấn đề này không, thưa ông?

- Cũng không hẳn vậy. Nếu chú ý thì cũng có thể biết được quy tắc để dễ tìm đường. Như với cách đặt tên đường theo danh nhân, nhân vật lịch sử sẽ cụm tuyến đường theo triều đại, theo lĩnh vực hoạt động…

Ví dụ như, quanh Hồ Gươm là khu vực các triều đại mở đầu lịch sử đất nước: Ngô, Đinh, Lý như các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ. Hay ở khu vực Hồ Tây là phố của các văn nghệ sĩ như: Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân…

Còn đặt tên đường theo địa danh hoặc tên gọi cũ thì người dân vẫn dễ dàng tìm được.

“Ướp Lạnh dù quen thuộc, nhưng không thể đặt tên đường” - 3

Khu vực Hồ Tây có những tuyến đường mang tên văn nghệ sĩ như: Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Xuân Diệu...

Ngoài những cách đặt tên nêu trên, Hội đồng tư vấn có nghiên cứu phương án nào đặt tên để người dân dễ tìm kiếm hơn không, thưa GS?

- Hiện tại chủ yếu vẫn áp dụng các cách đặt tên trên. Mới đây, có thêm cách nữa là đánh số thứ tự. Nhưng do từ đầu chúng ta không làm cách này nên người dân vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và cũng khó để tìm đường.

Ở Mỹ có cách đặt tên theo số hoặc chữ cái, cách này nghe có vẻ khô khan nhưng rất khoa học và dễ tìm. Tất nhiên là họ phải làm ngay từ đầu mới được như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ong Lý ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN