"Uống nhiều bia rượu, con người lười suy nghĩ"
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia/năm là con số không đáng khích lệ. Thói quen uống bia rượu nhiều sẽ làm cho con người lười suy nghĩ, năng suất lao động giảm…
Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) năm 2015 cho hay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước, với hơn 400 nhà máy sản xuất bia.
Tiêu thụ bia rượu nhiều phá hủy nền kinh tế
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia/năm là con số không đáng khích lệ. Bởi trong bối cảnh đất nước chưa giàu, đáng lẽ sản phẩm bia, rượu phải được xuất khẩu ra nước ngoài để thu tiền về chứ không phải tiêu thụ ở trong nước như hiện nay. Người dân lấy tiền đi uống bia, hết tiền làm ăn buôn bán là không tốt.
“Uống rượu bia nhiều sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu làm bia. Đặc biệt, việc tiêu thụ bia rượu quá lớn cũng gây phá hủy kinh tế, xã hội”, tiến sĩ Phong chia sẻ.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong: Ảnh Tiền Phong
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, nhiều tài liệu cũng nêu, thu nhập của Việt Nam hiện nay đứng thứ 8 của khu vực Đông Nam Á, nhưng tiêu dùng bia lại đứng thứ nhất, vượt xa so với Philippines. Như vậy, nếu với mức tiêu thụ bia rượu như hiện nay thì kinh tế sẽ ảnh hưởng, suy giảm.
“Năm 2012, chúng tôi đã có khảo sát và thấy rằng, bình quân một năm một người dân tiêu thụ hết 363 USD cho bia, nhưng cho khám chữa bệnh chỉ có 102 USD. Như vậy, cho thấy việc uống rượu bia chiếm gấp 3 lần so với việc khám chữa bệnh. Đây là một thông tin hoàn toàn không tốt”, thạc sĩ Hạnh nêu.
Tiến sĩ Phong cho biết thêm, hiện nay nhiều người dân vẫn coi việc sử dụng rượu bia giống như một phương tiện để giao tiếp trong hoạt động kinh doanh, giải trí. Văn hóa uống rượu bia trở thành phong trào, mọi người thấy thoải mái là uống. Thêm nữa, quy định về việc cấm rượu bia chưa nghiêm nên tỷ lệ tiêu thụ bia rượu rất cao. Nhận thức của người dân vẫn nặng về tiêu dùng, chưa giàu nhưng uống bia tối ngày.
“Tôi đã ở Nga, ở Ba Lan gần 10 năm, ở đấy, người dân uống có chừng mực, mỗi người chỉ uống 1 chai bia. Người dân họ uống theo kiểu thưởng thức. Còn ở Việt Nam, mấy người ngồi uống với nhau cả thùng bia, thậm chí uống từ sáng đến tối, uống theo kiểu tận hưởng. Như vậy, nhiều người chỉ biết uống cho sướng miệng, chưa nhận thức được về sức khỏe, tác hại do rượu bia gây ra”, tiến sĩ kinh tế chia sẻ thêm.
Uống bia khiến năng suất lao động giảm
Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng, hiện nay người dân ở làng bản, thành phố chưa có định hướng tiêu dùng cho lành mạnh.
Người dân uống rượu bia nhiều sẽ làm giảm năng suất lao động
“Uống rượu bia nhiều không những gây thiệt hại về kinh tế gia đình, xã hội mà còn gây hại về sức khỏe. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây nên khoảng 60 bệnh như, béo bụng, tim mạch, ung thư, dạ dày…”, thạc sĩ Hạnh nói.
Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho hay, người dân sử dụng bia rượu nhiều sẽ khiến năng suất lao động giảm, bởi vì mất thời gian ngồi uống bia rượu. Đặc biệt, thói quen uống bia rượu làm cho người dân lười suy nghĩ, chém gió là nhiều. Khoa học công nghệ khó mà phát triển được, nếu người dân cứ ngồi uống bia rượu tối ngày.
Trong một cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần... Việt Nam là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Rượu bia có chất gây nghiện, do vậy, khi uống nhiều sẽ tác động đến thần kinh. Phản xạ về mặt thần kinh của người dân không chuẩn mực khi tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm. Đấy cũng chính là một trong nhiều lý do khiến hàng năm có dưới 9.000 tử vong vì giao thông, trong đó 60% các vụ tai nạn có liên quan đến rượu bia. Ở một góc độ khác, uống rượu bia nhiều sẽ làm giảm tuổi thọ của người dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu bia khi vào cơ thể chỉ 2-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận; đặc biệt là gan - cơ quan đón nhận đầu tiên. Đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính có 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể phòng ngừa nếu không sử dụng rượu bia. |