Ứng xử thế nào để “cứu nguy” khi bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em?

Sự kiện: Tin nóng

Rất nhiều trường hợp bị vu oan là bắt cóc trẻ em rồi bị người dân đánh đập, thậm chí là mất mạng. Vậy làm thế nào để cứu nguy?

Ứng xử thế nào để “cứu nguy” khi bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em? - 1

 Nhiều trường hợp bị đánh oan hoặc thiệt mạng vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Ảnh minh họa.

Mới đây, anh P.V.T quê Thanh Hóa làm công nhân xây dựng tại Hà Nội sau khi uống rượu xong, trên đường đi trả can rượu thấy một bé gái 3 tuổi đứng khóc. Người đàn ông vẫy cháu bé ra ngoài sân dỗ dành, sau đó bế ra một quán nước cách đó khoảng 350m và mua bánh mì cho bé ăn.

Khoảng 7 phút sau,  người thân cháu bé chạy ra thấy anh T đang ngồi bên cháu bé mới hô lớn "bắt cóc trẻ em" khiến người dân quanh đó tập trung lại khống chế, hành hung rồi đưa anh T đến trụ sở Công an phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Tuy nhiên, sau khi xác minh, cơ quan công an khẳng định anh T không bắt cóc trẻ em.

Không chỉ riêng vụ việc trên, mà rất nhiều trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như anh T. Chỉ muốn làm việc tốt nhưng bị người dân hiểu lầm mà bắt giữ, hành hung, thậm chí có người còn mất mạng.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc ông bố trẻ 28 tuổi (quê Kiên Giang) đang chơi với con trong công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa (Long An) thì bị đâm chết do bà bán vé số hô “bắt cóc trẻ em” mới xảy ra tháng 2/2019. Hay vụ việc 2 người phụ nữ bị đánh bầm dập khi đi bán tăm gây quỹ tình thương ở Sóc Sơn (Hà Nội) tháng 7/2017; giám đốc công ty thức ăn chăn nuôi bị đốt rụi ô tô Fortuner vì nghi thôi miên... và còn rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra.

Từ những vụ việc hiểu nhầm như trên, chắc hẳn nhiều người sẽ lưỡng lự việc có hay không làm việc tốt khi gặp một đứa trẻ bị lạc hoặc đang quấy khóc một mình. Thậm chí, nhiều người còn có tâm lý sợ hãi khi đến một vùng đất lạ, sợ bị mọi người vu oan cho bắt cóc trẻ em để hành hung. Vậy, có cách nào ứng xử để chúng ta không rơi vào những hoàn cảnh như trên?

Về vấn đề này, ngày 20/3, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học nhận định, hiện nay, nhiều thông tin đồn thổi qua mạng xã hội thiếu kiểm chứng. Hơn nữa, hiểu biết của người dân về pháp luật còn hạn chế, cộng với hội chứng đám đông làm người ta thiếu kiềm chế, không xác định được đúng sai dẫn đến hành động bột phát.

Theo Đại tá Thìn, để không bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em thì khi đến vùng một vùng đất mới làm việc gì cũng phải minh bạch.

Ứng xử thế nào để “cứu nguy” khi bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em? - 2

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học.

“Phong thái phải đĩnh đạc, đàng hoàng. Đến nhà ai thì phải gặp gỡ người nhà, người lớn tuổi, không hỏi dò, hỏi quanh hoặc gặp những người có trách nhiệm, người quen biết ở địa phương dẫn đi.

Gặp một đứa trẻ đang chơi một mình hoặc đang khóc, nếu không có người lớn thì phải hỏi han thông tin cháu. Khi có người lớn xuất hiện phải chủ động thông tin cho người ta trước. Dẫn đứa trẻ đến, nói với họ là nó đang ở một mình, đang khóc hoặc đang gặp nguy hiểm... Hành vi phải minh bạch, rõ ràng”, Đại tá Thìn chia sẻ.

Trường hợp khi đã bị người dân nghi ngờ, quây đánh, theo Đại tá Thìn thì phải quyết liệt, đề nghị bà con bình tĩnh, nói rõ ràng mục đích, hành vi của mình khi đến địa phương hoặc đang muốn giúp đứa trẻ thế nào.

Nếu người dân còn nghi ngờ thì có quyền yêu cầu đưa về ủy ban nhân xã hoặc cơ quan công an gần nhất. Thái độ phải thể hiện sự quyết liệt, nói với người dân đánh người là vi phạm pháp luật, sẵn sàng theo người dân đến mọi nơi để chứng minh, kiểm tra lai lịch, nhân thân, việc làm... Chứ lúc đó, nếu im ỉm hoặc ấp úng, thiếu kỹ năng ứng xử là dễ bị ăn đòn.

Về phía người dân, Đại tá Thìn khuyến cáo, cần phải bình tĩnh và hiểu biết về pháp luật. Khi chưa biết đúng sai mà đã hành hung người khác sẽ bị pháp luật xử lý.

“Không ai có quyền xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản... của người khác. Kể cả khi họ có bắt cóc trẻ em thật thì cũng không được quyền hành hung mà phải giữ người, đưa đến cơ quan công an hoặc gọi công an tới”, Đại tá Thìn nói.

Cùng quan điểm như trên, Tiến sĩ tâm lý học trẻ em Trần Nam cũng cho rằng, người dân cần phải trang bị kỹ năng sống cho mình. Cần phải nhận diện tình huống, không để mình rơi vào cảnh hàm oan.

“Khi gặp một đứa bé lạ phải có hành động thân thiện, không nên bế hay đuổi theo khi không có người lớn ở đó. Phải chủ động nói ra trước khi gặp người lớn.

Khi bị người dân nghi ngờ phải thẳng thắn, minh bạch để thể hiện là không bắt cóc. Tự đề xuất là ra cơ quan công an để đối chất với mọi người”, ông Nam cho hay.

Người đàn ông bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em nói lý do bế bé gái ra quán nước

Giây phút anh T. bị người dân vây đánh, ghì xuống đất để trói tay đưa về trụ sở công an, bà Ngoan dùng chính hai tay mình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN