Ứng phó siêu bão số 3: Những điều cần biết để giảm thiệt hại về người, tài sản
Mỗi người dân cần nắm được kiến thức cơ bản về bão, áp thấp nhiệt đới để có biện pháp ứng phó, phòng ngừa hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi bão số 3 sắp đổ bộ
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 3. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai
Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão. Bão số 3 hiện đang ở cấp siêu bão.
Phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh
Hướng di chuyển của bão được xác định theo 1 trong 16 hướng: Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc.
Theo Tổng cục khí tượng thuỷ văn, trong thực tế, khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý tới vị trí tâm bão và đường đi của tâm bão mà quên mất rằng gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão.
"Nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền. Cơn bão số 3 đang diễn ra cần đặc biệt chú ý tới vấn đề này".
Nguồn: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
Gió bão mạnh (trên cấp 10) có thể trải rộng trong một vùng có bán kính khoảng 50 km xung quanh tâm bão đối với một cơn bão nhỏ, và có thể tới hơn 150 km đối với một cơn bão lớn. Khu vực có gió mạnh trên cấp 7 còn trải rộng hơn nữa, có thể cách tâm bão tới 500 km trong một cơn bão lớn. Do đó phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.
Khi tâm bão đi qua, gió lại yếu dần đi một cách nhanh chóng. Nhiều người cho rằng bão đã qua và chủ quan trong phòng chống. Di chuyển khỏi nơi trú ẩn lúc này cực kỳ nguy hiểm bởi thực tế sau đó gió lại mạnh trở lại và đổi hướng. Nhiều người cho rằng bão quay trở lại. Cần phải hiểu đúng vấn đề này để tránh chủ quan trong phòng chống bão.
Cập nhật tin bão thế nào?
Có 3 website chính thức của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, mọi người dân có thể truy cập để nắm thông tin: nchmf.gov.vn; kttv.gov.vn; thoitietvietnam.gov.vn
Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xác định căn cứ theo Quyết định 18 ngày 22-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai (gọi tắt là Quyết định 18).
Theo Quyết định 18, tin bão khẩn cấp được ban hành khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.
Bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ là khi tâm bão, tâm áp thấp nhiệt đới đã vào đất liền. Bão hoặc áp thấp nhiệt đới tan là bão, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp có sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.
Nguồn: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra.
Phát tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão trên Biển Đông, Tin bão khẩn cấp, Tin bão trên đất liền: Mỗi ngày ban hành 8 bản tin chính vào lúc: 2 giờ, 5 giờ, 8 giờ, 11 giờ, 14 giờ, 17 giờ, 20 giờ và 23 giờ.
Trong thời gian có tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, tin bão khẩn cấp và những trường hợp áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, ngoài 8 bản tin chính, cần ban hành bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.
Tin nhanh áp thấp nhiệt đới, bão được cập nhật hằng giờ trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai: Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.
Phân loại cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão
Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau: Dự báo áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;
Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).
Nguồn: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau: Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;
Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ.
Dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).
Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau: Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ.
Dự báo bão rất mạnh cấp 14, cấp 15 hoạt động trên đất liền các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Dự báo siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuy bão số 3 đi vào khu vực Bắc Bộ, nhưng đây là cơn bão có cường độ rất mạnh nên thời tiết TP HCM và Nam Bộ sẽ bị ảnh hưởng, sẽ mưa to đến rất to trong vài ngày tới