Ukraine: Vì sao Nga quyết giữ Crimea

Giữ được Crimea không chỉ là giữ chỗ đứng chân cho Hạm đội Biển Đen mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với Nga.

Trong khi các lãnh đạo phương Tây từ Tổng thống Mỹ Barack Obama cho tới Thủ tướng Đức Angela Merkel đều yêu cầu Nga không được vi phạm chủ quyền của Ukraine bằng kế hoạch can thiệp quân sự của mình, họ đã nhận được phản ứng rất rõ ràng từ phía Tổng thống Vladimir Putin: Thế còn lợi ích quốc gia của chúng tôi thì sao?

Ít nhất trong vòng 6 năm qua, Putin đã liên tục cảnh báo Mỹ và NATO không được chà đạp các lợi ích của Nga ở Ukraine, đặc biệt là ở Crimea, nơi Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga đã lập căn cứ từ thời Catherine Đại đế vào năm 1783 sau khi đế chế Ottoman nhượng lại bán đảo này cho Nga.

Ukraine: Vì sao Nga quyết giữ Crimea - 1

Quân cảng Sevastopol, căn cứ của Hạm đội Biển Đen

Theo một bức điện mật được bị rò rỉ trên trang Wilileaks, trong một hội nghị của NATO tổ chức ở Rumani năm 2008, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng liên minh quân sự này đang đe dọa đến sự sống còn của Ukraine bằng việc lôi kéo Ukraine trở thành thành viên của NATO.

Trong bức điện gửi về Mỹ này, Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker cho biết ông Putin đã tuyên bố rằng biên giới Ukraine đã được “đóng khung” sau Thế Chiến II, và việc Ukraine tuyên bố chủ quyền đối với bán đảo Crimea từng nằm trong lãnh thổ của Nga là rất mơ hồ về mặt pháp lý.

Bốn tháng sau đó, ông Putin đã thể hiện quyết tâm biến lời nói thành hành động của mình bằng việc điều quân đội Nga tới tham chiến ở Gruzia, một thành viên thuộc Liên Xô cũ, khi chính quyền Gruzia tìm cách đàn áp phong trào đòi độc lập của 2 khu vực nói tiếng Nga là Abkhazia và Nam Ossestia.

Còn giờ đây, trong mắt Putin, chính Mỹ và EU mới là những người đã đẩy Ukraine tới bờ vực chiến tranh bằng cách hậu thuẫn cho phe đối lập lật đổ vị Tổng thống được Nga ủng hộ Viktor Yanukovych. Ông Yanukovych đã bị Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất vào ngày 22/2, sau những vụ đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Kiev khiến ít nhất 82 người thiệt mạng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi đây là một cuộc “đảo chính” do những kẻ “phát xít” thực hiện và gây thiệt hại cho lợi ích của Nga.

Ukraine: Vì sao Nga quyết giữ Crimea - 2

Quân đội Ukraine ở Crimea bị "khóa chặt" trong doanh trại

Vậy điều gì đã thúc đẩy ông Putin đưa ra yêu cầu quốc hội nước này phê chuẩn việc điều động lực lượng quân sự tới Ukraine? Nguyên nhân của hành động này xuất phát từ một quyết định của quốc hội Ukraine một ngày trước đó nhưng lại bị giới truyền thông phương Tây lờ tịt đi. Đó chính là quyết định của các nghị sĩ Ukraine nhằm hủy bỏ một đạo luật quy định tiếng Nga là một ngôn ngữ chính thức ở Ukraine.

Theo một cuộc tổng điều tra dân số năm 2001, người Nga chiếm tới 59% dân số Crimea, tiếp theo là người Ukraine chiếm 24% và người Tatar chiếm 12%. Trên toàn lãnh thổ Ukraine, người Nga cũng chiếm tới 17% dân số, và họ chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Nga, bởi vậy quyết định của quốc hội Ukraine có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng người Nga ở nước này.

Mặc dù Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov đã tìm cách trấn an dư luận, song động thái trên của quốc hội đã tạo nên “nỗi sợ hãi lớn” trong cộng đồng nói tiếng Nga chiếm đa số ở miền đông Ukraine.

Ông Sergei Makrov, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị ở Moscow nhận định: “Ở Ukraine, phương Tây đang tìm cách dựng lên một quốc gia chống Nga. Putin không muốn khoanh tay ngồi chờ xem điều gì sẽ xảy ra, thế nên ông đã quyết định phát động một cuộc chiến nhỏ để bảo vệ lợi ích của Nga và tránh một cuộc chiến lớn trong tương lai.”

Để đối phó với tuyên bố can thiệp quân sự của ông Putin, Ukraine đã ban bố lệnh tổng động viên quân sự và kêu gọi các quan sát viên quốc tế tới Crimea sau khi các lực lượng không rõ danh tính nói tiếng Nga giành quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ và sân bay Crimea.

Ukraine: Vì sao Nga quyết giữ Crimea - 3

Nga đã gần như kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea

Trong khi đó, nhiều tay súng nói tiếng Nga đã bao vây bên ngoài căn cứ quân sự Ukraine ở Privolnoye trên bán đảo Crimea, khóa chặt lực lượng quân sự Ukraine đóng quân tại đây.

Trước khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, Nga có khoảng 15.000 thủy thủ và binh lính thuộc Hạm đội Biển Đen đóng quân lâu dài tại 3 căn cứ trong và ngoài thành phố Sevastopol, thành phố lớn nhất ở Crimea.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga đã điều thêm 6000 binh sĩ tới Crimea trong vòng 24 giờ qua, và con số này tiếp tục tăng lên “từng giờ”. Rất nhiều máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang của Nga cũng đã xuất hiện trên bầu trời Crimea. Trên biển, thêm nhiều tàu chiến đã được huy động tới quân cảng Sevastopol tăng cường cho các lực lượng đồn trú tại đây.

Vậy Sevastopol có ý nghĩa quan trọng như thế nào mà Tổng thống Putin quyết tâm giữ vững bằng lực lượng quân sự như vậy? Nếu nhìn vào lịch sử của thành phố này, chắc hẳn chúng ta sẽ có câu trả lời.

Trong tiềm thức của người dân Nga, Sevastopol là một thành phố anh hùng, một biểu tượng cho chiến thắng oanh liệt của Nga trước phát xít Đức, và hình ảnh này đang được báo chí Nga khai thác tối đa nhằm khơi gợi tinh thần thân Nga và bác bỏ chính quyền lâm thời mới thành lập ở Kiev của người dân Sevastopol nói riêng và Crimea nói chung.

Cũng giống như thành phố Alamo trong tâm trí người Mỹ, thành phố Sevastopol được người Nga coi như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng Nga, bởi thành phố này đã trụ vững trước những cuộc vây hãm và đánh phá khốc liệt của các thế lực phương Tây, đầu tiên là Anh, rồi đến Pháp trong cuộc chiến Crime vào thập niên 1850, và sau đó là quân đội Đức Quốc xã trong giai đoạn 1941-1942.

Ukraine: Vì sao Nga quyết giữ Crimea - 4

Đặc nhiệm người nhái Nga diễu binh ở quân cảng Sevastopol

Bởi vậy, có thể nói rằng việc Nga giữ được Crimea không rơi vào vòng kiểm soát của phương Tây không chỉ là hành động giành chỗ đứng chân cho Hạm đội Biển Đen mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn đối với Nga.

Mặc dù Tổng thống Putin đã tuyên bố hồi cuối tuần rằng Nga sẽ có hành động quân sự nếu tình hình bất ổn tiếp tục xảy ra tại các khu vực nói tiếng Nga khác ở phía đông Ukraine, song đến nay ông vẫn chưa đưa ra bất cứ quyết định nào.

Sự phản ứng quyết liệt của Mỹ và phương Tây trên mặt trận ngoại giao cùng những đe dọa cấm vận trên mặt trận kinh tế có thể là những lý do khiến ông Putin chần chừ trong việc thực hiện một nước cờ mạo hiểm ở Ukraine. Có thể nói cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ukraine được tháo gỡ như thế nào phụ thuộc rất lớn vào chính sách của phương Tây, bởi chính họ đã cố tình phớt lờ những cảnh báo của ông Putin về “cuộc chiến lớn” này từ trước đó rất lâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN